(VNTB)-ODA Metro Bến Thành-Suối Tiên: Chưa thi công đã muốn ăn chặn

Viết Lê Quân

(VNTB) “Đất ở từ xưa tới giờ mà Nhà nước cứ nói là lấn chiếm. Đi khiếu nại ở các cơ quan có thẩm quyền thì nói là không lấn chiếm nữa, nói là xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân Thành phố gọi là đưa vào ‘đất xen cài khu dân cư’ mà chỉ nói bằng miệng thôi chứ văn bản thì không có. Hiện giờ 1.060,9 m2 đất của mình mà chỉ cho có 3 triệu 55 ngàn thôi. Uất ức quá! Nhiều người dân ở đây bức xúc chứ không phải 1 mình tôi. Cả tuyến đường xa lộ Hà Nội này gồm khu phố 1, khu phố 5, khu phố 6 ai cũng vướng vô cảnh 2 dự án chồng vô 1 dự án thôi” – đài Á châu Tự do dẫn lời bà Nguyễn Thị Vỵ – một người dân quận Thủ Đức đang là nạn nhân của Ban bồi thường Quận Thủ Đức liên quan đến dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên.

Metro Bến Thành-Suối Tiên cũng là một cái tên sử dụng vốn ODA đang phát lộ nhiều khuất tất, dù chỉ mới ở thời kỳ giải tỏa bồi thường chứ chưa đi vào đấu thầu và thi công.

Sơ đồ tuyến Metro số 1. Ảnh: Dân trí.


Đánh tráo dự án!

Cuối tháng 7/2014, hàng trăm hộ dân đã tố cáo Ban bồi thường Quận Thủ Đức không những không công khai minh bạch dự án có nguồn vốn ODA mà còn che giấu, ban hành phương án và đơn giá đền bù cho các quyết định thu hồi nhà đất chồng chéo vào dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội. Một số đông trường hợp hộ dân trong dự án bị đánh tráo này được báo giới ở VN phản ảnh Ban bồi thường Quận Thủ Đức đền bù nhà đất với giá rẻ mạt, không thể tái thiết cuộc sống mà chỉ dẫn đến đói nghèo cơ cực.

Vẫn là chiêu trò cũ của những kẻ muốn “ăn đất”: lấy dự án này để bồi thường cho dự án khác, như một cách đánh tráo dự án, dĩ nhiên với số tiền đền bù của “dự án nội” là thấp hơn hẳn “dự án ngoại”.

Ông Phạm Văn Minh cho biết có đến 5 hộ trong gia đình ông bị cưỡng chế thu hồi nhà đất mà không được bồi thường giải tỏa theo dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên. “Chúng tôi cũng bị đánh tráo dự án. Chúng tôi cũng kiện ra tới tòa án 2 lần. Lần sơ thẩm thì bác đơn của chúng tôi và lần và lần thứ 2 cũng như vậy. Hiện giờ chúng tôi đang đi ở trọ. Nhà cửa, đất đai đã bị chính quyền địa phương quận Thủ Đức ban hành lệnh cưỡng chế” – ông Minh kể lại.

Vào lần này, nạn nhân cũng lại là các hộ dân nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng ở quận Thủ Đức – khối dân cư mà trước đây đã làm thành một con sóng khiếu kiện kéo dài liên quan đến nhiều bất công tại dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội.

Nhưng nếu như trước đây sự am hiểu về kiến thức pháp luật của người dân bị giải tỏa còn hạn chế, thì nay họ đã biết phải kiện tới đâu. Không chỉ khiếu nại tới các cơ quan chức năng Việt Nam, địa chỉ chính của đơn thư khiếu kiện được đưa đến Thủ tướng Nhật Bản và Quốc hội quốc gia này, thông qua các cơ quan đại diện chính phủ Nhật gồm Đại sứ quán Nhật Bản và Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại VN, cùng với cơ quan truyền thông báo chí – tờ The Yomiuri Shimbun, cũng như Japan International Cooperation Agency Nhật Bản (JICA) – cơ quan chịu trách nhiệm dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên.

Yomiuri Shimbun lại là tờ báo lớn nhất của Nhật Bản. Vào tháng 3/2014, tờ báo này đã đưa tin chủ tịch một công ty tư vấn ITC của Nhật thừa nhận hối lộ quan chức ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan 130 triệu yên Nhật, để giành hợp đồng tư vấn xây dựng đường sắt sử dụng vốn ODA Nhật Bản giai đoạn 2008-2012. Con số “sơ bộ” mà JTC khai đã đút lót cho quan chức Việt Nam là khoảng 1 triệu USD.

Ảnh: cafeBiz

Người Nhật nghĩ gì?

Không còn bị “bịt mắt” như nhiều trường hợp dân oan trước đây, vào lần này đơn tố cáo tập thể của người dân Thủ Đức đã được nâng cao hơn hẳn về mặt bằng pháp lý. Lá đơn này tố cáo Ban bồi thường Quận Thủ Đức không áp dụng chính sách dự án xây dựng tuyến Metro số 1, Bến Thành-Suối Tiên, có nguồn vốn ODA, mà tất cả hộ dân ở khu phố 1, 5 và 6 nằm trong danh sách đền bù giải tỏa thu hồi đất đai – nhà cửa bị đánh tráo sang dự án khác với phương án khác, trái với quy định pháp luật mà VN và Nhật Bản đã ký kết.

Xét theo “biện chứng lịch sử”, sự khởi đầu của dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên là chẳng khác mấy nhiều dự án giao thông sử dụng vốn ODA trước đây, tức bắt đầu bằng nhiều khuất tất trong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, sau đó đến những mập mờ trong công tác đấu thầu, và cuối cùng đường sá khánh thành chưa bao lâu đã xuống cấp tàn tệ.

Người Nhật nghĩ gì và phải có hành động nào trước vụ việc dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên?

Chúng ta hãy chờ xem phía Nhật tỏ thái độ ra sao khi họ là nhà tài trợ chính và đơn thư tố cáo lại được gửi tận địa chỉ của các cơ quan Nhật Bản.

Thế nhưng điều có vẻ đáng ngạc nhiên là sau vụ vụ việc JTC, vừa qua JICA vẫn tiếp tục nối lại việc cung cấp ODA cho phía Việt Nam, bất chấp quá nhiều tai tiếng của giới quan chức và doanh nghiệp giao thông Việt Nam trong hành vi sử dụng nguồn vốn “trời cho” này, ít nhất từ năm 2008 – khi nổ ra vụ PMU18 với một Bùi Tiến Dũng dùng tiền tham nhũng từ ODA để tắm bia và chơi gái – cho đến nay.


Viết Lê Quân

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)