Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ở Việt Nam có tham nhũng chính trị không?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Tham nhũng chính trị là việc sử dụng quyền hạn của các quan chức chính phủ, của cơ quan Đảng, hoặc các liên hệ mạng lưới của họ để trục lợi cá nhân bất hợp pháp.

 

Với cách hiểu trên, ở Việt Nam có ‘tham nhũng chính trị’, và tội danh này nằm rải rác theo cách hiểu của Luật phòng, chống tham nhũng.

Việc trị ‘tham nhũng chính trị’ ở Việt Nam được biết đến với tên gọi quen thuộc trên báo chí là Chiến dịch ‘đốt lò’, cụm từ dùng chỉ chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 trên cương vị Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chiến dịch ‘đốt lò’ này được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Đảng trong việc giành lại quyền lực và uy thế, cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự dẫn dắt được cho là luôn sáng suốt của Đảng.

Quan sát cho thấy cho đến khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư tại đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng năm 2016, ông Trọng mới đủ vững tâm để đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm thành những hành động cụ thể.

Trong các phát biểu của mình, ông Nguyễn Phú Trọng thường dùng hình tượng “củi và lò” để thể hiện công cuộc chống tham nhũng.

Lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng nhắc đến khái niệm “đốt lò” là ngày 31 tháng 7 năm 2017, tại Hà Nội, khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Ngày 26 tháng 7 năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, phát biểu: “Việc này phải thành nếp, không làm không được. Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào”.

Tư tưởng chỉ đạo chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được hệ thống hóa trong cuốn “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, tập hợp 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ XII trở đi.

Về mặt truyền thông, chiến dịch “đốt lò” thể hiện qua hàng loạt các vụ án lớn được phanh phui và đưa ra xét xử. Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm, cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên cũng không ít ngờ vực là diễn biến ấm – lạnh thất thường của “đốt lò” cho thấy yếu tố kém bền vững của cung cách xử trí vấn nạn “tham nhũng chính trị” qua” giải pháp tình thế là “đốt lò”.

Như đã nêu ở phần đầu bài viết, “tham nhũng chính trị” là dạng tham nhũng được hình thành do sự câu kết giữa những người có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị, chủ yếu là những quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền, nhằm tạo ra những quyết định, hay tìm cách tác động thiên lệch vào những quyết sách của nhà nước có lợi cho một cá nhân, doanh nghiệp hoặc những nhóm lợi ích nào đó.

Như vậy, có thể hiểu tham nhũng chính trị là sự lạm dụng quyền lực chính trị được giao để thu lợi riêng, với mục đích tăng quyền, hoặc tăng tài sản. Biểu hiện của dạng tham nhũng này là dùng vị trí chính trị, ảnh hưởng chính trị của mình để can thiệp vào việc có, hoặc không đưa ra một quyết định mang tính chính trị như chính sách, đạo luật, thỏa thuận…, một cách thiên vị nhằm mục đích vụ lợi; mua bán, trao đổi các chức vụ chính trị, vị trí có quyền lực, chạy chức, chạy quyền, sau đó dùng vị trí của mình để trục lợi cá nhân…

Thể chế nhất nguyên chính trị, nếu không có những nguyên tắc quản trị thích hợp cho giám sát các quyền lực ở độc đảng cầm quyền, thì có lẽ liên quan tham nhũng chính trị sẽ khó thể trị dứt một cách căn cơ.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nguyễn Phú Trọng phải ‘đốt’ vụ Thủ Thiêm thì dân mới tin! (Kỳ 3)

Phan Thanh Hung

VNTB – Tân bộ trưởng Y tế nhận khuyến cáo…

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Chống tham nhũng ở Việt Nam không bao giờ tiến xa

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.