(VNTB) – Hàng cây cổ thụ trăm năm trên con đường Cường Để – Tôn Đức Thắng năm nào, giờ đây, chỉ còn trong ký ức và hoài niệm…
“Trả lại em yêu, khung trời Ðại Học/ Con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát/ Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt…” (Trả lại em yêu – Phạm Duy).
Tạm dừng bước tại một quán cà phê ở Sài Gòn, giai điệu với lời nhạc quen thuộc dường như đã níu kéo chân người. Những ký ức của một thời bất chợt ùa về.
Gần con đường Duy Tân (nay là con đường Phạm Ngọc Thạch), có một ngôi trường đại học với bề dày lịch sử lâu đời. Đó chính là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày hôm nay. Tiền thân là Trường Đại học Văn khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Từ năm 1976 đến năm 1996, Trường trở thành bộ phận các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 30-3-1996, Trường mang tên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Không chỉ là học, dưới mái trường này, đã có không biết là bao nhiêu kỷ niệm; không biết bao nhiêu lá thư tình viết vội chưa dám gửi; không biết bao nhiêu lời ước hẹn chưa thành và cả không biết ngày mai… liệu có còn gặp lại? Tất cả tựa hồ như những trang vở, chất chứa biết bao kỷ niệm của thời sinh viên.
Gần đó, có một con đường với cái tên Cường Để với hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Mỗi khi rảo bước dưới những tán cây là một khoảng không gian xanh mát. Ngồi bên vệ đường, tận hưởng cái bầu không khí trong lành ấy, cảm giác như bao buồn phiền được gạt hết sang một bên.
Tôi nhớ có một lần, người bạn học cùng đại học đã từng nói với tôi. Dẫu Sài Gòn sở hữu nhiều cung đường có nhiều cây cao bóng cả, song, ở con đường Cường Để này, với nó, là khác hẳn. Thấy rõ nhất là vào những ngày mưa, khi xung quanh mưa tuôn xối xả thì tại đây, chỉ lắc rắc vài hạt rơi xuống đường, là quá đủ để thấy tán cây ở đây dày như thế nào!
Cái ngày mà Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đốn hạ hàng cây trên con đường Tôn Đức Thắng (tên mới của Cường Để), tôi không thể tận mắt chứng kiến, chỉ kịp trở về khi chỉ còn lại gốc. Khi đó, không chỉ tôi, mà với những cư dân địa phương, dường chừng như ai cũng buồn, cũng tiếc thương cho sự “ra đi” của hàng cây trăm tuổi.
“Buồn lắm chứ, mình ngồi đây, nhìn từng cây bị đốn hạ. Cứ nghĩ họ chừa, ai nghĩ họ đốn hết. Biết là vì cuộc sống hiện đại, văn minh, phát triển nhưng phải bao nhiêu năm mới có được hàng cây như con đường Cường Để này? Chẳng lẽ không thể có một biện pháp dung hoà, tốt hơn sao? Ở một thành phố như Sài Gòn, mảng xanh đã không được nhiều, giờ còn ít hơn nữa. Cô thấy không, giờ con đường Tôn Đức Thắng nắng muốn cháy da. Mới sáng sớm đã gắt, người dân buôn bán ở đây tới trưa là không ít người cảm thấy ngao ngán dưới cái tiết trời như vầy. Mà giờ có nói thì tất cả cũng đã xong hết rồi”, một cụ ông, là cư dân sinh ra và lớn lên tại một con hẻm trên con đường Cường Để chia sẻ trong nhớ tiếc.

Trở lại thành phố sau bao năm xa cách, Sài Gòn trông hiện đại hơn; phố xá, hàng quán vẫn còn đó, nhưng sao lòng chợt cảm thấy bồi hồi chi lạ. Dường như thiếu vắng đi một hình ảnh quá đỗi quen thuộc, quá đỗi thân thương ngày nào.
Hàng cây trên con đường Tôn Đức Thắng có thể đã bị đốn hạ nhưng những ký ức, những kỷ niệm tại đây, vẫn còn nguyên vẹn mỗi khi nhắc, kể, nhớ về…