Hà Nguyên
(VNTB) – Ông Đỗ Hữu Ca nói rằng ông không hề chi cho ai số tiền này
Khi nghỉ hưu, ông Đỗ Hữu Ca, một thiếu tướng công an, được cho là đã nhận của một doanh nghiệp hàng chục tỉ đồng và hứa “chạy án”.
Từ khóa “Đỗ Hữu Ca Đoàn Văn Vươn” trên bộ máy tìm kiếm Google, trong 0.38 giây cho ra kết quả khoảng 8.350.000 kết quả. Rất nhiều tờ báo nhà nước cùng đăng câu chuyện gọi là, “Ba năm sau khi mãn hạn tù, ông Đoàn Văn Vươn nhận lời gặp thiếu tướng Đỗ Hữu Ca. Hôm đó, buổi trò chuyện kéo dài khá lâu, trong tâm thế cởi mở”.
Khi dân chúng được xem là quân thù để “đánh đẹp”?
Năm 2012, cho rằng ông Vươn không tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi hơn 19ha đất đầm, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế. Sáng 5-1-2012, khi một tổ công tác đi vào khu đầm, người nhà ông Vươn nổ súng chống đối làm 7 công an, quân nhân bị thương.
Hai anh em ông Vươn và Quý mỗi người bị phạt 5 năm tù về tội “Giết người”. Một số người liên quan đến vụ việc như vợ, con, anh, em họ cũng bị tuyên án tù án treo đến 33 tháng tù giam.
Trong vụ việc cưỡng chế trên, trực tiếp ‘cầm quân’ là Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, và sau vụ cưỡng chế đó, ông Ca nói đó là “trận đánh đẹp, có thể ghi thành sách”.
Thời điểm đó, về sau báo chí dẫn lời ông Ca: “Vụ việc hôm ấy tuy không bắt được đối tượng (tức Đoàn Văn Vươn) nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách…”.
Đỗ Hữu Ca được ông Trần Đại Quang, khi còn làm bộ trưởng Công an, phong quân hàm thiếu tướng hồi tháng Bảy, 2014, chỉ vài tuần trước phiên xử phúc thẩm ông Đoàn Văn Vươn.
Đỗ Hữu Ca là tay lừa đảo có quân hàm thiếu tướng?
Giờ thì thiếu tướng Đỗ Hữu Ca xộ khám, và mạng xã hội cho rằng đây là “luật nhân quả” cho “trận đánh đẹp” ở Tiên Lãng mấy năm trước.
Người viết cho rằng khi cảm xúc với ít nhiều phấn khích trong chuyện tướng Đỗ Hữu Ca vướng vòng lao lý lắng xuống, thì dường như ngẫm lại sẽ thấy tình tiết vụ án tính đến hiện tại là một kịch bản lớp lang, hàm ý không chút giấu giếm về việc ‘nắn gân’ nhau giữa các phe nhóm trong chính nội bộ đảng.
Tin tức từ phía công an đưa ra cho báo chí, thì quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Đỗ Hữu Ca không nhớ số tiền đã nhận là bao nhiêu, nhưng qua đấu tranh và xác minh từ những người liên quan, bước đầu công an xác định số tiền tướng Ca đã nhận là 35 tỷ đồng. Khi Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, thực hiện các bước tố tụng thì ông Ca đã nộp lại số tiền.
Có cụm từ mà ít ai để ý: “những lần nhận tiền hứa “chạy án” cho Trương Xuân Đước của ông Đỗ Hữu Ca”.
Ông Đỗ Hữu Ca chỉ dừng lại ở lời “hứa chạy án”, và số tiền nhận được có thể được hiểu là “hiếu hỉ thù lao bồi dưỡng” cho các tiếp xúc cần thiết của quá trình gọi nôm na “chạy án”.
Ông Đỗ Hữu Ca nói rằng – theo cơ quan công an, thì ông không hề chi cho ai số tiền này, vì vậy nếu vụ án có tiến triển đến đâu, thì coi như các địa chỉ mà ông Đỗ Hữu Ca “quan hệ” đều khó thể cáo buộc họ trong chuyện “đưa – nhận hối lộ” để làm sai lệch nội dung vụ án theo hướng giảm nhẹ cho đương sự Trương Xuân Đước.
Tính đến hiện tại thì cũng khó cho cáo buộc bị can Đỗ Hữu Ca về khả năng phạm tội Tham ô tài sản theo quy định của Điều 353 Bộ luật hình sự. Bởi hành vi có dấu hiệu phạm tội của ông Ca được thực hiện khi ông ta không có chức vụ quyền hạn nữa.
Trong trường hợp trên, giả dụ bị can Đỗ Hữu Ca bị điều tra theo hướng của tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” quy định tại Điều 366 Bộ luật hình sự, xem ra cũng không dễ, vì vụ việc xảy ra khi ông đã nghỉ hưu. Thế nhưng chính tình tiết này lại đưa đến một nghi vấn rằng phải chăng thật sự có một thế lực ngầm đang điều hành những quan chức, viên chức từng là cộm cán của đảng trong việc tiếp tục lũng đoạn quốc gia?