Việt Nam Thời Báo

VNTB- Những nhược điểm nặng nề của đề thi văn đại học 2015

Giang Nam

(VNTB) – Hơn một triệu thí sinh tương lai đất Việt đang dự cuộc thi quan trọng đầu tiên của cuộc đời. Đề thi có ưu điểm và nhược điểm nhất định, nhưng nhược điểm khá nặng nề.

Đề thi Văn này sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong cả cuộc đời thí sinh. Trong đó câu 2 khá nhức nhối, Giang Nam mạn phép bàn luận về câu ấy.
Đọc toàn văn đề thi ở đây:
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150702/moi-ban-doc-xem-de-thi-bai-giai-mon-van/770604.html
Tôi xin trích câu 2 của Đề thi Văn:
Câu 2 (4,0 điểm)
Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:
– Giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc (2), ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…
– Lão ấy trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?- Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.
– Không chú à, cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
– Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.
– Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!
– Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.
– Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…
– Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.
– Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…
– Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?
– Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?
Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:
– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền
chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.
– Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? Đột nhiên tôi hỏi.
– Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no
 (Trích Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập hai, NXB.Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.75-76)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
                                             -Hết-
Hồi năm 2007, tôi và một đồng nghiệp ở Đồng Tháp đại diện khu vực đồng bằng Cửu Long được mời đi dự buổi nghiệm thu Sách giáo viên Văn 12 do Bộ Giáo dục tổ chức ở thị xã Đồ Sơn. Tôi phân tích “Chiếc thuyền ngoài xa” và chỉ ra những sai lầm lớn của tác phẩm, các thành viên Hội đồng nín lặng, vì bài soạn trong Sách giáo khoa Văn 12 đã nghiệm thu rồi, bữa nay chỉ nghiệm thu Sách hướng dẫn giáo viên thôi !
Xin hẹn bạn đọc dịp khác chúng tôi sẽ trình bày đầy đủ phần phê bình toàn diện“Chiếc thuyền ngoài xa”, bữa nay chỉ bàn về đoạn trích được chọn làm đề thi tú tài năm nay.
Toàn văn truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” ở đây:
http://yume.vn/vnchampion/article/tac-pham-chiec-thuyen-ngoai-xa-35B93998.htm(chủ blog gõ thiếu hai câu so với đề thi câu 2).
 Nhà văn Nguyễn Minh Châu viết:
từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…”.
Tuy đó là lời nhân vật, cố nhiên đó là ý nghĩ của nhà văn. Lời thoại lủng củng phi logic. Lúc trước, do “ông trời làm động biển” khiến cả nhà đói, thì “cách mạng về” ông trời sẽ thôi “động biển” ư? Và cách mạng đã giúp gì cho gia đình chị đỡ đói khổ ?- nhà văn không nói được gì về điều đó suốt tác phẩm của ông.
Nhà văn viết tiếp:
-Lão ấy trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?- Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.
– Không chú à, cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
Vì sao nhà báo Phùng lại hỏi về người chồng khi chị hàng chài đang kể lể cảnh khổ gia đình sau khi anh chứng kiến tận mắt người chồng vũ phu bạo hành dã man người vợ đáng thương ?  Phải chăng anh nghĩ “lính ngụy” thì ắt là “vũ phu”? Khi tả cảnh bờ biển, chiếc thuyền ngoài xa chưa vào bờ, nhà văn còn tả mấy chiếc xác xe tăng Mỹ nằm rỉ sét. Ý nhà văn nói rằng đây là cảnh sống của miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy, ý rằng ở miền Bắc XHCN thì không có cảnh chồng vũ phu bạo hành (!) Hình ảnh xe tăng Mỹ rỉ sét là một so sánh ngầm rằng cảnh khổ của vợ chồng thưyền chài này cũng là tàn dư như thế đấy (!) Ngôn ngữ văn chương đầy ẩn ý. Ý tại ngôn ngoại. Bởi vậy anh nhà báo còn hỏi chồng chị có đi lính ngụy không. Hóa ra anh nhà báo mang tâm thức từ Hà Nội đi vô phía Nam (sau 1975) thường nghĩ xấu về lính ngụy Sài Gòn thế đấy. Dù sao nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng bày tỏ sự ngộ nhận về nhân vật qua câu hỏi của anh nhà báo. Nhưng tôi băn khoăn, các giáo viên dạy Văn 12 có nhận ra điều đó không, họ sẽ giảng dạy thế nào, học sinh 12 cảm nhận chi tiết đó ra sao? Những năm gần đây tình trạng bạo hành gia đình trở nên phổ biến trên báo chí, nếu Nguyễn Minh Châu còn sống chắc ông sẽ viết truyện đó khác nhiều, tránh được ngộ nhận đáng tiếc như trong truyện ngắn của mình.
Vài hôm nữa các vị giám khảo khả kính khắp 63 tỉnh thành toàn quốc sẽ đọc và chấm bài Văn của thí sinh. Chắc sau đó chúng ta sẽ biết tình hình làm bài của học trò ra sao.

Nhà văn đại tá Nguyễn Minh Châu nổi tiếng từ hồi chiến tranh, đặc sắc chỉ còn một truyện ngắn“Mảnh trăng cuối rừng”. Nhưng sau chiến tranh ông như bừng ngộ lý tưởng nhà văn chân chính. Ông viết những dòng sám hối xót xa, với bài tiểu luận lùng danh “Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa” phất ngọn cờ tiên phong cho văn học đương đại. Và ngày nay những tác phẩm hậu chiến của ông mới thực sự làm nên tên tuổi Nguyễn Minh Châu. Tiếc thay, Bộ giáo dục chọn nhầm tác phẩm yếu nhất của ông -“Chiếc thuyền ngoài xa”- vào sách Văn 12, và cũng tiếc thay, hội đồng đề thi năm nay lại chọn nhầm tác phẩm ấy làm đề thi.

Tin bài liên quan:

VNTB – Mua bán dâm và tham vọng quyền lực

Phan Thanh Hung

VNTB – Lưu Quang Vũ – nhà thơ phản chiến đầu tiên ở miền Bắc trước 1975

Phan Thanh Hung

VNTB- Vụ máy bay tai nạn kép: Hà Nội – thưởng và phạt, lợi hay hại?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo