Việt Nam Thời Báo

VNTB- Ô nhiễm hồ Xuân Hương: Giậm chân tại chỗ với ‘bế tắc quy hoạch’

Thảo Vy
Images intégrées 1
(VNTB) – Du khách đến Đà Lạt không khỏi lắc đầu ngao ngán khi thấy hồ Xuân Hương tảo lam lềnh bềnh và bốc mùi hôi thối.

Thạc sĩ Lâm Ngọc Tuấn (ĐH Đà Lạt) cho biết: “Ô nhiễm hồ Xuân Hương, chủ yếu do nước thải, nước chảy bề mặt; nguồn nước từ các lưu vực sông, suối, nước thải từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất – chế biến… đổ trực tiếp ra hồ mà không qua hệ thống lọc. Hiện tượng ô nhiễm này còn gọi là “nước nở hoa” – một hiện tượng đáng sợ của bất kỳ hồ thắng cảnh nào trên thế giới”.

Đầy nguồn gây ô nhiễm
Hồ Xuân Hương tiếp nhận nước từ các nguồn chính, là các hồ lắng số 1, 2, 3 và 4, đây là nguồn cung cấp nước đầu vào chủ yếu nhất của hồ, bắt nguồn từ các con suối, là nguồn nước tưới tiêu cho các vườn rau xung quanh đồng thời là nơi tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống trong khu vực. Ngoài ra, hồ còn tiếp nhận các nguồn nước khác, nhất là vào mùa mưa của khu vực Đồi Cù; cống xả bên cạnh hồ phía đường Bà Huyện Thanh Quan; cống nhỏ gần nhà hàng Thủy Tạ và cống nhỏ trước Quảng trường thành phố.
Chất thải sinh hoạt: các mương suối trong tòan bộ lưu vực hồ Xuân Hương thường chảy qua các khu dân cư trước khi đổ vào hồ. Phần lớn nước thải sinh hoạt chưa xử lý hoặc mới chỉ xử lý sơ bộ qua hầm tự hoại nên hàm lượng các ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng rất cao. Chất thải rắn sinh hoạt trong vùng lưu vực chưa được quản lý tốt, nhiều điểm đổ rác gần mương suối được hình thành tự phát. Rác bị vứt thẳng xuống mương suối gây ô nhiễm và cản trở dòng chảy.
Các khu vực có nguồn thải từ hoạt động nông nghiệp tập trung chủ yếu ở các phường 8, 9,10, 11. Chất thải từ hoạt động nông nghiệp là các dư lượng của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phụ phế phẩm sau khi thu hoạch, thường tập trung sát bờ mương suối thành đống, thậm chí đổ thẳng xuống suối. Một số bao bì và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng chưa được thu gom còn để lại trên đồng ruộng khi có mưa lớn sẽ trôi xuống lưu vực gây ô nhiễm môi trường nước.
Ngoài ra, do việc xây dựng nhà lưới, nhà kính sản xuất sau hoa công nghệ cao trên lưu vực đã gây nên lưu tốc dòng chảy trên các suối nhánh. Dòng chảy tập trung là điều kiện gia tăng xói mòn, rửa trôi đất, cuốn theo các phế phẩm và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Trong lưu vực có một số cơ sở ỏ khu vực chợ Phan Chu Trinh, một số cơ sở giết mổ gia súc…có thải nước thải chưa được xử lý đúng tiêu chuẩn hoặc chưa có hệ thống xử lý nước thải xuống các mương suối trong lưu vực.
Đáng chú ý là sân golf với nguồn ô nhiễm dinh dưỡng và thuốc bảo vệ thực vật có thể rất lớn từ hoạt động tưới cỏ của sân golf Đồi Cù. Có một khoảng thời gian nhất định trong năm sân golf sử dụng nước hồ Xuân Hương để tưới cỏ. Theo báo cáo của Câu Lạc Bộ Golf Đà Lạt tổng lượng phân bón các loại bình quân trong năm là trên 9 tấn, trong đó chủ yếu là lượng NPK.

Lại “giải pháp”
Images intégrées 2
Tại hội thảo “Các giải pháp xử lý bền vững ô nhiễm hồ Xuân Hương”, các nhà khoa học đưa ra giải pháp tình thế khống chế tình trạng tảo lam phát triển, như sau: Thứ nhất, xử lý bằng hoá học. Một trong những công nghệ có thể mang lại hiệu tất thời, tuy nhiên sử dụng các phương pháp hoá học này giá thành cao, tốn kém nhiều và chỉ hiệu quả cao ở các hồ bị cô lập nước. Lượng hoá chất cần thiết ở một số nơi đã thực hiện như ở Liên Xô cũ, P.T.GALACUN (1976) đã xử dụng sulfat đồng, liều lượng 0,6 g/m3 để diệt tảo lam nở hoa trong các ao nuôi cá. Ở Thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác, để diệt các loài tảo bám và tảo phiêu sinh ở các hồ bơi người ta dùng sulfat đồng với liều lượng 1 – 2 mg/L.
Xử lý bằng ức chế sinh trưởng của tảo. Ở Mỹ (1972), Swingle đã xử lý hiện tượng nở hoa của tảo lam ở hồ thuộc bang Alabama bằng cách bón Superphosphate liều lượng 20 kg/1ha mặt nước hồ. Năm 1986 – 1987, nhóm chuyên gia Viện Môi trường và Phát triển Bền vững đã xử lý hiện tượng nở hoa của các ao nuôi cá vùng Cần Thơ, Tiền Giang, ao nuôi Artemia ở ruộng muối Sóc Trăng, Quảng Ngãi bằng superphosphate liều lượng 5 kg/ha mặt nước ao. Tiếp theo là áp dụng biện pháp sinh học nuôi tảo Chlorella – một chi tảo sử dụng lượng lớn chất hữu cơ trong nước cho sinh trưởng và phát triển, chất tiết của Chlorella có khả năng ức chế sinh trưởng của tảo khác. Khi đạt mật độ 500 tb/m/L thì đổ nước nuôi tảo cho 10 m3 nước ao.
Phương pháp sử dụng vi sóng. Để xử lý thu gom tảo cũng được nghiên cứu và ứng dụng nhiều. Một số nước sử dụng phương pháp này để xử lý tảo trong nước thải. Việc triển khai công nghệ này ở điều kiện xử lý tảo trong diện tích hồ rộng lớn cũng sẽ gặp khó khăn.
Phương pháp trồng thực vật thuỷ sinh, như một giá thể cho các loại phiêu sinh sống bám có lợi trong việc xử lý chất lượng nước, mặt khác các thực vật thuỷ sinh này sẽ là tác nhân cảng ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó kết hợp sử dụng các loài tảo sử dụng nhiều chất hữu cơ cho sinh trưởng và chất tiết của chúng có khả năng ức chế hoạt động của các loài tảo khác và là thức ăn tốt cho các loài động vật thủy sinh ăn lọc trong hồ (các loài trùng bánh xe, giáp xác râu ngành, nhuyễn thể hai mảnh vỏ) như là tảo Chlorella. Thúc đẩy sự phát triển của động vật ăn lọc ở tầng nước và đáy. Phương pháp này cũng được ứng dụng nhiều vì dễ thực hiện, giá thành tương đối rẽ, tăng tính đa dạng sinh học mà còn tạo được cảnh quan đẹp cho hồ.
Thứ hai, giải pháp quy hoạch quản lý chất lượng môi trường. Vấn đề quản lý môi trường lưu vực sẽ là thách thức rất lớn đối với thành phố Đà Lạt, cần phải có kế hoạch quản lý tổng hợp các hoạt động trong vùng lưu vực để chủ động kiểm soát chất lượng nước hồ. Các dự án phát triển kinh tế xã hội trong vùng lưu vực cần phải được xem xét kỹ lưỡng, tránh gia tăng các hoạt động có khả năng sinh thêm nguồn ô nhiễm, đặc biệt là nguồn ô nhiễm dinh dưỡng. Quy hoạch sử dụng đất hợp lý, đảm bảo duy trì tối thiểu các mặt đệm tự nhiên để giữ nước trong lưu vực. Các dự án, hoạt động khai thác nước trong lưu vực cần phải được nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, tránh làm cạn kiệt nguồn nước bổ cập cho hồ Xuân Hương.
Vấn đề nan giải ở đây là giải pháp quy hoạch để quản lý tổng hợp các hoạt động trong vùng lưu vực gây ảnh hưởng môi trường hồ Xuân Hương là biện pháp có tính bền vững nhất, song lại cần một thời gian dài mới thực hiện được. Vì vậy các giải pháp khác vẫn hết sức cần thiết cho hiện tại và tương lai trong vòng 5-15 năm tới để bảo vệ hồ Xuân Hương.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo