Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nỗi buồn Luang Prabang

Hiền Lương

(VNTB) – Sao lại không buồn khi mà Campuchia tuyên bố dừng các kế hoạch thủy điện trên sông Mekong, còn Việt Nam thì tháng tư tới đây vẫn sẽ cùng Lào xây dựng thủy điện ở Luang Prabang.

Campuchia sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong 10 năm tới và tạo năng lượng từ than, khí đốt tự nhiên cùng năng lượng mặt trời.

Reuters dẫn lời một quan chức năng lượng cấp cao Campuchia cho biết như trên hôm 18-3 (https://www.reuters.com/article/us-mekong-river-cambodia/cambodia-halts-mainstream-mekong-river-dam-plans-for-10-years-official-says-idUSKBN215187)

Quyết định này có nghĩa là Lào và Việt Nam là hai quốc gia tại lưu vực hạ lưu sông Mekong lên kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong. Trong vòng 6 tháng qua, Lào đã xây thêm 2 con đập trên dòng chảy chính của sông Mekong.

Ông Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ), người có thời gian dài làm việc tại Lào và từng nghiên cứu các dự án trên dòng chính Mekong, cho biết những nhà đầu tư dự án thủy điện Luang Prabang chuẩn bị khởi động lại dự án vào tháng 4-2020. Chủ đầu tư dự án thủy điện này là một doanh nghiệp thuộc nhà nước Việt Nam: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (http://www.pvpe.vn/vn/du-an/p13)

Cuối năm 2019, trên Asia Sentinel, ông David Brown – một nhà cựu ngoại giao Mỹ và rất am tường với Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đã có lời khuyên Việt Nam nên xem lại bài toán kinh tế với dự án đập thủy điện Luang Prabang. (https://www.asiasentinel.com/p/vietnam-utility-mekong-devastation)

Theo tác giả, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã ký một thỏa thuận với Lào vào năm 2007 liên quan đến con đập. Kể từ đó, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Đã thấy rõ sự suy thoái của sông Mekong và nhiều nhánh sông của nó đang tàn phá sức khỏe kinh tế và môi trường của vùng hạ lưu sông Mekong, địa bàn của khoảng 20 triệu nông dân và ngư dân. Những tác động này không còn là vấn đề phỏng đoán.

Phù sa và chất dinh dưỡng hằng năm bị bóp nghẹt, sự trù phú của đồng bằng sông Cửu Long đang suy thoái. Cá di cư đã từng là nguồn sống của nghề cá nội địa lớn nhất thế giới, nhưng vì cá không thể đến được nơi sinh sản, nghề cá đang gặp khó. Năm 2019, khu vực này đã trải qua hạn hán thảm khốc sau đó là lũ lụt kỷ lục. Biến đổi khí hậu chịu trách nhiệm một phần, nhưng theo các chuyên gia Việt Nam, việc lưu trữ và xả nước không điều hòa từ các đập thượng nguồn làm trầm trọng thêm các biến đổi theo mùa mà nông dân phụ thuộc.

“Nếu Việt Nam không thể cấm việc xây dựng thủy điện ở Lào, thì nên chủ động tham gia yêu cầu họ từ khâu thiết kế đến quy trình vận hành…” – Đó là biện minh mà Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đưa ra ở dự án thủy điện Luang Prabang.

Trước câu hỏi: “nhiều người cho rằng nếu ta không làm thì Trung Quốc sẽ nhảy vào?”, ông Lê Anh Tuấn đặt ngược vấn đề: “Thử hỏi, nếu Trung Quốc muốn ra mặt đầu tư vào thủy điện này thì Việt Nam có ngăn cản được không?. Chẳng qua, họ lui một bước, và giăng ra một cái ‘bẫy’, khi Việt Nam nhảy vào dự án thủy điện Luang Prabang thì sau này phải “câm luôn”, không thể phê phán tác hại thủy điện trên dòng chính của Trung Quốc hay Lào được nữa”.

Dòng sông Mekong đang bị các đập thủy điện cắt ngang dọc, các dự án tạo cộng hưởng bất lợi khôn lường cho vùng hạ lưu. Có công trình do vốn từ Trung Quốc đầu tư hại Việt Nam, nhưng cũng có công trình do chính mình hại mình.

Hãy nhìn hạn mặn, hạn hán đầy khốc liệt đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long, để thấy rằng chẳng còn nước mắt nào để khóc cho một dòng sông đang bị chính những tập đoàn của nhà nước Việt Nam bức tử!

Tin bài liên quan:

VNTB – Phố vắng người giàu, không vắng người nghèo

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao họ “thôi giữ chức”?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Báo chí giờ bắt đầu được ‘đa chiều’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo