Vi Tiểu Bảo
(VNTB) – Đại hội Đảng 13, bên lề hành lang, nhiều lời đồn đoán, dự đoán, mong muốn ông này sẽ lên chức này, ông kia tiếp tục ngồi lại ghế nọ…
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, ai ngồi ghế nào cũng được, miễn sao đem lại cho dân đời sống ấm no, không bị o ép bởi chính quyền địa phương, có tiếng nói thật sự… là được. Đó là chưa kể đến việc nhân sự mới chưa chắc sẽ làm tốt hơn nhân sự cũ.
Cái gì mới cũng bỡ ngỡ, làm riết, rút được kinh nghiệm – “một lần ngã là một lần bớt dại”, thiết nghĩ, rồi cũng sẽ quen. Một người quê ở chỗ khác, nhiều năm làm việc ở một nơi khác nữa, vẫn có thể về một chỗ khác ngồi cái ghế uy quyền còn được cơ mà.
Tuy nhiên, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc nhân sự cũ không làm được gì hết. Nếu như mọi thứ vẫn không có gì thay đổi một cách đặc biệt thì sẽ như thế nào?
Trong suốt từ năm 2016 đến nay, nhờ vào chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, có không ít các quan tham là đảng viên cỡ bự, gốc bự phải lộ mặt chuột. Đây là một dấu son đáng ghi nhận, dù có thể vẫn là tảng băng chìm đang chờ nổi.
Những năm học lớp 4, mỗi giờ ra chơi, trường có quy định là tất cả các em học sinh phải ra sân tập thể dục, sau đó mới được thoải mái làm việc cá nhân trong quy định của nhà trường. Bởi, một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện.
Tôi không tham vọng là một chính trị gia, nhưng tôi nghĩ rằng, để giải quyết những công việc nhức đầu mang tầm quốc gia, để có thể tìm được những con chuột đang ẩn khuất, cũng phải vận dụng đầu óc nhiều lắm chứ. Có ý kiến cho rằng, điều đó sẽ có những cấp dưới học hành giỏi giang, đầu óc tinh khôn (và cả tinh ranh) lo. Điều đó có thể không sai, nhưng nếu đầu óc của người lãnh đạo không minh mẫn, không công bằng thì làm sao có thể tìm được những cấp dưới giỏi giang như thế?
Thời gian mỗi lúc mỗi trôi qua, tuổi già rồi cũng sẽ đến. Ở đây, tôi không nói là già cả không thể học thêm, không thể suy nghĩ, tuy nhiên, nếu so sánh với những người trẻ hơn, có lẽ, sức bật của người trẻ tốt hơn, trí nhớ của người trẻ tốt hơn, tiếp thu của người trẻ tốt hơn, nghĩ ra nhiều kế hoạch giúp ích cho đất nước cũng tốt hơn…
“Nói chi xa xôi, dẫn người thân vào bệnh viện khám bệnh, điều dưỡng cũng ưu tiên trình bày bệnh của bệnh nhân cho người trẻ hơn. Cũng đúng, dù giỏi cỡ nào đi chăng nữa, lớn tuổi cũng có thể khó tránh chuyện hay quên”, ông Sáu, một người vừa trở về từ bệnh viện, kể.
Cũng có ý kiến cho rằng, mới 77 tuổi thì có gì là già, là lẫn, chứ Biden thì sao? Không lẽ phần đông nước Mỹ đều sai hết à? Thoạt nghe, cảm giác rất có lý. Tuy nhiên, điều đó là hoàn toàn không tương xứng đại lượng để so sánh được.
Dù cùng là những người “thất thập cổ lai hy”, có thể vấn đề y tế được chăm sóc như nhau, song chất lượng không khí của Mỹ tốt hơn Việt Nam; thức ăn ở Việt Nam chưa chắc tốt hơn Mỹ (thực tế ở các bệnh viện, tình trạng bệnh nhân đông đúc là điều dễ dàng nhận thấy)…. Yếu tố ngoại cảnh khác nhau, làm sao hai con người trạc tuổi có thể giống nhau ít nhất là về sức khỏe?
Không phủ nhận những điều mà người đương nhiệm làm có những hiệu quả nhất định. Song với gánh nặng tuổi tác; dù có thể được chăm sóc kỹ càng nhưng có lẽ, sức khỏe cũng phần nào hao tổn theo thời gian, liệu có còn đủ tỉnh táo để nhận và tìm ra những con chuột đó? Tại sao không thử cho người mới vào cương vị đó, biết đâu họ sẽ tiếp nối và làm tốt hơn? Tất cả cũng là vì cái chung thôi mà.
Chợt nhớ lại bài thơ “Nhàn” của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, “một mai một cuốc một cần câu – thơ thẩn dầu ai vui thú nào…”, tâm hồn thanh thản không vướng bận lo nghĩ, vui thú điền viên, chẳng phải nhẹ nhàng hơn sao?
Và hình như, đó cũng là tâm lý của các bậc tiền nhân ngày xưa…