Việt Nam Thời Báo

VNTB – Niêu đất vỡ rồi, đừng đánh bóng nữa!

Hạo Nhiên

 

 

(VNTB) – Không riêng chỉ có ngành CSGT đang như cái niêu đất vỡ từng mảnh, các ngành khác cũng vậy, đảng đừng hoài công đánh bóng những cái niêu đất vỡ.

 

Mấy hôm nay nhiều trang báo online như Hanoionline, Công an TPHCM. Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Báo Mới, Kênh 14VN, Lao Động, Báo Điện Tử VTC News, …, rộn ràng đăng một tin nóng hổi, “lấy nước mắt, đánh động lòng người, hướng tâm tư, ngưỡng mộ của người đọc đến các anh chiến sĩ giao thông”. Bản tin để đánh bóng hình ảnh, PR, của cảnh sát giao thông “50 chiến sĩ cảnh sát giao thông TP.HCM ‘hộ tống’ trái tim được hiến tặng”(1) 

PR, người bình dân thường gọi là đánh bóng bộ mặt, là một quá trình truyền thông chiến lược giúp các tổ chức, ở đây là cảnh sát giao thông, xây dựng lại bộ mặt của họ. Loại thuốc ‘đặc sản’ đánh bóng mới sản xuất cách đây vài năm cho lực lượng mặc quân phục màu vàng đất sét, nổi tiếng với đủ loại danh từ, tính từ người dân gán cho như “kiếm bánh mì”, “tiếp thị sữa”, “xe hoa hồng”.

Chuyện cảnh sát giao thông trở thành những kẻ kiếm bánh mì ngoài đường đã trở thành chuyện thường ngày. CSGT gặp vùng đất phì nhiêu để làm tiền từ Bắc chí Nam. Trước cho đến bây giờ vẫn thế, muốn vào làm những ngành như công an, hải quan phải là con ông cháu cha cộng với vô số tiền chạy chọt. 

Chuyện cười ra nước mắt, và không thể tin được mà tôi đã thấy tận mắt, nghe tận tai là, anh cảnh sát giao thông ngày hôm đó phải đi đám ma đúng vào phiên gác đường. Không thể không đi đám ma, anh ta nhờ người thế chỗ. Người thế chỗ anh ta ngày hôm đó phải trả cho anh một chỉ vàng và cảm ơn anh rối rít.

Đã từ lâu lắm, người dân ghê tởm công an, nhưng công an là ngành béo bở nhất. Công an lại được nhà nước cưng chiều và ban nhiều đặc quyền đặc lợi để tạo thành lực lượng bảo vệ đảng trung kiên nhất. Công an trở thành kiêu binh, tha hồ tìm mọi cách bù lỗ khi vào ngành và vun vén cho bản thân gia đình và cả họ hàng.

Trong ngành công an, đám cận kề với dân nhất và cũng dễ làm tiền trên đầu người dân nhất là công an giao thông. CSGT cũng bị người dân ghét nhất. 

Chuyên trang cảnh sát giao thông kể công chuyện nhọc nhằn, đội nắng dầm mưa của đồng chí CSGT như sau:

 “Ngày càng có nhiều vụ chống đối lại cảnh sát giao thông. Nhẹ thì không chấp hành hiệu lệnh, lạng lách, đánh võng để bỏ chạy, chửi bới, lăng mạ khi bị phạt tiền, nặng thì chèn ép xe, đạp vào xe cảnh sát khi bị truy đuổi, để Cảnh sát giao thông đu cần gạt nước, bám nắp ca-pô chạy hàng cây số, hơn nữa thì dùng dao, kiếm, gậy gộc, gạch, đá tấn công lại cảnh sát giao thông.

Tất cả các hành vi trên đều bị xử lý theo quy định của Pháp luật, nhưng điều đáng nói ở đây là trong nhiều trường hợp, khi cảnh sát giao thông bị tấn công thì nhiều người dân chỉ biết đứng xem, hoặc lấy camera, điện thoại để quay phim, chụp ảnh rồi tung lên mạng. Cá biệt có những trường hợp còn a dua, vào hùa theo hành vi sai trái, sau đó tụ tập, la ó, kích động”(2)

Biết thế, nhưng không thể sửa được. Công an nói chung, cảnh sát giao thông nói riêng, không phải là những người sa sút phẩm chất đạo đức, thoái hóa biến chất mà có thể sửa được. Bản chất của họ là vậy.. Họ giống như cái niêu đất, không thể đánh bóng được, không thể gõ  lên tiếng bính boong như cái chuông đồng. 

Bộ Công an, ngành CSGT tưởng cái niêu bằng đất sét của họ là đồng thau, chỉ cần chùi sạch lớp nhọ nồi rồi đánh bóng sẽ lấp lành như chiếc lư hương ngày tết. Họ thổi lên vô số tin tức mong có thể “lấy nước mắt’ của người dân, khiến người dân yêu thích CSGT. Khốn nổi, người dân hiện đại không ngờ nghệch như dân gần thế kỷ trước.

Những bản tin như  CSGT đưa người đi đẻ, đưa thí sinh ngủ quên đến trường thi, tặng nước cho người đi đường, dẫn cụ già qua đường, hay CSGT lao vào dòng nước lũ cứu người cũng chỉ là tin đánh bóng, làm màu. Ngay cả cái tin video hàng chục ô tô, mô tô với đèn nhấp nháy, tiếng còi hụ vang tai  của 50 anh CSGT hộ tống quả tim từ bệnh viện đến sân bay để kịp thay tim cho người cần cũng làm người đọc bật cười sảng khoái.

Người đọc báo ngày nay đã không còn bị mê hoặc như những người nông dân gần thế kỷ trước mê tín những  chuyện hoang tưởng mà tuyên giáo cộng sản bịa đặt ra như Anh Hùng Lê Văn Tám của Trần Huy Liệu, Bộ Trưởng bô Thông Tin Tuyên Truyền. Hay chuyện Phan Đình Giót  “Lấy Thân Mình Bịt Lỗ Châu Mai” hay chuyện Tô Vĩnh Diện Lấy Thân Chặn Pháo, cùng nhiều chuyện hoang đường của tuyên giáo nay trở thành chuyện tiếu lâm.

Nhiều người Việt Nam đúc kết kinh nghiệm về chính phủ và báo chí: “Điều gì chính phủ và báo chí nói đến nhiều nhất là đang có vấn đề nhất”. Ý kiến này cho rằng những vấn đề được nhắc đến nhiều lần trên truyền thông hay từ phía chính phủ có thể đang là những vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên chính phủ lại  che đậy, xử lý không triệt để, hoặc thậm chí bị biến dạng nhằm định hướng dư luận theo một cách nhất định.

Chính phủ và báo chí tập trung đánh bóng vào vấn đề gì thì đã có một số điều khác không được nói ra. Khi truyền thông và chính phủ nhấn mạnh một điều gì đó, điều đó có thể được dùng để đánh lạc hướng hoặc kiểm soát quan điểm công chúng.

Không riêng chỉ có ngành CSGT đang như cái niêu đất vỡ từng mảnh, các ngành khác cũng vậy, đảng đừng hoài công đánh bóng những cái niêu đất vỡ. Tốt nhất nên mua vào những thứ thay thế tốt hơn, vứt bỏ cái cũ, lạc hậu, hư hỏng mới có thể cứu được đảng. 

_________________

Tham khảo:

(1)https://tuoitre.vn/50-chien-si-canh-sat-giao-thong-tp-hcm-ho-tong-trai-tim-hien-tang-tu-ha-noi-20240825190619044.htm 

(2) https://www.csgt.vn/m/tintuc/4633/Nhung-dieu-chua-tung-biet.html

 

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Người Việt Nam lớn tuổi nhất tỵ nạn cộng sản đến Hoa Kỳ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đoàn hay phái đoàn?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Mồm loa mép giải

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.