Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nói kiểu Mujica, làm kiểu Mugabe: Anh hùng và tội đồ kiểu Việt Nam

Hiền Nhân


(VNTB) – Một Việt Nam rừng vàng, biển bạc và nghèo mạt lãnh đạo… có trách nhiệm! Trách nhiệm biến những người anh hùng thành kẻ tội đồ dân tộc.

“Sự sụp đổ của một chế độ cai trị không biến một nước thành địa đàng. Đúng hơn, nó chỉ mở ra con đường cho những nỗ lực kiên trì và trường kỳ xây dựng những mối quan hệ chính trị, kinh tế, và xã hội công bằng hơn, xóa đi những hình thức bất công và áp bức.” – Gene Sharp.

Gene Sharp đã đúng khi cùng xuất phát là những người lính, cùng là người lãnh đạo trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chế độ độc tài, sau cũng giống nhau ở cương vị lãnh đạo cao nhất của một quốc gia, thế nhưng ông Jose Mujica (Tổng thống Uryguay) và R.Mugabe (Tổng thống Zimbabwe) lại khắc họa một chân dung, một đất nước khác nhau một trời, một vực.

Một Tổng thống thanh liêm

Ông Tổng thống nghèo nhất thế giới – Jose Mujica đã rời nhiệm sở sau 5 năm đảm trách cương vị tại đất nước của mình – Uryguay.

Sở dĩ được gọi là tổng thống nghèo, vì ông đã từ chối dinh thự tổng thống sang trọng để sống ở một nông trang nhỏ ngoài thủ đô, cùng 1 con chó, một người vợ và một chiếc xe cổ đời 1987.

Khi xưa, ông từng là lãnh đạo du kích cánh tả Tupamaro, và phải ngồi tù 13 năm dưới chế độ độc tài quân sự Uruguay.

Dù có công đưa Uruguay lên bản đồ thế giới trong một số lĩnh vực như xuất khẩu thức ăn gia súc và năng lượng. Nền kinh tế Uruguay cũng đạt được mức tăng trung bình 5,7%/năm kể từ năm 2005, tỷ lệ nợ công so với GDP của Uruguay cũng giảm mạnh. Thế nhưng, ông vẫn hết mực khiêm tốn: “Tôi trở thành nguyên thủ với đầy lý tưởng chủ nghĩa nhưng thực tế lại khác biệt. Uruguay vẫn đối mặt với nhiều thách thức và hi vọng chính phủ mới, do tân Tổng thống Tabare Vazquez đứng đầu sẽ làm tốt hơn tôi để có được những thành công lớn hơn”

Và ông dùng toàn bộ tiền lương ủng hộ người nghèo.

Một anh hùng dân tộc… xa xỉ

Cũng tại một quốc gia châu Phi giàu tài nguyên, nơi một thời, Đảng Zanu do ông R.Mugabe đứng đầu ra đời, chủ trương đấu tranh vũ trang giành độc lập từ năm 1963-1980. Năm 1980 Zimbabwe tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hoà Zimbabwe do Robert Mugabe, Chủ tịch đảng ZANU làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, và lúc này ông đã kêu gọi hòa giải giữa các bên tham chiến trước đây, bao gồm cả người Zimbabwe trắng và các chính đảng đối thủ. Đảng này liên tục cầm quyền từ đó đến nay. Mugabe cũng từng là một tù nhân chính trị ở Rhodesia trong hơn 10 năm giữa năm 1964-1974, và là người có trong tay bằng Luật và Kinh tế và Cử nhân Quản trị của ĐH Luân Đôn (Anh). Nhưng vị Tổng thống Mugabe từng được coi anh hùng dân tộc đó lại tạo nên một bức tranh tối mịt.

Một năm sau, lời kêu gọi hòa giải của người anh hùng châu Phi đã nhanh chóng biến mất, khi Mugabe thiết lập cơ chế độc đảng điều hành, thành lập một lực lượng an ninh được đào tạo Bắc Hàn, và Lữ đoàn Fifth, công cụ dùng để trấn áp những kẻ chống đối nội bộ đã khiến 20.000 người đã thiệt mạng trong thanh lọc sắc tộc ngay sau đó.

Người từng được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ” tiếp tục phá hoại nền kinh tế bằng cải cách ruộng đất, trong đó tịch thu tài sản người da trắng, khiến tỉ lệ lạm phát của quốc gia này nhích dần lên theo từng năm, 2008 tỉ lệ lạm phát lên tới 231.000.000.000%, khiến một ổ bánh mì cũng phải tiêu tốn 300 tỷ ZWD. Bên cạnh đó, Zimbabwe còn là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới, đứng thứ 163/176 quốc gia theo xếp hạng của Transparency International.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (UN) năm 2013 cho biết, Zimbabwe tiếp tục phải đối mặt với nạn đói tồi tệ trong bối cảnh, vẫn có tới 2,2 triệu người dân tại Zimbabwe thiếu lương thực (1/4 dân số), và quốc gia này vẫn đang sống trên sự trợ cấp lương thực của các tổ chức trên thế giới từ năm 2009.

Trong khi đó, vị Tổng thống trọn đời Zimbabwe Robert Mugabe lại có một lối sống cực kỳ xa xỉ, khi dùng 4 triệu bảng dùng để xây dựng một ngôi đền cho cá nhân. Con gái duy nhất của Tổng thống tiến hành hôn lễ tốn 3 triệu bảng Anh, những con đường dẫn đến dinh thự đã được tráng nhựa lại với chi phí lên đến 500.000 bảng Anh. Gần đây nhất (28/02/2015), trong buổi tiệc sinh nhật lần thứ 91 của mình, vị “anh hùng dân tộc” đã dùng đến 1,3 triệu USD để tổ chức với sự tham gia của hàng ngàn người. Và sự xa xỉ trong cách dùng tiền ngân sách quốc gia đã được Đảng ZANU đơn giản hóa bằng câu nói: tiền do sự quyên góp của các cá nhân, tổ chức.

Theo ghi nhận của báo giới có mặt tại buổi sinh nhật xa xỉ đó, ông Mugabe đã diễn thuyết rất hùng hồn suốt hơn một giờ đồng hồ, trong đó ông đã lên án kịch liệt các lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt đối với Zimbabwe. Lời lên án đó nổi bật trong hoàn cảnh, gần đây, EU đã phê chuẩn khoản viện trợ 270 triệu USD để hỗ trợ ngành nông nghiệp và y tế của Zimbabwe. Số tiền viện trợ này dành cho khoảng thời gian hơn 10 năm.

Và nhiều người không cảm thấy lạ với cách diễn thuyết đó, vì sau nhiều năm cầm quyền, “bài diễn văn của ông Robert Mugabe cũng vẫn chỉ là: chiến tranh, chiến trường, chinh phạt, nghiền nát kẻ thù, và những từ ngữ không thể kể hết. Ông ta không biết cái gì khác hơn. Luật pháp Zimbabwe cấm công dân chửi tổng thống, nhưng ông ta có quyền chửi tất cả mọi người.”

Và điều kỳ lạ là, Mugabe được bầu làm Chủ tịch của Liên minh châu Phi (AU) nhiệm kỳ 2015-2016.

Việt Nam: nói kiểu Mujica, làm kiểu Mugabe

Khó tìm thấy một vị lãnh đạo Jose Mujica tại Việt Nam, nơi khi tại vị và về hưu, tài sản vẫn là một con chó, một người vợ và một chiếc xe đời 1987. Bởi hầu hết, các vị quan phụ mẫu tại Việt Nam do hoàn cảnh (cơ chế) đẩy đưa, đưa đẩy, nên dẫn tới việc, khi tại chức thì tranh thủ thu vét, lúc về hưu thì an nhàn trong căn biệt thự triệu đô.

Do đó, kiếm một vị Jose Mujica thì khó, chứ tìm lấy một Robert Mugabe thì dễ vô vàng, lướt mắt là nhận ra, từ một chủ tịch phường xã, lên cao hơn là huyện tỉnh, cao hơn nữa trung ương. Thế nên, mới có câu, nhìn quan nào cũng giống quan nào, chủ yếu là biết lau chùi mép hoặc ăn ít hay ăn nhiều.

Thỉnh thoảng, vài vị lãnh đạo tuyên bố với báo giới trong nước, là khi về hưu sẽ trả lại nhà công cho đất nước, sẽ vui thú điền viên… Dân nghe thế, biết thế, nhưng tin thì không? Bởi thỉnh thoảng, những tấm gương rêu rao đạo đức cách mạng, đạo đức cá nhân kiểu Jose Mujica lại vô tình để lộ cho báo giới những căn nhà dát vàng, những cái ghế điêu khắc rồng phượng hết sức cầu kỳ, những căn biệt thự kiểu Mugabe mà nếu rao bán, cũng đủ xây một ngôi trường, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, cho các trẻ em vùng núi Tây Bắc đang phải nhà tranh, vách lá ngày đêm học hành dưới mái trường XHCN. Và điều kỳ lạ là các vị lãnh đạo ăn trên, ngồi trốc nhiều nhất, cũng từng một chiến đấu cho nền độc lập, thống nhất giang san, nhiều vị cũng từng được dân ngưỡng vọng là “anh hùng”, nhiều những vị lãnh đạo cấp cao bị dân oán hờn… đã có một thời cầm súng bảo vệ vùng biên cương của tổ quốc. Người dân lại được dịp sáng mắt, mở lòng, ngày một nhiều hơn.

Phải chăng đó là cách tư duy hèn mọn, muốn bù đắp lại công lao của mình, bằng cách vun vén cho cá nhân, bồi đắp cho con cháu? Cái cách mà Robert Mugabe – anh hùng dân tộc, hiệp sĩ, ngay khi vừa nắm quyền đã thiết lập cơ chế chính đảng độc tài, tìm cách gian lận bầu cử, đưa quyền và tiền vào gia đình, đưa sự quản trị quốc gia thành gia đình quản trị, bòn vét tài nguyên quốc gia để cung phụng cho những cải cách sai lầm và lối sống sa hoa cá nhân, sử dụng lực lượng quân sự, an ninh (được đào tạo tại Bắc Hàn) để trấn áp những người đối lập, diễn thuyết thì hùng hồn vạch ra sự hỗn loạn của nền kinh tế là do chiến tranh, do phương Tây cấm vận, nhưng đất nước lại liên tục nhận sự viện trợ từ chính những đối tượng đả kích đó. Và tất nhiên, một phần lớn tiền đó dùng để chi cho những bữa sinh nhật triệu đô của “anh hùng dân tộc.”

Nghe sao mà giống thế? – Bởi ở Việt Nam, 40 năm kinh tế còn nhiều khó khăn vẫn do chiến tranh để lại, trong các diễn văn/ diễn thuyết/ tuyên bố vẫn còn âm hưởng của “sự chống phá từ các thế lực thù địch” (và dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam tới đây sẽ không thiếu những cụm từ đó), vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) bị bòn rút làm nên những con đường sắt dài 12 km (đường sắt Cát Linh – Hà Đông) nhưng giá gần 700 triệu USD, trong khi đường siêu tốc Hyperloop (California – Hoa Kỳ), áp dụng công nghệ cao kéo dài 8 km chỉ với giá 100 triệu USD. Ăn thậm chí tới mức độ, đập đường dân sinh của người dân tự quyên góp lại để xây, sau đó xin tiền ngân sách quận xây lại… Ăn đậm đến nỗi, một dự án sân bay Long Thành khi bị phản đối mới được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng rút từ 18 tỷ USD xuống còn 6,7 tỷ USD ở giai đoạn 1….

Ở Việt Nam, không xuất hiện một cá nhân Robert Mugabe, thay vào đó là cả bộ máy chính quyền là một Robert Mugabe, một chính thể hội tụ đầy đủ của sự gian dối, ăn không chừa cái gì, độc tài, khắc nghiệt, gia đình trị….

Một Việt Nam rừng vàng, biển bạc và nghèo mạt lãnh đạo… có trách nhiệm! Trách nhiệm biến những người anh hùng thành kẻ tội đồ dân tộc.

Tin bài liên quan:

VNTB – Thị hiếu âm nhạc rời xa cuộc chiến

Phan Thanh Hung

VNTB – Gian thương Việt: Ăn hại trên lòng yêu nước!

Phan Thanh Hung

VNTB – “Nhận thức về KTTT định hướng XHCN”: Tư bản đỏ vẫn tích lũy và lũng đoạn!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo