Nguyễn Cao
(VNTB) – Với các nhà hải dương học, lý do mà Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đưa ra chắc chắc là “kế sách hòa hoãn” chi đó, vì ai cũng biết thủy triều đỏ gây chết cá ở tầng mặt biển chứ không thể gây chết cá ở tầng đáy. Trong khi, thực tế thời gian qua, cá ở tầng đáy các tỉnh miền Trung chết dạt vào bờ hàng loạt.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân
Tại buổi họp báo kéo dài trong 8 phút vào tối ngày 27-4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Tuấn Nhân đã cầm 2 tờ giấy khổ A4 và “đọc” rằng: Có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ”.
Lý do “thủy triều đỏ” mà ông Võ Tuấn Nhân đưa ra, với doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản là một cú sốc vì sắp tới đây khu vực nuôi trồng thủy, hải sản… sẽ gây ra hiện tượng sinh vật chết hàng loạt. Một số loài tảo sản sinh ra độc tố cực mạnh, có thể giết chết cá hoặc các động vật giáp xác, động vật có vú và chim hay gây bệnh cho con người. Còn với các nhà hải dương học, lý do mà Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đưa ra chắc chắc là “kế sách hòa hoãn” chi đó, vì ai cũng biết thủy triều đỏ gây chết cá ở tầng mặt biển chứ không thể gây chết cá ở tầng đáy. Trong khi, thực tế thời gian qua, cá ở tầng đáy các tỉnh miền Trung chết dạt vào bờ hàng loạt.
Ở đây, người viết xin được nhắc lại một vụ thảm họa “thủy triều đỏ” từng xảy ra tại miền Trung. Qua đó bạn đọc dễ nhận ra rằng chẳng có điểm nào giống với vụ việc đang xảy ra hiện nay cũng tại miền Trung.
Sắp tới biển miền Trung sẽ… thối kinh khủng?
Nước biển bỗng đỏ rực, sau chuyển sang xanh thẫm, rồi đen ngòm như nước cống. Cua, cá chết la liệt, san hô chết bạc trắng; rong biển, cỏ biển cũng chết. Hầu hết sinh vật biển bị tiêu diệt. Những ngày sau đó mùi hôi thối bốc lên… Đó là cảnh tượng do “thủy triều đỏ” gây ra ở biển Bình Thuận cách đây 14 năm.
“Thủy triều đỏ” hay sự “nở hoa” của tảo là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Sự “nở hoa” của tảo có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo… Hiện tượng “nở hoa” thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ô-xy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng.
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ Viện Hải dương học – Nha Trang, mầm mống của tảo sẵn có trong nước biển nên có thể “nở hoa” bất cứ ở đâu khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như nhiệt độ tăng, việc trao đổi nước kém, hoặc điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng, hay ô nhiễm môi trường biển…
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở ven biển Việt Nam có khoảng 70 loài tảo có thể gây hại. Trong đó, hiện tượng nở hoa của loại tảo Phaeocystis globosa thường xảy ra ở vùng biển Bình Thuận và kéo dài khoảng trên dưới 1 tháng.
Thảm họa “thủy triều đỏ” ở Bình Thuận trung tuần tháng 7/2002 tạo thành vùng thủy triều đỏ rộng khoảng hơn 40km2, làm khoảng 90% sinh vật trong vùng triều, kể cả cá, tôm trong các lồng, bè bị tiêu diệt; môi trường bị ô nhiễm nặng, mấy tháng sau mới hồi phục. “Thủy triều đỏ” cũng đã khiến 82 người phải nhập viện do tắm biển, với các triệu chứng ngứa, phồng rộp vùng da nhạy cảm; nguyên nhân là một loài tảo xanh lam “nở hoa”, tiết độc tố vào nước biển. Cần lưu ý, sự “nở hoa” của tảo xanh lam (vi khuẩn lam) còn xảy ra ở nhiều hồ chứa nước ngọt, đe dọa sức khỏe những người sử dụng nguồn nước này – hồ Xuân Hương của Đà Lạt là một ví dụ.
Nôm na, thủy triều đỏ đầu tiên là làm thay đổi màu sắc, cả mặt biển nhuộm đỏ hoặc sẫm và mắt thường có thể nhìn thấy. Vệ tinh hoàn toàn ghi được hình ảnh. Mặt khác khi có hiện tượng này thì nước biển bốc mùi hôi thối do tảo chết. Nếu xảy ra hiện tượng này thì thời gian qua chính quyền lẫn người dân miền Trung đã nhìn thấy được. Đằng này, họ chưa nhìn thấy biển biến đổi màu; đồng thời chưa ai phản ánh mùi hôi thối của loài tảo chết.
Phải hướng dẫn người dân biết khi nào là “nở hoa”
Cũng có những loài tảo không “nở hoa” nhưng sản sinh độc tố; cá và các loài hai mảnh vỏ ăn tảo sẽ tích lũy độc tố trong cơ thể. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định 6 triệu chứng ngộ độc ở người do ăn phải những loài có tích lũy độc tố tảo. Những độc tố này không bị phá hủy trong quá trình đun nấu và cũng không ảnh hưởng đến mùi vị của thực phẩm biển. Vì vậy, người sử dụng, kể cả ngư dân, cũng không phát hiện ra độc tố tảo trong thức ăn.
Ở Việt Nam, Trung tâm An toàn thực phẩm và vệ sinh thú y thủy sản có trách nhiệm giám sát an toàn thực phẩm biển (chủ yếu là thân mềm hai mảnh vỏ) xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, nhiều địa phương nuôi vẹm xanh và các loài thân mềm hai mảnh vỏ khác lại chưa chú trọng vấn đề này.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng Việt Nam có thể hạn chế thiệt hại do “thủy triều đỏ” gây ra, với điều kiện phải đầu tư thích đáng cho các nghiên cứu cơ bản. Đối tượng nghiên cứu ở đây không chỉ là tảo gây hại, mà phải điều tra cả những yếu tố tác động đến môi trường biển như tính chất vật lý, hóa học, nhiệt độ, dòng chảy, nguồn nước thải ra biển, đặc điểm kinh tế – xã hội… Ngoài ra, cần tuyên truyền, hướng dẫn trong ngư dân là khi phát hiện dấu hiệu “thủy triều đỏ” cần báo ngay cho cơ quan chức năng, để từ đó có những giải pháp cần thiết, như di chuyển lồng nuôi tôm, cá đến nơi khác, thay nước trong hồ nuôi…