VNTB – Nước mắt ly hương người Quảng Ngãi

VNTB – Nước mắt ly hương người Quảng Ngãi

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Khó đủ đường, Quảng Ngãi dừng tiếp nhận người dân từ vùng có dịch về từ ngày 1-8

 

Ngày 29-7, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh có công văn hỏa tốc về việc tạm dừng tiếp nhận công dân Quảng Ngãi trở về từ các tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19 theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế. Việc thực hiện được áp dụng từ 0 giờ ngày 1-8-2021.

Công văn nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, trước tình hình tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca nhiễm bệnh liên tục gia tăng; để chia sẻ với những khó khăn của người dân Quảng Ngãi đang làm ăn, sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và phối hợp với Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức đón 400 người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê, do tỉnh chi trả toàn bộ kinh phí, đồng thời sắp xếp tiếp nhận khoảng 1.500 – 1.800 người có nguyện vọng về quê để tổ chức cách ly tại các khách sạn có trả phí dịch vụ.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, có trên 5.000 người dân từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tự phát trở về quê (tự túc phương tiện hoặc thuê xe dịch vụ), trong đó có nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (FO), dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Trong khi đó, năng lực cách ly y tế của tỉnh đã quá tải (đang cách ly tập trung hơn 6.000 người tại các cơ sở cách ly y tế tập trung); phải sử dụng các cơ sở giáo dục tại các xã, phường, thị trấn nhưng gặp nhiều hạn chế trong khâu quản lý, vận hành, sinh hoạt, xử lý rác thải,… nên có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly; năng lực y tế của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo yêu cầu chống dịch nếu số FO tăng cao hoặc cùng lúc có nhiều F0 kèm bệnh lý nền nặng; năng lực tài chính không đảm bảo phục vụ tiếp nhận, cách ly y tế tập trung theo quy định.

Mặt khác, hiện các tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc ở mức giãn cách xã hội cao hơn theo nguyên tắc “Gia đình cách ly với gia đình; thôn/bản cách ly với thôn/bản; xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”, yêu cầu người dân ở tại nơi lưu trú, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

 Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 1 và Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20-7-2021 của Chính phủ quy định “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chi đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch, đặc biệt là nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16 của nhân dân đối với các yêu cầu giãn cách cá nhân với cá nhân, giữa gia đình với gia đình, không tụ tập đông người, hạn chế việc đi lại…”, vì vậy việc công dân tự ý, tự phát rời khỏi các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 về Quảng Ngãi bằng phương tiện cá nhân là vi phạm nguyên tắc chỉ đạo tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 78 của Chính phủ.

Xuất phát từ tình hình thực tế và khả năng phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi thông báo tạm dừng tiếp nhận công dân Quảng Ngãi từ các tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19 theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế về Quảng Ngãi, bắt đầu từ 00 giờ 00 phút ngày 1-8-2021.

Hai năm về trước, người Quảng Ngãi ở Sài Gòn từng được báo chí miêu tả rằng Sài Gòn hoa lệ có những người lầm lũi mưu sinh bên xe hủ tiếu gõ. Họ đến từ miền quê mưa dầm, nắng cháy. “Nếu ở quê có việc làm đủ lo cho cuộc sống thì chắc không mấy người chấp nhận cảnh tha hương…”.

Họ chính là người Quảng Ngãi với “thương hiệu” hủ tiếu gõ của dân Quảng Ngãi đã góp phần nào vào bức tranh ẩm thực phong phú, đầy màu sắc của một đô thị đầu tàu đất nước: Sài Gòn.

Thật ra thì hủ tiếu gõ là cái tên mà người Sài Gòn trước năm 1975 gọi để chỉ  mỗi khi đêm về trên các ngõ hẻm, người ta nghe tiếng gõ của hai miếng thanh tre vào nhau để mời ăn hủ tiếu, mì được bưng đến tận nhà khách. Ăn xong, cứ để tô trước cổng, phía người bán sẽ đến nhận về.

Các xe bán hủ tiếu giờ đều có “bến” cố định, khách quen khi đói lòng thì chịu khó tìm đến đây lót dạ. Và người ta vẫn quen gọi ‘hủ tiếu – mì gõ’, dù chẳng còn thanh âm ngày cũ nữa.

Giờ thì dịch giã kéo dài, Sài Gòn hết đợt giãn cách này đến phong tỏa khác. Vậy là người Quảng Ngãi ngụ cư ở Sài Gòn kiệt quệ dần tiền của để dành, và đành phải hồi hương… để rồi buồn biết bao khi nơi chôn nhau cắt rốn lại không thể đón nhận những đứa con tha phương cầu thực…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)