Nguyễn Hoàng Hải
(VNTB) – “Mẹ ơi con nhớ mẹ nhiều lắm, người ta chưa trả Ipad cho con và em Gấu. Con và bà sợ nhất khi em Gấu hỏi mẹ đi đâu sao lâu về quá! Bà dặn Gấu đừng khóc nhưng bà lại khóc.“. Đó là dòng trạng thái của bé Nấm 10 tuổi con của bloger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Hai đứa nhỏ đã bị cách ly khỏi mẹ gần hai tháng nay. Không hiểu chính quyền sở tại (Khánh Hòa) có một chút lòng trắc ẩn nào không khi nghĩ về hai đứa nhỏ chỉ mới 10 tuổi và bốn tuổi, tuổi rất cần sự chăm sóc của mẹ hằng ngày. Thế nhưng, chính quyền dường như vẫn muốn lờ đi tính nhân văn của xã hội mà lẽ ra cần phải được đẩy lên hàng đầu cho một xã hội đang cần lắm để thay đổi những điều tệ hại xấu xa.
Việc bắt bloger mẹ nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, với những tang chứng là những tấm bìa được in hình con cá cùng lời chú thích kêu gọi bảo vệ môi sinh, vài tập hồ sơ ghi lại những việc có thật đã xảy ra những cái chết trong đồn công an, và cũng có thể còn có thêm những trang tài liệu mà Quỳnh đã theo dõi những công ty đã cấu kết với những quan chức chính quyền cho những dự án không được minh bạch rõ ràng dẫn đến những khiếu kiện của người dân thấp cổ bé họng đang diễn ra trên mọi miền đất nước, mà Quỳnh thường cập nhật trên trang nhà của mình một cách công khai.
Vậy việc bắt và ghép tội Quỳnh vào điều 88 BLHS có nói lên được tính chính danh của điều luật đó một cách rõ ràng hay không?
Sự thật ! Nếu một xã hội không tồn tại những xấu xa tai hại dẫn đến đại thảm họa như Formosa, những cái chết oan uổng trong đồn công an, những cái chết tức tửi cho việc xã lũ bất ngờ trong đêm, cùng với đó là những doanh nghiệp bất lương cấu kết với những quan chức của chính quyền đẩy người dân đến cảnh khốn cùng .v.v.v, thì lẽ nào người dân mà đơn cử ở đây là Quỳnh lại cắc cớ lên tiếng phản kháng lại những xấu xa vô cùng tệ hại đó.
Hãy nhìn vào bề mặt của xã hội hiện tại rồi suy ngẫm!
Chúng ta thấy được điều gì để tự hào về đất nước mình?
Có phải chỉ có những giọt nước mắt rơi xuống, ngậm ngùi khi nhìn đất nước đang một ngày xa dần với thế giới văn minh của nhân loại hay không?
Trở lại với việc bắt bloger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Mẹ Nấm!, một công dân đã dấn thân vì cộng đồng không ngoài mong muốn góp phần loại bỏ những điều xấu xa, sai trái. Kêu gọi cộng đồng chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường, môi sinh lại lâm vào cảnh tù đày như vậy có đúng người đúng tội hay không?
Nếu đem so sánh những việc Quỳnh làm với những quan chức tham nhũng, tham ô, đã phá tan đất nước này rồi cao chạy xa bay khi sự việc vỡ lỡ, hoặc hạ cánh an toàn…, ai mới là người có công, và kẻ nào mới là người có tội ?
Dường như, chính quyền đã không còn tỉnh táo để nhận ra những sai lầm do chính mình gây ra. Nên càng ngày, càng leo thang cho việc bắt bớ, trấn áp những người có tiếng nói phản biện lại với chính quyền.
Trong khi đó, những quan chức cao cấp của chính phủ trong những phát biểu của mình, luôn lo lắng niềm tin của dân chúng dành cho chính quyền ngày càng rạn nứt và xa dần. Nhưng, chính quyền dường như chỉ nói mà không có một hành động cụ thể nào để giành lại niềm tin đã mất.
Sự phục tùng chịu đựng của người dân, từ lâu đã trở thành những bầu sữa nuôi dưỡng những quan chức của chính quyền có được tiền tài, danh vọng, xa hoa. Nên giờ đây, những quan chức vẫn cố níu kéo và hy vọng người dân sẽ phục tùng, chịu đựng lâu hơn nữa để duy trì những gì mình đang hưởng thụ và nắm giữ hay sao?
Thật sự, nếu chính quyền vẫn ” hư đốn ” trong suy nghĩ và hành động của mình như bấy lâu nay và cho đến giờ này vẫn không đủ bản lĩnh can đảm nhìn nhận lại sự quản trị và điều hành đất nước của mình một cách quá kém cỏi qua sự việc gần nhất là đại thảm họa Formosa. Thử hỏi, chính quyền làm cách nào để lấy lại niềm tin của người dân trong lúc nguy khốn này?
Dù lý hay tình đi nữa cũng phải xuất phát từ tâm để phán xét sự việc một cách công tâm và minh bạch, mới thể hiện được tính nhân văn của loài người trong xã hội hiện đại ngày nay.
Cách để người dân và chính quyền, cùng tôn trọng nhau để xây dựng lại đất nước đang bên bờ vực thẳm không phải là sự phô trương sức mạnh của chính quyền cho việc bắt bớ, trấn áp, bỏ tù những người dân chỉ vì có những tiếng nói phản biện lại với chính quyền. Cách tốt nhất hãy nên tôn trọng những tiếng nói phản biện của người dân, từ đó mới sửa đổi lại được những xấu xa vô độ đã tồn tại trong xã hội bấy lâu nay.
Tôi không cắc cớ để nói ra những lời cay đắng làm gì cho mệt mỏi, và cũng không bỗng nhiên lại buồn đến nhói đau khi đọc dòng tâm trạng của bé Nấm chỉ mới mười tuổi, đã hoang mang lo sợ cho em của mình là Gấu, cùng với bà ngoại của mình đang ngày đêm mong ngóng bóng dáng của mẹ, sao lâu quá không về!
Dòng tâm trạng của bé Nấm, hy vọng sẽ đến được với những cơ quan công quyền đang giam giữ mẹ của bé, hãy suy nghĩ lại cho sự mất mát lớn lao này mà lẽ ra không nên có đối với các cháu đang tuổi cần được chăm sóc và bảo vệ của người mẹ.
Hãy trả tự do cho mẹ nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về với các con của mình!