Thiền Lâm
(VNTB) – Với xu hướng “nhất thể hóa” không thể tránh khỏi để tiết kiệm tiền, sẽ có bao nhiêu trong số hàng triệu công chức, viên chức “một lòng theo đảng” phải “ra đường”?
“Nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch tỉnh” là một đề xuất “bất ngờ” được nêu ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 vào ngày 4/3, do Ban Tổ chức trung ương chủ trì và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh “phát biểu chỉ đạo”.
Như vậy sau hơn một năm kể từ thời sóng gió ngay trước đại hội 12, “nhất thể hóa” đã trở thành một đề nghị chính thức.
Vào tháng 9/2016, ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đã khởi động “nhất thể hóa” bằng bài trả lời phỏng vấn khá dài cho trang VietTimes với nhan đề “Nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu”.
Nội dung quan trọng nhất trong bài trả lời trên có lẽ là:
“Giải thể các bộ máy chồng chéo, sáp nhập các bộ máy dù của Đảng hay của Nhà nước làm chung một việc theo hướng thống nhất và đa năng, giảm mạnh số các đầu mối bộ máy và tổ chức, bảo đảm sự chuyên nghiệp và liên thông- nhất nguyên chế. Nói cách khác, từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên chế về tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu. Chẳng hạn, một vài cơ quan có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau, nên chăng tính toán nhất nguyên hóa tối thiểu ở 3 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị, theo phương châm: đa năng hóa bộ máy hay bộ máy đa năng.
Các thành viên của hệ thống chính trị thuộc Mặt trận Tổ quốc làm công tác dân vận (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) có thể thuộc khối đa năng này. Chẳng hạn, văn phòng cấp ủy trùng lắp rất nhiều loại công việc với văn phòng chính quyền, hội đồng nhân dân, trước mắt có thể sáp nhập các văn phòng làm một, theo phương châm: một văn phòng phục vụ hai (ba) bộ máy”.
Như vậy, ý tưởng “nhất thể hóa”, hay cụ thể hơn là sáp nhập một số ban đảng với cơ quan chính quyền được phác ý tưởng từ hơn hai mươi năm trước, bắt đầu được thực hiện.
Nhị Lê lại là một trong những nhân vật phát ngôn chính yếu của Tổng Bí thư Trọng. Vào thời gian gần Đại hội XII, ông Nhị Lê cũng đã từng trả lời phỏng vấn về vấn đề “nhất thể hóa”. Xét về “dây”, ông Nhị Lê hiển nhiên là người của Nguyễn Phú Trọng từ khi ông Trọng còn là tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Nhưng tại sao chỉ đến giờ này đảng mới muốn “nhất thể hóa”?
Lý do bề mặt là “tinh gọn bộ máy”. Nhưng một trong những nguyên do sâu xa là hội chứng cạn tiền.
Những minh họa hùng hồn về hội chứng trên, phát ra vào năm 2015, là Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau thâm hụt ngân sách trầm trọng, nợ khoảng 300 tỷ đồng và nhiều khoản nợ không biết lấy tiền ở đâu ra mà chi trả. Nhưng nghiêm trọng nhất là cơ quan này không còn đủ tiền để trả lương cho công nhân viên chức.
Trong khi đó và là “láng giềng” của Cà Mau, không chỉ thâm lạm về tài chính, Thành ủy Bạc Liêu còn bị bệnh viện đòi tiền và phát sinh đủ thứ hổ lốn.
Hội chứng “chúa chổm” của các cơ quan đảng đang lộ rõ, bắt đầu từ cấp địa phương và giờ đây lan tới khối trung ương. Với khối địa phương, “nạn nhân” đầu tiên là một số tỉnh thành nhỏ và dễ bị cắt ngân sách chi cho khối đảng lẫn chính quyền.
Sau “biến cố” ngân sách trung ương xuất hiện dấu hiệu cạn kiệt tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015, không còn nghi ngờ gì nữa, 2016 là năm mà hầu bao khối đảng lẫn chính quyền bị thắt chặt nặng nề. Những địa phương có thói quen vung tay quá trán cùng nạn nhũng nhiễu tràn lan như Cà Mau sẽ trở thành nơi “vỡ hụi” đầu tiên. Tiếp sau đó có thể là một số tỉnh thành lớn hơn, kể cả TP. HCM. Và cuối cùng, đơn vị được bao cấp ngân sách hoàn toàn và có ưu thế nhất về chính sách ưu ái là các cơ quan đảng ở trung ương cũng sẽ không thoát khỏi số phận bị cắt giảm chi tiêu.
Hàng năm, các cơ quan đảng chi tiêu đến vài ngàn tỷ đồng từ tiền đóng thuế của dân. Nhưng với xu hướng “nhất thể hóa” không thể tránh khỏi để tiết kiệm tiền, sẽ có bao nhiêu trong số hàng triệu công chức, viên chức “một lòng theo đảng” phải “ra đường”?