VNTB – Ô nhiễm môi trường: sao không thử cách giải quyết khác?

VNTB – Ô nhiễm môi trường: sao không thử cách giải quyết khác?

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Thoải mái tiếp nhận những dự án công nghệ nhiệt điện than từ Trung Quốc, và loay hoay xử lý ô nhiễm môi trường bằng việc ưu tiên… triệt xe máy hai bánh (?!)

 

Lấy lý do xe máy là tác nhân chính gây ra tình trạng kẹt xe ở nhiều nơi trong thành phố, cũng như xe máy là một trong những nguồn phát thải trực tiếp một số chất có ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của con người, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM nên hạn chế xe gắn máy cá nhân vào khu vực trung tâm thành phố.

Nhiều ý kiến trái chiều, bênh vực có, phản bác có. Hầu như tất cả các loại ý kiến đều có lập luận, lý lẽ riêng của mình. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lại không ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là đối với những người lao động nghèo khó, tại sao Sở GTVT không thử chung tay cùng với Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) cùng công ty cây xanh thành phố đưa ra một biện pháp khác hiệu quả hơn, không chỉ bây giờ mà còn là vấn đề dài lâu?

Theo một nghiên cứu từ nước ngoài, nếu thành phố có nhiều cây xanh, có thể giảm nhiệt độ ngoài trời khoảng 4 độ C (giảm “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”), giảm chi phí năng lượng khoảng 12%, giảm độ bụi khoảng 13%, tăng các giao dịch thương mại thêm 12% và giá trị đất đai thêm 23%. Một thành phố mà có nhiều mảng xanh, sẽ là nơi trong lành để sinh sống cũng như hấp dẫn để đầu tư.

Nhìn vào tình hình thực tế hiện tại ở TP.HCM, số lượng cây xanh ở thành phố đang dần ít đi. Lẽ dĩ nhiên, không phải cái gì cũng có thể toàn diện, để có thể phát triển cơ sở hạ tầng, buộc phải có sự hy sinh. Và dĩ nhiên, cái nào cũng có cái giá của nó. Việc hy sinh tất cả những hàng cây có từ lâu đời (thay vì tính toán kỹ lưỡng cây nào chặt, cây nào nên để lại) ở con đường Tôn Đức Thắng, hậu quả để lại đó là một con đường nắng gắt; hoặc “ướt nhẹp”, ngập nước mỗi khi… mưa về.

“Có thể thấy rằng, đúng là số lượng cây xanh ở thành phố đang càng ngày càng ít. Tôi nhớ ngày xưa, đi trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – tức Công Lý hồi nào vào mỗi buổi trưa, là cảm thấy vô cùng ngán ngẩm vì cây thì nhỏ xíu, tán lá không rộng để che nắng, nhiệt độ thì cao. Tưởng rằng sẽ rút kinh nghiệm từ con đường ấy, giờ đây, còn thêm con đường Tôn Đức Thắng nữa đã biến mất hàng cây Cường Để trăm năm của Sài Gòn. Hàng cây ở Tôn Đức Thắng lúc trước phải nói là khá dày, trời nắng mà chạy xe vào hàng cây là bao mát. Giờ thì sao?

Rồi cây ở các công viên. Như công viên Gia Định đó, lúc trước cây nhiều lắm, từ hồi làm đường, xẻ công viên ra tới giờ, khu cũ thì còn giữ được nguyên chứ công viên mới thì thay hình đổi dạng tùm lum. Có công viên tại TP.HCM đang bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh nữa.

Đồng ý là phát triển đô thị, nhưng mà theo mình nghĩ, sự phát triển nào cũng nên có yếu tố môi trường trong đó chứ. Đô thị mà không có bóng mát, không có cây xanh thì người dân trong đô thị đó cứ như đang “rèn luyện sức chịu đựng” mỗi ngày vậy” – bà Nguyễn Ngọc, một giáo viên cấp 3 về nghỉ hưu, ý kiến.

Còn theo cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, thì, công viên cây xanh không chỉ là nơi luyện tập thể thao, nơi vui chơi giải trí, nơi sinh hoạt cộng đồng mà như ở Singapore là kết nối các công viên cây xanh bằng hành lang xanh, tạo thành chuỗi liên kết.

 Ở TP.HCM trong suốt mấy chục năm qua không giám sát chỉ tiêu cây xanh, là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ công viên cây xanh thấp. Vì vậy, TP.HCM cần xây dựng kế hoạch phát triển công viên cây xanh trong 10 năm, 25 năm tới, đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện kế hoạch này.

Tương lai các đô thị lớn, đặc biệt là ở TP.HCM, có số dân khá đông sẽ ra sao khi dân số tăng, khói bụi ngày càng nhiều, cây xanh không có nhiều đất sống?

Cây xanh vừa có thể lọc bụi, che nắng, hạn chế ô nhiễm không khí, tại sao sở GTVT không tập trung vào vấn đề cải thiện về độ che phủ mảng xanh ở thành phố mà cứ chăm chăm vào việc hạn chế xe máy vì lý do ô nhiễm không khí?

Xin đừng làm cho người nghèo đã khổ nay càng khốn khó hơn…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)