Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những đầy tớ làm chủ nhân dân

Minh Trí – Ngọc An

 

(VNTB) – “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân” chính là cách nói tuyên truyền, dùng để đánh bóng chế độ. Trên thực tế, “đầy tớ” không thèm coi ông bà chủ của mình ra gì…
Sinh viên mới ra trường, thường rất khó khăn trong tìm kiếm công việc. Khi có trong tay việc làm, cảm thấy rất mừng. Cũng chính vì điều này, không ít người đã nhân danh “đầy tớ” để nhẫn tâm lừa đảo và bóc lột.
D. là sinh viên mới tốt nghiệp của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Nộp đơn xin việc cho nhiều công ty, cuối cùng D. cũng có thể xin vào làm cho một tờ báo trực thuộc Nhà nước, bản hợp đồng lao động cũng được ký nhanh chóng theo đúng quy định pháp luật.
Một ngày làm việc của phóng viên tập sự không phải là 8 tiếng hành chánh, mà luôn cả khi đêm về với những tin tức từ sân khấu, cho đến các ca cấp cứu ở bệnh viện. Chăm chỉ săn tin, chăm chỉ viết bài…., cứ tưởng tới tháng sẽ có một khoản chi phí để trả tiền phòng trọ, còn dư một ít gửi về cho người mẹ bị ung thư ở quê. Thế nhưng, D. lại không ngờ được tờ báo “quốc doanh” mình cho là uy tín lại… xù tiền.
Hẹn gặp chị quản lý (theo như lời của D. thì chị đó là sếp hành chính kiêm nhân sự) thì chị cứ hẹn lần hẹn lữa nhưng không cụ thể ngày nào.
Một hôm đẹp trời, D. lên tòa soạn để gặp mặt chị ấy thì nhận được những cái lắc đầu không trả tiền. Khi D. nói mình sẽ gửi đơn cho cấp cao hơn để khiếu nại vụ này, nếu tòa soạn vẫn không trả lương…  Sếp đã cười khẩy và “ưu ái” nhờ bảo vệ “tiễn” D. ra tận cổng.
Trường hợp của cô M. (một cô giáo dạy tiếng Pháp tại IDECAF) đã kể câu chuyện của mình cho học sinh nghe. Cô vốn ở miền Bắc, đi gặp chính quyền để xin tờ giấy chứng nhận mình độc thân. Các anh, các chị ở tỉnh cô ở đã tìm mọi cách “moi” tiền (theo như lời cô nói là  phải cho mấy “đầy tớ” ấy cũng hơn chục triệu). Không những vậy, còn thuê xe lên chở họ về nhà để họ kiểm tra cái gì đó, rồi phải mua gà, mua đồ ăn đãi họ…. Nhưng cuối cùng tờ giấy vẫn chưa có.

Mặc dù được sự gợi ý của những bè bạn am tường luật, song vì không muốn phiền phức cũng như không muốn rắc rối với chính quyền, cô M., bạn trẻ D. (và nhiều người khác nữa!) thường chọn “một điều nhịn, chín điều lành”, dù sự bực tức khiến họ chỉ dám lẩm bẩm… chửi thề.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.