VNTB – Nhìn từ biểu tình ở Mỹ

VNTB – Nhìn từ biểu tình ở Mỹ

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – “No Justice, No Peace” – tạm dịch: không có công lý thì không có hoà bình, ổn định, là một khẩu hiệu phản ánh đúng tư tưởng lớn của các cuộc biểu tình phản kháng vừa qua ở Mỹ, mặc dù bên cạnh đó có những kẻ cơ hội lợi dụng để đập phá, cướp bóc.

Trách nhiệm cuối cùng ở đâu?

Thầy giáo khoa luật ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Ngô Huy Cương nhận xét rằng, truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa, truyền thống pháp luật Anh – Mỹ và truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa đều có căn nguyên công lý, khác với truyền thống pháp luật Hồi Giáo, truyền thống pháp luật Đạo Indu có căn nguyên tôn giáo, và truyền thống pháp luật viễn đông có căn nguyên luân lý.

Cho nên công lý là góc nhìn quan trọng bậc nhất cho những người dân sống ở các nước theo các truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa, truyền thống pháp luật Anh – Mỹ, và truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa.

“Qua cuộc biểu tình phản kháng ở Mỹ vừa qua, có thể thấy Mỹ đã xây dựng cho người dân một nền tảng văn hoá pháp lý rất vững bền, mà được thể hiện ở cảm xúc mãnh liệt và sâu sắc nhất của họ đối với công lý. Nghiên cứu về lịch sử pháp luật thế giới, người ta đi đến nhận định rằng: hầu hết các học thuyết vương quyền đều tập trung ở tư pháp. Vì vậy xây dựng tư pháp là vấn đề trọng yếu của một xã hội không chỉ ở thời kỳ hiện đại mà từ thuở xa xưa. Một xã hội văn minh là một xã hội biết coi trọng vai trò của tư pháp trong quản trị quốc gia hiện đại.

Thật sai lầm khi một nước nào đó tập trung quá lớn vào tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mà lãng quên cải cách tư pháp thực sự phù hợp với thời đại! Nên nhớ quyền lực tư pháp thuộc về các thẩm phán, chứ không phải thuộc về toà án mà để quyền lực đó nằm trong tay chức danh chánh án, được thiết kế như thể thủ trưởng trong một cơ quan hành chính nhà nước.

Vì vậy cải cách tư pháp phải tập trung vào chế định thẩm phán! Làm giảm vai trò của chánh án không thể không nghĩ đến trong cải cách tư pháp ở nước ta”.

Nhà giáo Ngô Huy Cương nêu hàng loạt vấn đề như kể trên, mà suy cho cùng nếu quả thực Điều 4 của Hiến pháp được thực thi, thì trách nhiệm cuối cùng đó thuộc về người giữ chức danh Trưởng Ban Cải cách tư pháp Trung ương – một cơ quan được lập ra với chức năng là cơ quan tham mưu – tức ‘thầy dùi’, giúp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của đảng cộng sản Việt Nam về công tác cải cách Tư pháp và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.

Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật: còn dừng ở mức độ ‘mỹ từ’?

Nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được ghi nhận tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, và Điều 23 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, “Điều 23. Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.

Luật quy định là vậy, nhưng thực tiễn thì tòa án cấp trên quản lý tòa án cấp dưới cả về tổ chức, tài chính và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ.

Tình trạng can thiệp từ phía lãnh đạo tòa án vào hoạt động xét xử, trong một số trường hợp đã can thiệp sâu vào công việc xét xử của thẩm phán và hội thẩm, hoặc cũng có trường hợp vì lợi ích cá nhân, mà chánh án chỉ thị, định hướng cho hội đồng xét xử.

Việc thẩm phán tham khảo ý kiến của lãnh đạo toà án còn cao. Vấn đề trao đổi ý kiến lãnh đạo về “đường lối giải quyết vụ án” vẫn chiếm một tỷ lệ lớn. Tình trạng “báo cáo án”, “thỉnh thị án” đã phá vỡ nhiều nguyên tắc quản lý và nguyên tắc tư pháp trong hoạt động tòa án, như “nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập”, “nguyên tắc xét xử tập thể”, làm cho những nguyên tắc này trở nên hình thức và không được tôn trọng, làm giảm vai trò của hội thẩm, phá vỡ nguyên tắc tính đại diện của nhân dân trong xét xử.

Thẩm phán, hội thẩm đôi khi còn chịu áp lực của công luận khi đăng tải nhiều bài viết về một vụ án chưa xét xử; chịu ảnh hưởng và tác động của bản kết luận điều tra, hoặc cáo trạng khi nghiên cứu hồ sơ, nên có thể không độc lập trong quá trình xem xét và đánh giá chứng cứ.

Trong nhiều trường hợp, hội đồng xét xử tin vào kết quả điều tra có trong hồ sơ vụ án, mà không coi trọng tới những ý kiến trình bày tại phiên tòa, chưa thực sự coi trọng nguyên tắc tranh tụng mà vẫn nặng về thẩm vấn, xét hỏi, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng.

Do đó, phán quyết của hội đồng xét xử còn mang tính áp đặt, còn tình trạng xét xử oan sai, trái pháp luật; bản án, quyết định của tòa án cấp dưới bị tòa án cấp trên hủy, sửa nhiều; và ngay cả tòa án cấp trên cao nhất – kể cả hội đồng của phiên giám đốc, vẫn đưa ra các phán quyết bất chấp lý lẽ, chứng cứ tranh tụng – giám đốc vụ án bưu cục Cầu Voi, là một dẫn chứng gần nhất.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)