(VNTB)-Những bước đầu gian truân và sứ mạng lớn của hội Nhà Báo Độc Lập VN

Trần Phong Vũ (Hoa Kỳ)

(VNTB) “Trong một chế độ, ở đấy: Hiến Pháp bị ‘treo’ bởi Luật, và Luật bị ‘treo’ bởi những Thông Tư, Nghị Định… thì sự hiện hữu của các cơ cấu dân sự chỉ là hữu danh vô thực, người ta có thể bóp chết bất cứ lúc nào bằng bạo lực với sự hỗ trợ của các Thông Tư, Nghị Định và Luật rừng!” (Suy diễn từ nhận định của Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội CSVN).

“Để phá vỡ cái vòng kim cô ấy, mọi người dân trong nước cần được biết tất cả những gì xảy ra quanh họ. Họ cũng cần vượt qua nỗi sợ để có được nhận thức như Tuyến Xích Lô và công khai nói lớn lên như anh: ‘tôi là người dân, là công dân, là người chủ, còn chính quyền, chính phủ là đầy tớ…’. Công việc này chỉ có truyền thông báo chí chân chính mới làm được. Mọi thỏa hiệp thiếu khôn ngoan, nhất là thiếu lương thiện sẽ chỉ chuốc lấy những thảm bại mà thôi.”

Những chỉ dấu lạc quan

Sau khi Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (HNBĐLVN), tên tiếng Anh: Independent Journalists Association of Vietnam (IJAVN) chính thức ra đời, chẵn một tuần sau, trên Việt Tide số phát hành hôm 11-7-2014, chúng tôi đã viết một bài bàn về tầm quan trọng của truyền thông báo chí, một quyền năng thiêng liêng vốn được tôn trọng trong những xã hội dân chủ với lời kết: sự ra đời của HNBĐLVN là một xu thế không thể đảo ngược: quyền thứ tư của 90 triệu đồng bào ta phải được từng người nuôi dưỡng và bảo vệ.

Dĩ nhiên, để có được tính độc lập và nhất là quyền tự do thông tin, phát biểu quan điểm của người làm báo, không cần có tài cao đoán, ai cũng biết những thành phần đứng mũi chịu sào, kể cả những cộng tác viên của hội sẽ phải đối diện từng phút giây với không ít khó khăn, trở ngại do chế độ độc tài toàn trị tạo ra. Không chờ tới buổi sinh hoạt đầu của hội được dự trù vào ngày 04-8-2014, ngay sau khi hội vừa khai sinh, một đội ngũ hùng hậu những phần tử hèn hạ được gọi tên “Dư Luận Viên”[1] nhập nhằng đội lốt những Bloggers đã liên tiếp tung lên mạng hàng loạt bài viết đánh phá cách hung hãn.

Dù vậy, sau một tháng kiện toàn cơ cấu, khu hội miền Nam công khai thông báo buổi sinh hoạt đầu tiên sẽ được tổ chức tại một quán cà phê ở Sàigòn sáng ngày 04-8-14. Trong trường hợp trở ngại, địa điểm gặp gỡ sẽ thay đổi. Và trở ngại đã xảy ra. Trước hết, một số hội viên đã bị sách nhiễu thô bạo, khiến có người phải gửi đơn xin rút tên ra khỏi hội (điển hình là trường hợp Lê Thanh Hải). Chiều ngày 03-8, đến phiên chủ tịch hội Phạm Chí Dũng liên tiếp nhận được giấy triệu tập “làm việc” của Công An Điều Tra vào ngày hôm sau, tức là ngày có buổi sinh hoạt.

Một thông báo khẩn được gửi ra: cuộc gặp gỡ vẫn tiến hành nhưng ở phòng Công Lý & Hòa Bình Dòng Chúa Cứu Thế dưới sự chủ tọa của Linh mục Lê Ngọc Thanh, phó chủ tịch thường trực của hội.

Chính trong lúc khó khăn ấy, người ta phát hiện những chỉ dấu lạc quan.

Trong Email viết cho tiến sĩ Phạm Chí Dũng và những người đồng hội đồng thuyền, nhà báo Nguyễn Tường Thụy viết:
“Sau một tháng nghiên cứu, họ bắt đầu phá ta, trước hết là hai tờ Petro Times và Nhà báo & Công luận. Tôi nghĩ đường ta ta cứ đi, dù có phải tổn thất.”

Để phấn khích anh chị em, nhà thơ Bùi Minh Quốc lên tiếng:
“Đề nghị anh chị em hội viên và bộ phận lãnh đạo điều hành nắm chắc phương tiện thông tin để kịp thời thông báo cho nhau những gì đang và sẽ diễn ra ngày mai. Không loại trừ tình huống việc tập họp ở địa điểm mới cũng sẽ bị gây khó, ta phải chuẩn bị ứng phó vượt khó để thực hiện bằng được công việc đã định.
Siết chặt tay.
Chúc anh chị em khỏe mạnh vững vàng, chân cứng đá mềm.”

“Còn mỏng lắm”?

Trả lời cuộc phỏng vấn của đài Quốc Tế Pháp ban Việt ngữ, TS Dũng thuật lại nội dung buổi “làm việc” với điều tra viên CA nhà nước. Anh cho biết họ tỏ ra muốn biết về hoạt động của hội. Trong dịp này, anh đã thẳng thắn minh định:

“HNBĐLVN là tổ chức nghề nghiệp về báo chí… luôn ôn hòa về quan điểm, trong đó có quan điểm chính trị…. mục tiêu chính của Hội là phản biện, và Hội chấp nhận các luồng quan điểm và ý kiến đa chiều, kể cả trái chiều giữa các hội viên để tạo nên một môi trường đa nguyên tư tưởng theo đúng nghĩa”.

Về những câu hỏi của điều tra viên cho rằng hội có khuynh hướng thân Mỹ “bị cuốn theo đô la và ảo vọng”, Phạm Chí Dũng đặt ngược lại những câu hỏi:

“Các anh có chứng minh được chúng tôi dùng nguồn tiền bất hợp pháp cho hoạt động của Hội NBĐLVN không? Các anh có bao giờ thấy tôi hoang tưởng chính trị không? Vừa qua sau vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ của Hoa Kỳ và phương Tây thì liệu Trung Quốc có nhượng bộ Việt Nam không? Như vậy cần thấy rằng phải cố mà xây cho được mối quan hệ đồng minh với Mỹ chứ. Quan hệ này không chỉ bảo toàn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam mà còn có lợi cho cả đảng của các anh đấy”.

Anh chia sẻ với các hội viên trong hội:

Điều đọng lại cuối cùng nhưng ấn tượng nhất đối với tôi sau buổi làm việc hôm 4-8 là Cơ quan ANĐT không hề đề cập đến việc hình thành Hội NBĐLVN là đúng hay sai luật pháp, cũng không đả động gì đến việc “xử lý vi phạm” hay bắt bớ nào đối với các hội viên của Hội NBĐLVN.

Họ cũng không đề cập đến cụm từ “đối lập chính trị” mà giới ‘dư luận viên’ đã luôn dùng để công kích và quy chụp Hội NBĐLVN trong gần ba chục bài viết trên mạng trong một tháng qua, hay truy tìm nguồn tài chính của Hội mà có thể họ luôn cho rằng không minh bạch. Và Cơ quan ANĐT cũng chỉ hỏi về hoạt động của cá nhân tôi chứ không đề cập đến bất cứ người nào khác trong Hội NBĐLVN. Tôi cho rằng đã đến lúc Nhà nước Việt Nam phải chấp nhận hoạt động ôn hòa của các hội đoàn dân sự độc lập, và thay vì điều tra xét hỏi và triệu tập liên miên có thể phạm vào việc lạm dụng quyền lực, họ nên đối thoại với chúng tôi về những giải pháp cho đất nước”.

Thái độ lạc quan trên đây của tiến sĩ Phạm Chí Dũng có quá sớm không, thời gian sẽ trả lời. Có điều, khi điều 4 còn nằm chình ình trong cái gọi là Hiến Pháp của Hà Nội thì ngay cả những lời tuyên bố đao to búa lớn của hệ thống cầm quyền chế độ như Nguyễn Tấn Dũng trong thông điệp đầu năm vừa qua cũng chỉ là chuyện ‘nghe qua rồi bỏ’, nói chi đến thái độ và ngôn từ của cơ quan ANĐT? Chúng ta hãy nghe Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện sống ở Hà Nội nhận định về xu hướng phát triển xã hội dân sự trong bối cảnh o ép hiện nay ở VN. Ông nói:
“Đặc biệt bây giờ một số anh em lập ra mười mấy tổ chức xã hội dân sự, nhưng tôi nhìn thấy nó còn mỏng lắm. Khởi xướng của anh em rất là đáng khuyến khích, đáng hoan nghênh. Nhưng cái để đảm bảo cho các tổ chức đó hoạt động chính là cơ sở pháp luật. Nếu không có Luật lập hội thì làm sao những tổ chức đó có cơ sở phát triển… Người ta để như vậy, nhưng lúc nào muốn dẹp là dẹp!... Cho nên việc thúc đẩy là đòi hỏi phải có luật cơ bản… Việt Nam có một qui trình không bình thường: Hiến pháp thì bị luật treo, còn luật thì bị nghị định treo, thông tư treo, đưa ra thì có số liệu nhưng không có hiệu lực thi hành!” (Người viết tô đậm một số câu, chữ)

“Còn mỏng lắm” là gì? Nếu không là các tổ chức xã hội dân sự (trong số có IJAVN) hãy còn yếu, có danh nhưng chưa có thực lực để phát triển, tự do thu hút hội viên, và suy diễn rộng chiều hướng suy nghĩ của ông Thuận thì sự hiện hữu của những tổ chức này chỉ mang tính tượng trựng, được đảng và nhà nước CSVN làm ngơ để làm cảnh, làm bình phong đánh lừa công luận quốc tế cho những mục tiêu mờ ám. Khi cần họ sẽ có trăm phương nghìn kế để ‘cho đi chỗ khác chơi!’

Cần vượt qua sợ hãi

Không ai phủ nhận đảng và nhà nước CSVN hiện đang ở vào thế tiến thối lưỡng nan. Vì nhu cầu giữ ghế và củng cố quyền lực, thâm tâm họ muốn trở lại cái thời của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn khi đảng còn là một khối sắt thép bất khả lay chuyển. Nhưng, ngày nay lịch sử đã đổi chiều. Không chỉ quần chúng nhân dân đã bớt sợ hãi vốn là điều kiện tối cần cho bạo lực lên ngôi. Ngay giữa những khuôn mặt chóp bu của hệ thống đảng và nhà nước, vì tranh ăn, tranh ghế, người ta đã công khai đấu đá lẫn nhau. Tại hội nghị trung ương 6, Nguyễn Tấn Dũng xém bị đẩy ra rìa.

Gần đây khi Bắc Kinh ngang nhiên điều giàn khoan khổng lồ HD 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì bộ mặt thật đã hoàn toàn phơi ra dưới ánh sáng mặt trời. Nguy cơ vỡ đảng không còn là chuyện xa vời, không tưởng. Để cứu nguy, Hà Nội có nhu cầu kết thân với Mỹ để giảm áp lực của Bắc Kinh và quần chúng trong nước và cũng để hy vọng được thu nhận vào TPP. Ngoài ra cũng để thỏa mãn phần nào những đòi buộc của thế giới trong dịp kiểm định định kỳ tình trạng nhân quyền VN ở Genève mới đây. Và như thế việc thả tù nhân trước thời hạn, nới lỏng áp lực đối với các tổ chức xã hội dân sự của Hà Nội chỉ là những đáp ứng nhất thời mang tính giai đoạn, cục bộ.

Trong điều kiện ấy, sự sống còn cũng như sự phát triển bền vững, nhất quán, trong sáng của HNBĐLVN quả là điều quan trọng và cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Nó không chỉ quan trọng và cần thiết riêng cho cơ cấu này mà còn là niềm hy vọng, là điểm tựa cho ngót hai mươi tổ chức xã hội dân sự hiện hữu cùng những tổ chức sẽ ra đời trong tương lai. Xa hơn, nó chính là tương lai của 90 triệu đồng bào ở quốc nội.

Để giúp phá vỡ những mánh lới, những mưu toan ác độc “hèn với giặc, ác với dân”, mọi người dân trong nước cần được biết tất cả những gì xảy ra quanh họ. Họ cũng cần vượt qua sự sợ hãi để có được nhận thức như Tuyến Xích Lô và dám công khai nói lớn lên như anh: “tôi là người dân, là công dân, là người chủ, còn chính quyền, chính phủ là đầy tớ. …”.

Công việc trọng đại, khó khăn này chỉ có truyền thông báo chí chân chính với sự tiếp tay hỗ trợ tích cực của mọi giới đồng bào trong và ngoài nước mới mong làm được. Mọi thỏa hiệp thiếu khôn ngoan, nhất là thiếu lương thiện sẽ rơi vào bẫy của kẻ thù và chỉ chuốc lấy thảm bại mà thôi.

Nam California những ngày đầu trung tuần tháng 8-2014.

Trần Phong Vũ
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)