VNTB – Những câu chuyện chép ở bệnh viện mùa dịch

VNTB – Những câu chuyện chép ở bệnh viện mùa dịch

Hiền Vương

 

(VNTB) – Dưới đây là vài mẫu chuyện kể từ bác sĩ, điều dưỡng về người bệnh mùa dịch Covid. Có bác sĩ dùng từ ‘cúm Tàu’, ‘cúm Vũ Hán’. Có điều dưỡng chỉ nói gọn mỗi từ ‘dịch’. Ngôn từ ghi nhận là cách biểu đạt cá nhân của các thầy thuốc này.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương, khoa thận nhân tạo: “Bệnh nhân chạy thận nhân tạo vượt qua bão dịch cúm Vũ Hán”.

Một. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ, dịch thì kệ dịch, một tuần 3 lần, phải đến bệnh viện, không thì theo ông bà trước khi con virus Tàu đến hỏi thăm sức khỏe! Dạo này cách ly toàn xã hội, xe khách không hoạt động, bệnh nhân chạy thận ở tỉnh xa thật khổ.

Nhà nào có xe hơi riêng thì không nói gì. Đa số bệnh nhân đi chạy thận nhờ xe khách. Bây giờ, phải chạy xe gắn máy, có lúc đi về hơn 100 km. Nhìn những bà cụ, ông cụ già quắt queo, ngồi trên xe gắn máy, còng lưng ôm eo con cái, chạy băng băng cả mấy chục cây số, thấy thương quá! Chạy thận xong, mệt bã người, lỡ buông tay ra, chắc rớt xuống đường như cục đất!

Hai. Tất cả bệnh nhân vào chạy thận nhân tạo đều phải mang khẩu trang. Có bà cụ mang một khẩu trang bằng vải, nhìn thấy dơ dơ là! Bác sĩ hỏi bà: “Bao lâu bà giặt khẩu trang một lần?”.

Bà cụ nói, “cả tháng nay, tôi chưa giặt!”.

Bó tay! Con cháu bà lo phòng vệ rất kỹ. Nhưng bỏ quên bà cụ rồi!

Ba. Bệnh viện tiến hành làm kê khai y tế cho thân nhân của bệnh nhân chạy thận. Hỏi và trả lời những câu quen thuộc.

– Có giao tiếp với ai không?

– Dạ không hề.

– Sao vậy?

– Về nhà, cắt cỏ cho bò ăn, quanh quẩn với mấy con bò, không gặp ai!

Bốn. Bệnh nhân chạy thận nhiễm con cúm Tàu này thiệt là nan giải. Người khác cách ly 14 ngày không sao. Bệnh nhân chạy thận bị cách ly 14 ngày. Vậy đến ngày chạy thận, thì làm sao hả trời? Đem xe đến trại cách ly để đưa đi chạy thận hả?

Máy chạy thận phải đưa vô phòng cách ly. Bác sĩ và điều dưỡng phải mặc đồ bảo hộ vô chạy thận nhân tạo cho. Rồi lây lan cả đám!

Nghe mà mệt! Do đó, bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế khoa thận nhân tạo nhớ vô cùng cẩn thận nha!

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, trường Đại họcY khoa Phạm Ngọc Thạch: “Mình chỉ là chiếc lá, việc của mình là xanh…”.

Ả Đại Phu đọc được stt rất dài của một người làm bên tài chính phân tích tình hình dịch bệnh dựa trên các số liệu mắc/ chết ở trên báo. Ả đọc, nhưng cũng không hiểu hết (có lẽ vì có nhiều khái niệm thống kê phân tích theo thuật toán dùng cho tài chính mà Ả không biết, Ả chỉ biết về thống kê y học thôi).

Như bình thường, chắc Ả đã bỏ qua, nhưng đọc những kết luận bên dưới, có nhiều ý kiến không phù hợp với tình hình nguy hiểm hiện nay của dịch bệnh, nên Ả muốn chia sẻ điều này. Hoàn toàn không có sự ám chỉ cá nhân nào hết nha, Ả chỉ muốn nhắc mọi người rằng, trong tình hình nghiêm trọng này, chỉ nên tin vào những lời khuyên của một người có chuyên môn sâu về dịch bệnh học.

Hình vẽ là tự tay Ả vẽ. Trình độ vẽ trên máy tính của Ả thì không thể khá hơn được, nên giờ Ả phải… mô tả bằng chữ, cho mọi người hiểu Ả định vẽ cái gì!!!

Cái hình này vẽ một tảng băng; cái đường ngoằn ngoèo phía trên là mặt biển; cái tam giác màu đỏ là phần nổi trên mặt biển, tượng trưng cho các ý kiến được trình bày với cộng đồng; mấy cái mảnh ghép hình tam giác phía dưới là các kiến thức của y học liên quan đến dịch bệnh, cái nền hình thang màu nâu đậm là kiến thức phổ thông, cũng là khả năng học hiểu và ứng dụng các kiến thức của một người. Ả có liệt kê tên của một số kiến thức trong bảng kế bên (chỉ một số chính thôi, còn nhiều thứ Ả bỏ qua vì nhiều quá không có chỗ ghi).

Vậy ý nghĩa của cái hình này là gì: Khi một nhà chuyên môn nói một câu đơn giản “hãy ở nhà”, nếu bạn có đủ hết các kiến thức ở bên dưới, bạn hãy tham gia phân tích, lý luận, suy diễn, kết luận… Còn nếu thiếu vài miếng tam giác trong số một đống kiến thức chìm bên trong biển tri thức này, tốt nhất là nên nghe theo điều được khuyến cáo ngay cả khi bạn không hiểu tại sao người ta kêu mình làm vậy.

Chuyện thuốc gì trị được virus, phác đồ theo dõi bệnh nặng ra sao, vaccin được chế ra như thế nào, BCG có tác dụng miễn dịch với virus không… bla bla bla, thật ra không cần thiết với đại đa số chúng ta bằng chuyện ở yên trong nhà, không tụ tập, mang khẩu trang, rửa tay và làm vệ sinh bề mặt.

Thuốc trị virus có tìm ra thì cũng đã và sẽ có đầy người chết, trong khi làm đúng theo khuyến cáo thì số người chết sẽ là tối thiểu. Mục tiêu của chúng ta hiện này là làm chậm làm giảm số mắc và số bệnh nặng đến mức tối thiểu, vì đó là cơ hội sống còn của rất nhiều người….

 

Nguyễn Thị Tuyết, điều dưỡng ngoại niệu: “Mỗi ngày đều hồi hộp chờ xổ số!”.

Sáng khi vào bệnh viện lúc dịch, phải qua bước kiểm dịch. Ai cũng hồi hộp không biết mình có trúng số để ăn không ngồi rồi 14 ngày ở nơi cách ly không?

Chiếu tối về lại nhà, hồi hộp không biết trong một ngày ở bệnh viện, dù là nơi chuyên ngoại khoa, song sợ mình đã ngầm nhiễm rồi. Căng thẳng lắm. Xin hãy nghe theo lời năn nỉ là hãy ở yên trong nhà, đừng tung tăng để khổ cho mọi người.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)