VNTB – Những ‘Lê Lai’ trong vụ án “chuyến bay giải cứu”

VNTB – Những ‘Lê Lai’ trong vụ án “chuyến bay giải cứu”

Triệu Tử Long

(VNTB) – Trợ lý đã vào vai ‘Lê Lai’ để cứu thủ trưởng của mình

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký giấy tờ thủ tục cho các “chuyến bay giải cứu”, và người nhận ‘phải quấy’ là trợ lý của ông.

Vì không trực tiếp cầm tiền, và có lẽ còn vì ông từng là ứng viên ghế bộ trưởng sau khi bà Kim Tiến rời chức, nên công luận ngờ rằng viên trợ lý đã vào vai làm một ‘Lê Lai’ để cứu thủ trưởng của mình.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố vụ án “chuyến bay giải cứu”. Có 54 bị can bị cáo buộc phạm 5 tội danh khác nhau, gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, ông Đỗ Xuân Tuyên (Thứ trưởng Bộ Y tế) là người ký, duyệt các văn bản liên quan đến xét duyệt các chuyến bay giải cứu theo đề nghị của Bộ Ngoại giao. Thời điểm là Thư ký Thứ trưởng, ông Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình lên để ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo quy định, Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng tiếp nhận, đề xuất, xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao; chấp thuận cho các đoàn khách lẻ được về nước theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xin ý kiến về chuyến bay, ông Đỗ Xuân Tuyên sẽ phân công Cục Y tế dự phòng, trong đó, Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là đơn vị nghiên cứu đề xuất.

Khi có kết quả xử lý văn bản, Cục Y tế dự phòng duyệt dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng thông qua Phạm Trung Kiên. Và Kiên sẽ trình ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời các đơn vị liên quan.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân phải chi số tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng một chuyến bay, hoặc từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với khách bay combo, hoặc từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng một khách lẻ.

Với phương thức trên, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng. Sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, Phạm Trung Kiên đã chuyển khoản trả lại cho đại diện các doanh nghiệp số tiền hơn 12,2 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai các chuyến bay sau khi được duyệt. Số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.

Để doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước phải qua nhiều bước, nhiều công đoạn khác nhau theo trình tự thủ tục: Có văn bản chấp thuận của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ (đây là khâu được ghi nhận xảy ra nhiều tiêu cực nhất); có văn bản chấp thuận chủ trương cách ly y tế của UBND các tỉnh, thành phố.

Trong thời gian đó, doanh nghiệp còn song song ký hợp đồng và đặt cọc tiền thuê tàu bay với hãng hàng không, ký hợp đồng và đặt cọc tiền thuê khách sạn… Do vậy, nếu không được Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ và địa phương chấp thuận chuyến bay và chủ trương cách ly y tế theo dự kiến, thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính.

Tại thời điểm đó, cũng vì dịch bệnh Covid-19 nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có nguồn thu, không có việc làm trong khi họ vẫn phải chi phí tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên. Vì vậy, nên khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó dễ để được phê duyệt, tổ chức chuyến bay, các đối tượng đại diện doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau trực tiếp hoặc qua trung gian đưa số lượng tiền lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn.

Nhiều bị can đã khai rằng, nguyên nhân của sự việc là do họ mong muốn đưa người dân Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động, học tập, bị kẹt tại nước ngoài về nước trong đợt dịch bệnh Covid-19, và cũng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên buộc phải tìm cách liên hệ với các cán bộ có thẩm quyền để được cấp phép chuyến bay.

Khâu ký duyệt của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên có vai trò quan trọng bậc nhất vì đây là cơ quan phụ trách chuyên môn tối cao lúc dịch giã. Với tầm quan trọng như vậy, rất khó thể xảy ra chuyện trợ lý của ông Tuyên vòi vĩnh công khai tiền bạc đến hàng chục tỷ đồng, với hàng trăm lần nhũng nhiễu mà các điều tiếng này không đến tai ông Đỗ Xuân Tuyên.

Câu hỏi trên cũng được đặt ra với các lãnh đạo cao nhất ở Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải và cả Văn phòng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nơi có chữ ký đầu tiên trong bộ hồ sơ thủ tục hành chính của “chuyến bay giải cứu”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)