VNTB – Nước ngoài làm được thì người Việt cũng sẽ làm được!?

VNTB – Nước ngoài làm được thì người Việt cũng sẽ làm được!?

Phú Nhuận

(VNTB)  – “Với sự ủng hộ của tư duy đổi mới của Đảng và Chính phủ, chắc chắn khu vực báo chí tư nhân nếu được cho phép, sẽ có sự phát triển mạnh mẽ. Tiềm năng còn lại rất lớn, quan điểm của chúng tôi là những gì các doanh nghiệp báo chí nước ngoài làm được thì người Việt chúng ta cũng sẽ làm được”.

 

CEO (Chief Executive Officer – Tổng giám đốc điều hành) một công ty truyền thông, đưa ra nhận định như trên.

Theo vị CEO này, thì đóng góp của khối kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới, không chỉ dừng lại ở mức 42% GDP và 30% thu ngân sách. Ngoài vai trò là động lực tăng trưởng, khối kinh tế tư nhân đã khẳng định được vị thế khi ngày càng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, từ công nghiệp chế tạo cho đến du lịch, dịch vụ, văn hóa.

Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động mà còn góp phần thúc đẩy đất nước hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, tạo những chuỗi giá trị sản xuất mới”, vị CEO nói.

Dẫn ví dụ ở lĩnh vực hạ tầng hàng không, vị CEO chỉ rõ trước kia, xây hạ tầng hàng không đều do Nhà nước đảm nhận, thậm chí được xem như “độc quyền”. Đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia xây dựng sân bay. “Tư nhân giúp giải bài toán nhu cầu vốn rất lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp”, vị CEO nói.

Theo vị CEO yêu cầu ẩn danh nói trên, nguồn lực dồi dào, tinh thần khởi nghiệp, lòng yêu nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ là những nền tảng để hình thành nên các tập đoàn truyền thông mang thương hiệu quốc gia nhưng đạt tới tầm vóc quốc tế, đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Vị CEO nói rằng với những nhà báo tự do từng được phong Anh hùng Thông tin như Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất và cả linh mục Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, thì nếu có một hành lang pháp luật thích hợp cho quyền tự do báo chí tư nhân, chắc chắn rằng sẽ phụng sự xã hội tốt hơn rất nhiều thay vì họ đang bị cáo buộc là thiên hướng của chống – phá.

Tôi đánh giá cao những cam kết và hành động của Đảng và Chính phủ thời gian qua trong việc nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, năng lực quản trị Nhà nước, cải cách môi trường kinh doanh.

Tôi nghĩ rằng một khi đã cởi mở không chỉ trong kinh tế, mà đang bắt đầu với quản trị hành chánh như việc trao thêm quyền lực cho mô hình “Chính quyền đô thị” ở thành phố Hồ Chí Minh, thì vì sao lại ngần ngại trong báo chí tư nhân?

Một đơn cử, trước đây tôi từng có dịp trao đổi với nhà báo Phạm Chí Dũng khi ông còn là cán bộ phụ trách an ninh tiền tệ. Tôi có nói với ông là hiện có nhiều tờ báo không biết của ai cho rõ ràng, dứt khoát. Lấy ví dụ tờ VnExpress là tờ báo mạng được nhiều người đọc ở Việt Nam. Ai cũng biết đây là tờ báo do công ty FPT lập ra vào tháng 2-2001.

Bản cáo bạch của FPT viết: “Tháng 11-2002, VnExpress trở thành tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy phép”. Sau đó nhiều trang thông tin đi theo tờ báo này đã lần lượt ra đời như Ngoisao.net, Danduong.net, Sohoa.net… Khổ nỗi FPT là công ty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bất kỳ ai bỏ ít tiền ra mua cổ phiếu FPT cũng có thể nói tôi đang sở hữu một phần tờ báo VnExpress này? Vậy không gọi đây là tờ báo tư nhân, thì phải gọi cho trúng tên là gì?”.

Vị CEO này nói rằng về sau khi biết ông bạn Phạm Chí Dũng kêu gọi về quyền tự do biểu đạt qua báo chí từ chuyện xúc tiến thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ông đã chia sẻ sự kêu gọi này bằng việc đưa ra hàng loạt câu hỏi: Những trang thông tin điện tử như Vietstock, CafeF đang hoạt động như những tờ báo tài chính chuyên nghiệp, thế nhưng lại đang ẩn mình thành các trang thông tin điện tử tổng hợp chứ không phải là báo.

CafeF là của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam, nơi có hàng loạt “cổng thông tin” như Afamily khét tiếng với các câu chuyện phòng the éo le, hay Kênh 14, CafeBiz…

Vietstock tự nhận có “cơ quan chủ quản” là công ty cổ phần Tài Việt. Cả hai lấy tin từ các báo khác, nhưng chủ yếu vẫn là tin bài riêng, ký Vietstock hay CafeF đàng hoàng, tức vẫn có “phóng viên” đi lấy tin, viết bài như một tờ báo. Một số nơi nhiều lúc phải nhờ các tờ báo khác “hợp thức hóa” tin rồi đăng lên, tức là tin của mình, nhưng ở dưới lại ghi “theo…”, thật trái khoáy vì họ không được quyền làm báo với lý do là ‘tư nhân’…

Những gì nước ngoài làm được thì người Việt cũng sẽ làm được” – vị CEO dẫn chứng: “Khi ra sạp báo, thấy hàng loạt tờ báo mang măng-sét tiếng nước ngoài như Women’s Health, Her World, Esquire, Elle, Cosmopolitan, Harper’s Bazaar… Chúng không phải là báo tiếng nước ngoài được nhập khẩu vào Việt Nam đâu. Chúng là báo tiếng Việt, có “cơ quan chủ quản” đàng hoàng.

Nhưng không lẽ Nhà nước rảnh đến nỗi đi xuất bản hay mua bản quyền để xuất bản các tờ báo giải trí này. Gọi chúng là báo chí Nhà nước thì phi lý quá. Chúng tôi không phản bác loại hình báo giải trí này bởi chúng có những chức năng nhất định đối với một giới độc giả nào đó, nhưng phải gọi chúng là gì cho danh chính ngôn thuận là điều chúng tôi muốn đặt ra…”.

Sở dĩ vị CEO bỏ lửng phần ý kiến, vì ông nói rằng nhà báo Phạm Chí Dũng đã bị khởi tố về Điều 117, Bộ luật Hình sự cũng từ chuyện cần sự danh chính ngôn thuận đó, nên với ông thì giờ câu chuyện kiểu này luôn là sự cẩn trọng từ đe dọa đối mặt tù – tội.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)