Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nợ công liên tục tăng và đó là chỉ dấu của thành công?

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Sang năm 2021, nợ công theo dự toán lên đến 4 triệu tỉ đồng thì bình quân mỗi người “gánh” 40 triệu đồng nợ công.

 

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra hôm nay, 28.12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhận định, năm 2020 dù còn một số chỉ tiêu không hoàn thành, nhưng vẫn có thể khẳng định đây là năm thành công nhất trong nhiệm kỳ 5 năm qua.

Bài báo trên tờ Thanh Niên viết phần kết ở bài báo thể loại tường thuật, như sau:

“Khái quát lại, mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đánh giá.

Đặc biệt, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại nhận định “chưa bao giờ Việt Nam có cơ đồ, vị thế được như hôm nay”, để chia sẻ rằng: “Cũng có người nói liệu nói thế có kiêu ngạo, chủ quan không”. “Nhưng họp T.Ư tôi đã chứng minh rồi và càng ngày càng thấy đúng”.

“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có quyền nói vậy, nhưng tôi cũng luôn nhắc rằng chúng ta không chủ quan, tự mãn, kiêu ngạo”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh”.

Trước đó, cũng trên báo Thanh Niên, ở số phát hành hôm 19-10-2020 với tựa đề “Nợ công năm 2021 sẽ vượt ngưỡng 4 triệu tỉ đồng”, viết như sau:

“Một người Việt “gánh” 40 triệu đồng nợ công

Nợ công của Việt Nam tăng mạnh qua từng năm. Tại báo cáo về nợ công 2020, dự kiến 2021 của Chính phủ gửi đến Quốc hội, nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,63 triệu tỉ đồng và nghĩa vụ Chính phủ phải trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360.000 tỉ đồng. Với dân số khoảng 97,5 triệu người của năm 2020, trung bình mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công. Sang năm 2021, nợ công theo dự toán lên đến 4 triệu tỉ đồng thì bình quân mỗi người “gánh” 40 triệu đồng nợ công”.

Đến ngày 5-11-2020, báo Thanh Niên có bài báo “Nợ công ngày càng tăng”, trong đó có đoạn rất đáng lưu tâm khi so sánh với những diễn văn ‘thành tích’ lúc đăng đàn của các chính khách:

“Nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng do Việt Nam thay đổi cách tính GDP, nên tỷ lệ nợ công trên chỉ tiêu này giảm xuống. Thế nhưng, con số tuyệt đối lại gia tăng mạnh. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định sang năm 2021, khi áp dụng cách tính GDP mới thì tỷ lệ nợ công sẽ giảm mạnh chỉ còn khoảng 45 – 46% GDP. Thế nhưng, giá trị tuyệt đối của nợ công vẫn đang tăng nhanh và tỷ lệ nợ công trên mức thu ngân sách nhà nước cũng tăng nhanh. Điều đó dẫn đến gánh nặng trả nợ hằng năm của Chính phủ và phá vỡ chính sách thu chi của quốc gia”.

Theo bài báo nói trên, dường như các con số thống kê và phân tích khoa học cho thấy bức tranh chung về kinh tế Việt Nam không như lạc quan của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

“Nếu như năm 2017, nợ phải trả 144.000 tỉ đồng thì đến năm nay con số phải trả nợ cả gốc lẫn lãi lên hơn gấp đôi, khoảng trên 318.000 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2020, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/xuất khẩu là 34,6%, vượt gần 10% so với mức trần 25% mà Quốc hội cho phép. Đây là một chỉ số mà Chính phủ cũng cho rằng “cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này”.

Đồng thời, dự kiến đến hết năm 2020, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 24,1% và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP. Bước sang năm 2021, dự kiến chi trả nợ trực tiếp hơn 368.000 tỉ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách, cũng cao hơn mức trần cho phép.

Ngoài ra, theo dự toán phân bổ ngân sách năm 2021 trình Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỉ đồng để cân đối ngân sách trung ương bao gồm các khoản vay bù đắp bội chi ngân sách khoảng 318.870 tỉ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách khoảng 260.902 tỉ đồng. Như vậy Chính phủ phải đi vay bù đắp bội chi ngân sách, đồng thời phải vay để có tiền trả nợ gốc và số tiền vay năm sau luôn cao hơn năm trước trong mấy năm qua” (nguồn đã dẫn).

Như vậy rất có thể nguyên do đưa đến việc nhận định đầy hồ hỡi của người đứng đầu Đảng, là từ góc nhìn về con số GDP.

Theo ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thì, “Dịch bệnh và thiên tai bão lũ, năm nay có thể chấp nhận tỷ lệ nợ phải trả tăng cao. Nhưng dự kiến từ năm tới, tỷ lệ nợ phải trả trên số thu ngân sách nhà nước lên hơn 27% là một con số gây lo lắng và cần phải được khống chế.

Vì vậy, không thể nhìn vào tỷ lệ nợ công theo con số GDP nữa. Thước đo nợ công phải dựa vào tỷ lệ nợ công trên thu ngân sách. Trong giai đoạn tới, thu ngân sách của Việt Nam sẽ không thể tăng mạnh vì khó tăng thêm thuế, phí hay các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục người dân phải chi trả nhiều hơn. Vì vậy tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách sẽ tăng vọt”.

Viễn cảnh một năm 2021 đầy khốn khó cho lấp đầy kho bạc quốc gia đang rất gần…


Tin bài liên quan:

VNTB – Thời điểm này, rất không nên ‘tìm kháng thể’ sau chích ngừa

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao lại yêu cầu ‘bắt khẩn cấp’ đối với ông Nguyễn Kim Trung Thái?

Phan Thanh Hung

VNTB – Biến động chính trị ở Việt Nam đang kìm hãm nền kinh tế

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.