VNTB – Những cảnh báo về “cơ đồ Việt Nam”

VNTB – Những cảnh báo về “cơ đồ Việt Nam”

Mai Lan

(VNTB) – Quốc hội vừa tiếp tục cảnh báo nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chạm trần 25% tổng thu ngân sách của năm 2020 và dự ước sẽ đạt cao hơn 25% tổng thu năm 2021, có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro năm sau.

Gọi là “vừa tiếp tục”, vì trước đó Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội từng cảnh báo rủi ro khi nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao trong hai năm 2020 và 2021 dẫn tới rủi ro thanh khoản. Cụ thể, năm 2020 phải trả nợ gốc trong nước 150.000 tỉ đồng và con số này tới năm 2021 sẽ tăng lên 211.000 tỉ đồng.

Với trái phiếu Chính phủ trong nước, nghĩa vụ trả nợ tập trung vào một số thời điểm trong năm 2020 và 2021. Riêng năm 2020 phải trả khoảng 166.000 tỉ đồng nợ gốc với đỉnh nợ xuất hiện vào tháng 10. Bước sang năm 2021, nghĩa vụ trả nợ gốc khoảng 204.800 tỉ đồng.

Ngoài ra, khoản trái phiếu Chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ trị giá 1.700 triệu đô la Mỹ sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021 cũng đòi hỏi phải bố trí ngoại tệ để thanh toán.

Không chỉ phải giải quyết các khoản nợ đến hạn, Ủy ban Tài chính ngân sách còn cảnh báo việc phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài nhằm tái cơ cấu các khoản nợ vay sẽ gặp nhiều khó khăn do quy mô thị trường trái phiếu nhỏ, tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng còn hạn chế.

Ngoài ra, ưu đãi với các khoản vay ODA giảm dần sẽ buộc Chính phủ phải huy động các khoản vay mới kém ưu đãi hơn nhiều để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn. Từ đó, làm tăng rủi ro và chi phí huy động vốn của Chính phủ.

Thêm vào đó, rủi ro lãi suất với các khoản nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỉ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng, còn thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn.

Cuối cùng, danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu tập trung vào những loại tiền biến động lớn trong thời gian qua là Yên Nhật (JPY), Đô-la Mỹ (USD), Euro (EUR) cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị danh nghĩa các khoản nợ.

Trong một báo cáo trình Quốc hội ở kỳ họp đang diễn ra, khi đề cập về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay năm nay thu ngân sách ước đạt 1.323,1 nghìn tỉ đồng, hụt 189,2 nghìn tỉ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Nhiều khoản thu không đạt dự toán như thu từ thuế, phí, lệ phí, thu từ dầu thô, trong khi nợ đọng thuế còn cao.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách ước thực hiện là 1.686,2 nghìn tỉ đồng, giảm 60,89 nghìn tỉ đồng (giảm 3,5%)so với dự toán. Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, tăng kỷ luật tài chính, tập trung nguồn lực đảm bảo cho phòng chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai…

Trong năm 2020, bội chi ngân sách ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán, và nhiều khả năng bội chi ngân sách sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỉ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi ngân sách vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỉ đồng), bằng 5,59% GDP.

Trở ngược thời gian. Trong Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 trình bày trước Quốc hội chiều 20-5-2019, cho hay nợ công tăng thêm của năm 2017 là 204.413 tỉ đồng, và tiếp tục tăng trong khi ngân sách trung ương chưa có thặng dư để trả nợ. Việc ứng trước dự toán ngân sách lớn, có xu hướng tăng khiến nghĩa vụ bố trí ngân sách khó khăn.

Bội chi ngân sách năm 2017 giảm so với dự toán chủ yếu là do việc giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm, chứ chưa phải do tiết kiệm chi để giảm vay. Thực tế, vốn trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài giải ngân chậm, đạt rất thấp so với dự toán nên trong điều hành Chính phủ phải giảm vay trong nước 15.142 tỉ đồng; giảm vay ngoài nước 20.195 tỉ đồng.

Về quản lý nợ công – vẫn theo Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 trình bày trước Quốc hội chiều 20-5-2019, thì mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát, dư nợ công năm 2017 là 3 triệu tỉ đồng, bằng 61,37% GDP và dư nợ Chính phủ bằng 51,67% GDP đều trong giới hạn cho phép. Nhưng tổng số nợ công tăng thêm so với năm 2016 là 7,13%, tương đương số tiền 204.413 tỉ đồng, cho thấy quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm.

Tiếp tục trở ngược thời gian xa hơn. Theo báo cáo thẩm tra mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chiều ngày 20-10-2016, thì khả năng cân đối nguồn để trả nợ gặp nhiều khó khăn, bố trí chi trả nợ hàng năm chưa tương xứng với nghĩa vụ trả nợ đến hạn, vay đảo nợ tăng nhanh, với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2013 vay đảo nợ 47.000 tỷ đồng, năm 2014 là 106.000 tỷ đồng, đến năm 2015 là 125.000 tỷ đồng. Thể hiện cơ cấu, kỳ hạn vay cũng bất hợp lý, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, không thu hồi được nguồn để trả nợ. Đặc biệt, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách Nhà nước đang có xu hướng tăng nhanh, chỉ số này tăng từ mức 21,7% năm 2013 lên mức 28,2% năm 2014 và 29,2% năm 2015, vượt mức trần 25%, ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia.

Trong khi đó, ngân sách trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ, nhưng ứng trước dự toán ngân sách lớn khi hết năm 2017 là 86.339 tỉ đồng, có xu hướng tăng, nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau…

(…)

Mặc dù chỉ là những số liệu khô khan, song cho thấy nền kinh tế của Việt Nam chưa bao giờ đáng để lạc quan như ví von “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay” mà người ta thường nghe thấy trong các diễn văn của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)