Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nói và làm như phó thủ tướng: Ai cũng nói được!

Lê Tự Do

 

(VNTB) –  Phát biểu chung chung như Phó thủ tướng Hà, thì thiệt bù trớt!

 

Ròng rã suốt mấy tháng trời, nhiều tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã và đang lâm vào tình trạng thiếu nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu, chăn nuôi… Nước sông có nơi cạn; có nơi còn đầy nhưng bị nhiễm mặn… Đời sống dân tình vốn dĩ đã khó nay càng khó hơn.

Trước tình hình đó, ngày 7/4/2024, tại điểm cầu UBND tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An, Cà Mau về công tác phòng chống hạn mặn, thiếu nước mùa khô năm 2024.

Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ mùa vụ sản xuất, cung cấp nước tập trung cho người dân.

Phó Thủ tướng nhận định: “nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn và sụp lún là câu chuyện chung của đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy chúng ta cần phải thích nghi và chung sống với xâm nhập mặn.”

Suy cho cùng, vấn đề về hạn hán cũng như hạn mặn, là câu chuyện hoàn toàn không mới ở miền Tây. Cũng chính vì cái gọi là “không mới” đó, người dân cũng đã ít nhiều có sự chuẩn bị trước cho cái gọi là “6 tháng nắng”. Nhiều hộ gia đình ở các tỉnh miền Tây đã trữ sẵn nước mưa.

Chính vì lẽ đó, điều ông Trần Hồng Hà nói không sai nhưng không đúng ở thời điểm hiện tại. Vì năm nay, cái nóng, cái hạn cũng như cái mặn, theo chia sẻ từ bà con khu vực đồng bằng sông Cửu Long là “khủng khiếp” hơn mọi năm nhiều…

“Bị hoài nên cũng phải rút ra kinh nghiệm chớ. Mình dự trữ nước trước, chuẩn bị cho mấy ngày này. Nhưng nói nào ngay cũng đâu chịu được bao nhiêu, chừng năm, mười bữa, năm bảy bữa trở lại à. Gia đình đông người mà, còn phải tưới vườn, tưới ruộng. Nước sông thì mặn hết ráo rồi, làm sao xài được?”, bà Sáng, một cư dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ về vấn đề thích nghi và chung sống với xâm nhập mặn, cũng như hạn hán.

Cũng tương tự như bà Sáng, theo ông Ba, gia đình ông đã chuẩn bị nước từ đầu mùa khô. Những ngày cuối tháng 3, nước phông-tên bắt đầu yếu, nước kinh thì mặn. Tưởng chừng như chỉ bị trong thời gian ngắn, “lúc đó thì chưa thấy gì vì còn nước dự trữ. Đâu có nghĩ nó nắng quá trời, hơn mọi năm luôn”.

Đó là một vài sự chuẩn bị, gọi là thích nghi (như lời ông Hà nói) đến từ phía người dân. Còn về phía chính quyền địa phương thì ra sao?

Theo quan sát và ghi nhận, về vấn đề hạn mặn của như hạn hán ảnh hưởng đến đời sống người dân, trước khi có những “giọt nước nghĩa tình” xuống hỗ trợ, giúp đỡ, Chính quyền địa phương cũng đã có động thái giúp dân “chung sống” với hạn. Đơn cử, là đó hành động mở nhiều vòi nước miễn phí cho người dân đến lấy.

Có nơi nước mạnh, cũng có nơi nước yếu, người dân phải chờ cả tiếng mới có thể hứng đầy bình. Song, những cây nước nghĩa tình này, đã giúp đỡ không ít người dân trong thời gian đầu đầy khó khăn.

“Của Nhà nước, công ty cấp nước, mình không có đóng tiền. Thí dụ giờ ai tới trước thì hứng trước, thí dụ người nào nhiều thì chia ra. Thí dụ ngưng lại vài bình, thì người khác vài bình. Hứng thì có lâu thiệt nhưng có cũng đỡ”, bà Thu, một cư dân đang chờ lấy nước chia sẻ.

Cũng xin được nói thêm, theo Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trách nhiệm của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được phân công là theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Giáo dục, đào tạo và dạy nghề; khoa học và công nghệ; lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; y tế; thông tin và truyền thông; văn hóa; du lịch; thể dục, thể thao…

Lưu ý, trước khi ngồi vào ghế Phó Thủ tướng thì ông Trần Hồng Hà là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tức ông Hà là người quản lý chuyện tài nguyên và môi trường trên phạm vi toàn quốc.

Tựu trung lại, có thể thấy, từ lâu, người dân cũng như chính quyền khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuẩn bị, thích nghi đối với tình trạng hạn hán cũng như hạn mặn. Song, thiết nghĩ, đó cũng chỉ là những biện pháp mang tính “chữa cháy”. Căn cơ “phòng cháy” vẫn nằm trong tay những người có tính quyết định như Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Trách nhiệm về các vấn đề xã hội, có “năng lực chuyên môn” về môi trường mà phát biểu chung chung như ông Hà, thì thiệt bù trớt!

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Khi đường phố bớt xe máy

Phan Thanh Hung

VNTB – Vui mừng hay lại phải tiếp tục chờ?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nông nghiệp miền Tây sẽ theo hướng “thuận thiên” như trước 1975

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.