Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nịnh để ‘giữ ghế’ có là tham nhũng quyền lực?

Lê tấn hùng - Sagri

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Không vụ lợi, chỉ nịnh để giữ chức vụ. Thì gọi là gì?

 

Bộ Công an kết luận vụ Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), rằng không xác định được ông Trần Vĩnh Tuyến – cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM có tư lợi khi “cả nể” em trai của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải.

Vì đó là… em ruột sếp mà!

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án sai phạm xảy ra tại SAGRI. Theo cơ quan điều tra, ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận hành vi vi phạm nhưng không thừa nhận động cơ tư lợi. Đến thời điểm này, cơ quan điều tra chưa thu thập được tài liệu nào chứng minh được động cơ vụ lợi của ông Tuyến.

Kết luận điều tra cho rằng nguyên nhân vi phạm pháp luật của ông Trần Vĩnh Tuyến một phần do nể nang ông Lê Tấn Hùng là em trai nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải. Cơ quan điều tra cũng đánh giá trong quá trình công tác, ông Tuyến có nhiều thành tích, được các cấp tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen nên đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự khi lượng hình.

Bộ Công an cũng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi truy tố cần ghi nhận ông Lê Tấn Hùng có nhiều thành tích trong quá trình công tác, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Ngoài ra, tháng 7/2017 (trước khi bị khởi tố), ông Lê Tấn Hùng đã dùng 3,4 tỷ đồng của cá nhân để hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt từ 10 hợp đồng du lịch khống.

Ông Lê Tấn Hùng có nhiều năm là Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố. Năm 2014, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân ký quyết định bổ nhiệm ông Hùng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Sagri. Đến năm 2016 ông Hùng giữ chức Tổng giám đốc.

Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Không nịnh sếp thì làm sao yên ghế?

Trở lại với ‘động cơ phạm tội’ của cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến: “do nể nang ông Lê Tấn Hùng là em trai nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải” đặt trong ngữ cảnh là cơ quan điều tra đề nghị lượng hình cần chiếu cố tình tiết ông Tuyến được các cấp tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen.

Thắc mắc theo cách nói dân gian: phải chăng vì biết lòn cúi, nịnh nọt sếp lớn mà ông Trần Vĩnh Tuyến dần leo cao trong các chức vụ ban đầu từ phường đội viên lên bí thư đoàn phường, quận ủy viên, phó quận rồi trưởng quận 1 và chức vụ gần nhất là phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Có thể biện minh giúp ông Tuyến là vì sếp lớn nhất của thành phố này thích biểu hiện quyền lực, nên để có thể thăng tiến hoạn lộ, một trong những phương cách buộc phải lựa chọn – nói một cách văn hoa, đó là tránh mích lòng sếp lớn.

Còn nói theo ngôn ngữ hàn lâm, thì lạm dụng quyền lực chính là một hình thức tham nhũng và được xếp vào hàng nguy hiểm nhất mà ông Trần Vĩnh Tuyến đã lựa chọn khi “nể nang em trai anh Hai Nhựt”.

Ở đây cũng cần nói thêm, lúc còn đương chức, sở dĩ quyền lực phe nhóm của ông Lê Thanh Hải rất lớn còn nhờ vào sự chống lưng của thế lực gia đình bên vợ của ông. Có ý kiến dường như Lê Thanh Hải là trường hợp duy nhất đến nay khi được ‘hùng cứ một phương’ suốt thời gian rất dài mà không phải thực hiện yêu cầu luân chuyển cán bộ mà Trung ương Đảng đã đặt ra.

Đảng cần chấm dứt độc tôn chính trị

Nói một cách khác, về mặt tuyên truyền, Đảng luôn nói phải coi trọng nhân tài và xem hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nhưng Đảng lại không chịu thấy rằng hàng ngày, hàng giờ thậm chí là hàng giây, nhiều thủ trưởng/ sếp tại tổng công ty nhà nước (bưu điện, điện lực, hàng không…), các trường đại học, các cơ quan, bộ ngành… đang tìm đủ mọi cách để đưa con, em, họ hàng và những người cùng vây cánh vào cơ quan, đẩy những người có tài, có đức ra khỏi tổ chức.

Muốn thu hút được những người có tài, có đức – những người luôn tự trọng không chấp nhận bằng kỳ sự cả nể nào nếu điều đó vi phạm pháp luật – trước hết những người lãnh đạo cao hơn họ phải là người có tâm và có tài.

Để làm được điều này, Đảng nên bắt đầu từ những công việc cụ thể nhỏ nhất đó là tôn trọng ý kiến trái ngược nhau kể cả về chính trị, bởi lẽ người tài thường có ý tưởng và suy nghĩ khác hơn người khác, họ đọc nhiều, nghiên cứu nhiều nên phải tôn trọng họ trong quyền tự do ngôn luận, phát biểu ý kiến; Đảng phải biết tạo cơ hội thực sự cho những người có tài làm việc và cống hiến – ví dụ như chấm dứt tiêu chuẩn chính trị ‘đảng viên’ ở chức vụ là ‘người đứng đầu’, kể cả ở cấp bộ trưởng. Bởi đó còn là sự công bằng của quyền lợi chính trị công dân.

Thay lời kết

Dường như người dân đang bắt đầu được nói thật và sống thật, không phải nói những điều mà mình không tin vào.

Một người bạn của người viết bài này nói rằng anh ta không muốn vào Đảng bởi xấu hổ vì nhiều người nghĩ rằng con đường vào Đảng chỉ nhằm “được đề bạt” kiếm tí lộc. Có cụ già khen nghe mà chua xót: “Thằng ấy đảng viên, có chức mà đàng hoàng lắm!”.

Nhiều khi người ta còn tiếp tục nịnh khi hầu tòa, ví dụ như khi ở thủ tục ‘nói lời sau cùng trước khi hội đồng nghị án’, không hiếm cựu quan chức vòng tay ăn năn mếu máo xin lỗi… Tổng bí thư (!?)


Tin bài liên quan:

VNTB – Bài học quy hoạch cán bộ nhìn từ Lê Thanh Hải

Phan Thanh Hung

VNTB – Đồn đoán cựu bí thư Hai Nhựt xộ khám

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao Đảng viên biết luật lại phạm pháp?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo