Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những phận mưu sinh trên đường phố Bangkok

Kiều Phong (VNTB) Thủ đô Bangkok của Thái Lan thuộc top những thành phố giàu có bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á. Bất kỳ người Việt Nam nào khi đến đây lần đầu cũng đều phải ngạc nhiên vì trình độ phát triển của thành phố này, khi đi đâu cũng thấy những tòa nhà cao tầng và hệ thống tàu điện trên không nội đô BTS nổi tiếng thế giới. 

Phóng viên Việt Nam Thời Báo đã có mặt tại Thái Lan và tìm hiểu về cuộc sống của tầng lớp dân nghèo mưu sinh trên đường phố Bangkok, gần khu BTS Siam ở trung tâm thủ đô (Siam là tên cũ của Thái Lan, người Việt quen gọi với phiên âm tiếng Việt là Xiêm). Qua đó, bạn đọc sẽ có thêm tư liệu so sánh Bangkok với hai thành phố lớn ở Việt Nam.

Một nghệ sĩ đường phố ở dưới chân một MBK Siam. Ảnh: Kiều Phong

Có một nghệ sĩ đường phố ở dưới chân một MBK Siam (MBK là tên gọi chung của các trung tâm thương mại với đủ mọi loại hình dịch vụ ở Thái Lan). Ông cụ ngồi ở bậc thang cầu bộ hành dành cho khách đi tàu điện ngầm ở phía trên. Người nghệ sĩ già không bao giờ chìa ống đựng tiền ra để tránh làm phiền khách. Khi có một người khách thả vào đó một đồng Baht Thái, ông sẽ thổi sáo cho anh ta nghe. Sau khi thổi xong một bài, nếu người khách tỏ ý muốn nghe nữa khi người nghệ sỹ không thấy mệt thì ông vẫn thổi tiếp một bài ca Thái Lan.


Trên đường Rama 1 (Wang Mai, Pathumwan), một cô gái tuổi đời chừng ba mươi, với đôi chân tật nguyền đang làm chủ một sạp bán quần áo. Những loại quần áo mà cô bán cho khách du lịch thường ở loại phẩm cấp bậc trung, các loại váy như bên trái bức ảnh đồng giá 100 Baht (khoảng 65.000 VNĐ), phía sau đó là váy đồng giá 200 Baht (khoảng 130.000 VNĐ). Khi phóng viên VNTB hỏi về quy định nơi bán hàng, cô cho hay rằng mỗi tháng cô phải nộp vào ngân sách 2.500 Baht (gần 1.600 000 VNĐ). 
Một người bán hàng với đôi chân tật nguyền trên đường Rama 1. Ảnh: Kiều Phong
Việc cô xin được giấy phép bán hàng ở đây dễ hơn rất nhiều so với những người khác vì chính phủ Thái tạo điều kiện giúp đỡ những người tật nguyền để duy trì công bằng xã hội. Hầu hết những người bán hàng như cô đều nói tiếng Anh rất giỏi và cư xử rất thân thiện với khách nước ngoài. Du khách đến Thái Lan du lịch luôn luôn trông thấy nụ cười trên gương mặt của những người bán hàng trên các con phố.

Chúng tôi lại gặp một chàng trai làm nghề lái xe túc-túc, năm nay anh 25 tuổi. Ở thủ đô Bangkok, ngoài những đại lộ chỉ cho phép xe hơi và xe ô tô chạy qua thì trong những con đường nhỏ, du khách vẫn thích chọn loại phương tiện giá rẻ này. Đa số du khách phương Tây tới đây đều thử một lần ngồi xe túc-túc để tận hưởng cảm giác dân dã và phóng khoáng đậm chất Thái. Xe túc-túc ở các tỉnh lẻ Thái Lan chỉ dùng để chở học sinh đi học, ở thủ đô xe túc-túc chỉ là một phương tiện để mưu sinh cá nhân. 
Một người thanh niên mưa sinh bằng lái xe túc-túc. Ảnh: Kiều Phong
Người lái xe túc-túc thường là những người nghèo khó trong các khu dành cho người nghèo nhất thủ đô. Ở Thái Lan trẻ em được miễn phí đến trường, song việc học đại học ở một nền giáo dục tiên tiến như vậy là đắt, cho nên nhiều thanh niên quyết định có thể vào đời kiếm sống từ sớm, lao động rồi nộp thuế, sau này già đã có chính phủ nuôi. 
Về độ an toàn, thỉnh thoảng nếu có tai nạn giao thông ở thủ đô thì chủ yếu là các màn va chạm vô ý giữa các xe túc-túc. Người lái xe túc-túc rất chân thật, họ có thể chạy nhanh nhưng không khi nào chạy lòng vòng để lấy thêm tiền của khách, khác hẳn với nạn xe ôm và taxi ăn gian công-tơ mét vô kỷ luật ở Việt Nam. Thông thường tài xế của loại hình giao thông đặc biệt này thường đỗ xe theo hàng lối rất ngay ngắn bên cạnh cổng ra vào của các khách sạn.
Phóng viên VNTB còn được tận mắt chứng kiến những người bán vé số ở Bangkok ngồi ngay ngắn bên vệ đường. Hậu quả của khủng hoảng kinh tế chưa được loại bỏ hoàn toàn, có nhiều người thất nghiệp nên họ trông chờ vận may. 
Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Thái Lan vẫn là một vấn đề nóng bỏng, nhưng dưới góc độ nhìn nhận một người Việt khi tiếp xúc với tầng lớp này, có thể nhận thấy họ văn minh hơn người Việt chúng ta, ít nhất là không có tinh thần chộp giật trong vấn đề kinh doanh và đối xử với khách du lịch nước ngoài. Một nét văn minh trong các thân phận mưa sinh trên đường phố Bangkok.

Tin bài liên quan:

VNTB- Báo Quân Đội Nhân Dân suýt bị đánh sập?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại học của Việt Nam: Đầu tàu phá hoại mỹ quan đô thị?

Phan Thanh Hung

VNTB – Học sinh cuối cấp trung học khó chọn trường đại học.

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo