Phía ủng hộ cho rằng, án tử hình chủ yếu là để giáo dục tội phạm, sau đó mới trừng trị tội phạm. Do đó, cơ bản nhất, là phải dùng biện pháp kinh tế để trừng trị, răn đe phòng ngừa. Mục tiêu cuối cùng là buộc phạm nhân phải bồi thường thiệt hại số tài sản bị thiệt hại, do phạm tội mà có. Và việc bãi bỏ án tử hình, cũng liên quan trực tiếp tới Hiến pháp 2013 mới, trong đó có quy định mọi công dân đều có quyền sống, không ai có quyền bị tước đoạt tính mạng trái luật.
Tuy nhiên, đối lập với ý kiến bãi bỏ tử hình cho tội tham nhũng, rất nhiều ĐBQH đã phát ngôn gay gắt đòi phải thực thi hình phạt đó.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ [1]: “Tội tham ô, tham nhũng mà không tử hình thì không hợp lòng dân, bởi tham nhũng không phải là những người nhỏ mà đều là người làm to có chức có quyền, đục khoét công quỹ, bóc lột nhân dân”.
Ông dẫn cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc đã phát hiện nhiều con “hổ lớn” phải dùng xe vận chuyển cả tấn tiền, vàng, ngọc… ông Tỷ cho rằng: “Ở ta cũng có thể có những cỡ đó nhưng vì chưa tìm ra mà thôi. Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng.”
“Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa. Chúng ta quyết tâm chống tham nhũng nhưng chưa có chuyển biến gì nhiều. Tôi đề nghị giữ nguyên mức tử hình, nếu bỏ mức án này thì về không biết trả lời với cử tri thế nào”, ĐBQH Bến Tre, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) [2] chia sẻ thực tế, đó là án tử hình giảm xuống 20 năm, 18 năm, cứ đi chừng 15 năm là về, nên đề nghị trong tội phạm tham nhũng vẫn cần tử hình để mang tính răn đe.
“Ta thử suy nghĩ, người nghèo, những người không có điều kiện về dân trí, họ không có điều kiện để sinh sống, đi buôn ma tuý vẫn bị tử hình. Người có học hành, am hiểu pháp luật, được giáo dục lại tham ô tham nhũng mà thoát án tử hình thì có điều gì đó không công bằng ở đây”, ông nêu vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường [3]: “Chúng ta đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng. Nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả. Việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ – hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng”
ĐBQH Nguyễn Đình Quyền [4]: “Với hình thức nào cũng phải đảm bảo đủ sức răn đe, trừng trị nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền được sống của mỗi con người. Tuy nhiên, quyền được sống đó phải được đặt trong tổng thể quyền được sống của hàng triệu con người khác.”
Năm 2009, ông từng đề xuất bỏ tử hình với tội phạm tham nhũng: “Trong bối cảnh tham nhũng đang bức xúc như hiện nay, lòng dân còn đang ai oán đề xuất bỏ án tử hình với tội danh tham nhũng là chưa phù hợp với lòng tin của người dân. Đặc biệt đứng trước nhiệm vụ chính trị, với loại tội danh này cần phải được trừng trị nghiêm minh”.
Khoản 3, Điều 39. Tử hình (sửa đổi): Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:a) Người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;b) Người bị kết án là người từ 70 tuổi trở lên;c) Người bị kết án không thuộc đối tượng quy định tại điểm a và b khoản này nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một phần hai số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
[1] tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150527/bo-tu-hinh-toi-tham-nhung-dan-khong-chiu-dau/752709.html