Nguyễn Nam
(VNTB) – Người miền Nam mỗi khi nhắc quan chức nào đó cứ nói một đằng, rồi làm một nẻo, thường kết bằng câu bỏ lửng mà tin rằng ai cũng hiểu: thì ông Thiệu nói rồi mà…
Vậy là ông/ bà nhà báo đặt câu hỏi trên trang Việt Nam Thời Báo, rằng, Từ 0g ngày 23-8: Tình hình Sài Gòn có căng thẳng khi quân đội vào thành? đã ‘bé cái nhầm’, và ông Thiệu vẫn chưa sai.
Chiều 21-8, báo chí đồng loạt đưa tin Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM – ông Phạm Đức Hải cho biết người dân ở vùng xanh, vùng vàng và có điều kiện sẽ được tự đi chợ 1 lần một tuần; những người khó khăn sẽ được Tổ công tác đặc biệt phát thực phẩm miễn phí…
Cụ thể, chính quyền tổ chức cung ứng hàng hóa theo các vùng. Tại “vùng xanh” và “vùng vàng” chia thành 2 nhóm: người dân có điều kiện chưa cần sự hỗ trợ thì tự đi chợ 1 lần/tuần; nhóm người dân có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ nhận gói hỗ trợ từ chính quyền.
Ông Hải cho biết chính quyền chuẩn bị hàng hóa chuyển xuống quận huyện, phường xã, Tổ công tác đặc biệt sẽ chuyển trực tiếp người dân 1 lần/tuần.
Tại “vùng cam” và “vùng đỏ”, chính quyền cũng sẽ cung ứng theo 2 nhóm. Người dân có điều kiện chưa cần sự giúp đỡ thì không đi ra ngoài, tổ công tác sẽ đi chợ giùm và người dân trả tiền. Nhóm người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ.
Nội dung liên quan ‘xanh – vàng – cam – đỏ’ nói trên được ban hành trong một văn bản do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký.
Sáng 22-8, báo chí đưa tin trái ngược: ‘màu’ nào đi nữa thì cũng không được phép ‘tự đi chợ’ – đó là nội dung chính của văn bản khẩn số 2798 này do bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ban hành. Bà Thắng xuất thân là kế toán, còn ông Bình là dân xây dựng.
Bà Phan Thị Thắng, cho biết theo công văn mới này, người dân trên toàn thành phố, bất kể “vùng xanh” hay “vùng đỏ” đều sẽ không được tự đi chợ nữa mà chính quyền sẽ “đi chợ hộ”.
Chính quyền TP.HCM dự kiến phải cung cấp hàng thiết yếu cho 9,4 triệu dân. Theo tính toán, nhu cầu tiêu dùng bình là 10.964 tấn/ngày. Trong đó, gạo: 1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở…): 660 tấn; thịt gia súc: 755 tấn; thịt gia cầm: 660 tấn; thực phẩm chế biến: 236 tấn; trứng gia cầm: 108 tấn (2,1 triệu quả); rau củ quả: 4.246 tấn; đường: 236 tấn; sữa: 1.742 tấn (1,7 triệu lít); dầu ăn: 189 tấn; muối: 47 tấn; nước chấm: 104 tấn (79.865 lít).
Như vậy, mức nhu cầu tiêu dùng bình quân của TP.HCM trong 1 tuần (7 ngày) là 76.747 tấn; trong 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống của người dân ước khoảng 19 triệu lít/ngày, (566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch: khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng); nước sát khuẩn (loại 0,5 lít): 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng).
Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện, công an, quân đội sẽ thực hiện “đi chợ hộ” cho người dân với tần suất 1 lần/ tuần và phân phối trực tiếp đến người dân và người dân phải trả tiền – còn nếu người dân không có tiền để “đi chợ hộ”, thì sẽ được cấp phát túi an sinh miễn phí, đảm bảo không bỏ sót trường hợp khó khăn.
Vài tiếng đồng hồ trước mốc 0 giờ ngày 23-8, hệ thống tin nhắn tự động cũng đã gửi đi thông điệp của chính quyền tới người dân: “UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Nhân dân thành phố an tâm, không thu gom hàng hoá. Người dân có nhu cầu sẽ được tổ công tác đặc biệt ở xã, phường, thị trấn hỗ trợ mua giúp lương thực, thực phẩm. Người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ các túi an sinh xã hội.
Đề nghị người dân không ra đường, tập trung đông người tạo ra nguy cơ lây lan dịch, bệnh, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Mong người dân hãy ủng hộ, chung sức cùng thành phố để cùng vượt qua đại dịch”.
Một ghi nhận khác đang gây hoang mang dân chúng, đó là tối 22-8, tại khu vực phía đông TP.HCM xuất hiện mưa đá. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mưa đá thời điểm này là bất thường.
Ông Lê Đình Quyết – phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ – cho biết mưa đá xuất hiện do nhiễu động không khí đẩy hơi ẩm lên cao gặp tầng nhiệt độ thấp gây ra. Hiện tại có vùng áp cao cận đẩy ẩm từ biển vào gây mưa cho Nam Bộ, đồng thời khiến không khí trong đất liền bị nhiễu động mạnh.
Ông Quyết nhận định mưa đá thường xuất hiện vào tháng 5 – 6 hoặc cuối mùa mưa, do đó mưa đá vào thời điểm này là bất thường.
Từ 0g ngày 23-8, nhật báo Thanh Niên cũng ‘tự đình bản’ báo in. Mọi chuyện phải chờ tình hình từ sau ngày 14-9-2021.
Từ chiều 23-8, lực lượng Sư đoàn 5 của Quân khu 7 bắt đầu được phân về các quận, huyện trong TP.HCM.