Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Bùi Văn Cường có ‘tự tay’ làm luận án tiến sĩ?

Nguyễn An

(VNTB) – Người tố cáo vụ đạo văn bị bắt giữ khẩn cấp và khởi tố, đang khiến dư luận hoài nghi về một đòn trấn áp nhằm ngăn ngừa răn đe các ý định tố cáo đạo văn khác làm lộ ra nhiều tiến sĩ dỏm.

Sau vụ bắt giữ này, lắm kẻ thở phào nhẹ nhõm!

Hoài nghi bản luận án tiến sĩ có tên đề tài “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng” là công trình của một tập thể, song chỉ đứng tên mỗi ông Bùi Văn Cường.

Ngờ vực trên xuất phát từ chuyện thời gian nào để ông Bùi Văn Cường tập trung vào nghiên cứu công trình khoa học chuyên sâu cho bảo vệ học vị tiến sĩ?

Ngày 12/4/2016, ông Bùi Văn Cường giữ chức Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngày 14/4/2016, ông Bùi Văn Cường được Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với số phiếu 100%, tại đại hội XII Công đoàn Việt Nam vào tháng 9 năm 2018, ông được đại hội bầu (bằng phiếu kín) tái cử Ban Chấp hành với số phiếu 99,98% và được Ban Chấp hành bầu tái cử Ủy viên Đoàn Chủ tịch và chức danh Chủ tịch với số phiếu 100%.

Chiều 19/7/2019, tại trụ sở làm việc Tỉnh uỷ Đắk Lắk, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trao Quyết định điều động, chỉ định của Bộ Chính trị đối với Bùi Văn Cường – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ nay giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Đắk Lắk.

Theo lời kể của phó giáo sư Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm quốc tế nghiên cứu và phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), Đại học Bách khoa Hà Nội, thì: “Bảo vệ tiến sĩ ở ta quy trình phải nói là ngặt nghèo nhất thế giới”.

Phó giáo sư Tạ Hải Tùng nêu ví dụ: “Cứ 6 tháng một lần lại phải seminar bảo vệ như bảo vệ tốt nghiệp. Trước khi kết thúc phải làm seminar cấp bộ môn để các thầy cô góp ý. Sửa luận án xong mới được nộp lên trường. Trung bình 4 năm mới xong, vậy là phải 8 – 9 buổi bảo vệ, cộng thêm 1 buổi bảo vệ đề cương”.

Chưa hết, vẫn theo phó giáo sư Tạ Hải Tùng, quy trình bảo vệ còn phải qua 3 bước. Bước 1 bảo vệ tại hội đồng cơ sở, nghiên cứu sinh phải bảo vệ luận án trước 2 phản biện, 5 ủy viên. Bước 2 là phản biện kín, trường sẽ “bí mật” gửi luận án đến cho 2 nhà khoa học phản biện, và 50 phiếu xin ý kiến nhận xét luận án tóm tắt của nghiên cứu sinh. Hai chuyên gia phản biện kín đồng ý, bản tóm tắt luận án được nhận về đủ 15 ý kiến thì quy trình bảo vệ mới được chuyển đến bước 3, tức là bảo vệ ở hội đồng cấp trường. Cũng lại 2 giáo viên phản biện, 5 ủy viên, cũng góp ý  rồi yêu cầu sửa chữa.

Do không phải gửi cho nhà khoa học nào họ cũng phản hồi, nên đơn vị đào tạo phải gửi bản tóm tắt đó tới nhiều hơn gấp 2 – 3 lần số lượng để đảm bảo thu về đủ 15 ý kiến nhận xét. Về nguyên tắc thì cơ sở đào tạo phải gửi bản tóm tắt nhận xét tới các nhà chuyên môn, nhưng nghiên cứu sinh muốn nhanh thì phải tự mình gửi đi, hoặc tự đến gặp người nhận xét để giục họ, nhờ họ gửi phản hồi.

“Yêu cầu này chúng tôi thấy rất hình thức. Bởi bản tóm tắt thì rất sơ lược, nên đọc xong thì các nhà khoa học cũng thường chỉ nhận xét một cách hình thức, cốt là giúp nghiên cứu sinh làm đúng thủ tục. Mặt khác, về nguyên tắc, những người được mời nhận xét phải là chuyên gia cùng ngành, nhưng Việt Nam mình cộng đồng khoa học thường mỏng, bé, nên chọn được toàn những người cùng ngành là khó vô cùng. Nên thành ra chỉ chọn một cách tương đối”, phó giáo sư Trần Minh Tiến, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, nhận xét.

Trên thực tế thì nội dung giữa luận án và bản tóm tắt có sự khác nhau rất lớn. Thậm chí có thể có việc nghiên cứu sinh làm luận án một đằng, bản tóm tắt thể hiện một nẻo. Với công việc nghiên cứu, nếu nhận xét trên bản tóm tắt thì dễ thành võ đoán, nhận xét không phù hợp với thực chất chất lượng luận án, đặt người nhận xét vào thế dễ bị rủi ro. Về cơ bản, yêu cầu này chỉ đáp ứng mỗi mục tiêu là kiểm tra được việc nghiên cứu sinh làm đề tài không trùng lặp với các đề tài đã có trong một ngành, chứ không thể nào nhận xét chất lượng luận án qua một bản tóm tắt được.

“Nếu suôn sẻ, nghiên cứu sinh có thể có bằng sau 4, 5 năm nhưng phải bằng toàn bộ sức chiến đấu, sự kiên trì, mồ hôi, nước mắt và nhiều khi cả máu nữa. Với một quá trình tôi luyện như vậy, thông thường một tiến sĩ sẽ có hiểu biết và tầm nhìn rộng hơn hẳn so với chính bản thân họ trước khi tiến hành nghiên cứu” – một tiến sĩ đề nghị không nêu tên, đã cho rằng trong vụ lùm xùm tố cáo ông tiến sĩ Bùi Văn Cường gian lận học thuật, nếu muốn làm sáng tỏ chỉ cần kiểm tra xem ông ấy có thật sự bỏ thời gian công sức cho đề tài luận án hay không?.

Nếu câu trả lời là “có”, thì cần xem tiếp là thời gian nào để ông cùng lúc sắm cả hai vai “Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, và “nghiên cứu sinh luận án tiến sĩ”?

Nếu câu trả lời là “không”, thì rất cần xem xét liệu ông ấy có phải là một thiên tài bẩm sinh trong ngành hàng hải?

Dù là câu trả lời nào, thì công luận xem ra vẫn khó tin về việc nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường đã ‘tự tay’ làm luận án tiến sĩ!

Tin bài liên quan:

VNTB – Tiến sĩ chân vịt Bùi Văn Cường có dám tranh luận lại?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lập pháp ở Việt Nam đang có vấn đề?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Sẽ lại có nhiều người bị bắt vì dám tố cáo bí thư Bùi Văn Cường?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo