VNTB – “Ông không hiểu biết ‘thanh tra’ ông hiểu biết” (*)

VNTB – “Ông không hiểu biết ‘thanh tra’ ông hiểu biết” (*)

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Phó tổng thanh tra chính phủ là không nhìn dược phẩm điều trị bằng đánh giá của người thầy thuốc

 

Danh mục thuốc sản xuất trong nước do Bộ Y tế ban hành vẫn đáp ứng yêu cầu điều trị, thế nhưng lại không được ưu tiên duyệt mua…

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa được công khai trên báo chí, thì đã phát hiện hàng loạt nhà thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bất thường khi đấu thầu thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Theo đó, kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin và thuốc phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM vừa được Phó tổng thanh tra Đặng Công Huẩn ký ban hành. Tổng số tiền chênh lệch của thiết bị và gói thầu có dấu hiệu nâng giá do Sở Y tế TP.HCM và nhiều bệnh viện làm chủ đầu tư lên đến gần 80 tỷ đồng.

Trong kết luận thanh tra, trách nhiệm của giám đốc Sở Y tế TP.HCM bị nhắc đến nhiều lần trong hàng loạt gói thầu mua sắm thiết bị, sinh phẩm phòng chống dịch. Kết quả thanh tra xác định chủ đầu tư của tất cả các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn bị kiểm tra đều “chưa làm đúng quy trình”. Việc này dẫn đến kéo dài thời gian mua sắm, không đáp ứng tính cấp bách trong chống dịch.

“Trách nhiệm thuộc về giám đốc Sở Y tế, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và người đứng đầu 14 đơn vị bị thanh tra”, kết luận nêu.

Thanh tra Chính phủ còn cho rằng Sở Y tế TP.HCM khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc đã không ưu tiên loại thuốc có trong danh mục thuốc sản xuất trong nước do Bộ Y tế ban hành mà vẫn đáp ứng yêu cầu điều trị. Sở đã chọn các mặt hàng thuốc nhập khẩu là không phù hợp quy định pháp luật. Trách nhiệm này cũng thuộc giám đốc sở và giám đốc 14 đơn vị có mua sắm thuốc chữa bệnh Covid-19.

Sở Y tế còn phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM thực hiện mua sắm thuốc bị kết luận là “chưa thực hiện đúng quy định”. Trách nhiệm cũng thuộc về giám đốc sở và giám đốc bệnh viện.

Ngoài ra, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và giám đốc hàng loạt bệnh viện như Từ Dũ, Nhi đồng TP, Nhi đồng 2, Trưng Vương, TP Thủ Đức… cũng phải chịu trách nhiệm vì sai phạm, thiếu sót trong các gói thầu mua sắm thiết bị chống dịch bị thanh tra chỉ ra.

“Khi xảy ra chuyện, nhiều vụ án chúng ta kết tội doanh nghiệp ăn lời cắt cổ, ăn trên xương máu của người dân như vụ kit test vừa rồi… nhưng thử hỏi chúng ta có căn cứ nào để xử phạt không? Nói là cao thì như thế nào là cao?”, bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên là Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ý kiến.

Dẫn thực tế trong lĩnh vực dược phẩm mình từng làm quản lý, bà Lan cho rằng, hệ thống nhà thuốc ở miền Nam Việt Nam trước 1975 là thống nhất từ bán sỉ tới bán lẻ có tỷ lệ lợi nhuận tối đa là 20%. Còn hiện nay không có quy định gì cả, trong khi đây mới là vấn đề cốt lõi.

“Nếu chúng ta đã có ý định để nhà nước can thiệp vào để quản lý thì phải quy định con số này. Tránh việc như bây giờ cứ mua, cứ đấu thầu, rồi một ngày cơ quan điều tra vào cuộc hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2 – 3 lần giá nhập hải quan… Nếu không có quy định thì cao gấp 10 lần cũng không thể nói là đắt được”, bà Lan nêu quan điểm.

Bà Lan cũng nêu thực trạng lâu nay chỉ quan tâm tới giá trần mà ít quan tâm tới giá sàn, tức giá tối thiểu. “Nếu giá sàn rẻ mạt chưa chắc đã là tốt”, bà Lan nói.

“Tôi từng chứng kiến có trường hợp đến chữa bệnh mỡ trong máu cao, một bệnh viện thuộc tuyến thành phố kê tiền đơn thuốc 1 tuần là 20.000 đồng. Tôi nghĩ không biết thuốc đó chữa cái gì. Thuốc bằng bột mì cũng không có giá đó. Vậy mà vẫn làm được”, đại biểu đoàn TP.HCM kể và cho biết, nếu để ý có thể thấy “các toa thuốc ở bệnh viện công và bệnh viện tư khác nhau, giữa khám dịch vụ với khám bảo hiểm còn khác nữa”.

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương cho biết, hiện nay các bệnh viện tốn rất nhiều công sức trong đấu thầu mua thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị. Theo bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, quanh năm suốt tháng cứ đấu thầu, thậm chí có cả những vật dụng của hành chính quản trị. Liệu rằng có nghĩ đến phương án bỏ đấu thầu không, bởi các nước châu Âu đã thực hiện rồi.

“Tại sao chúng ta cứ phải đi vào con đường đấu thầu, trong khi đó nếu ngay từ đầu vào chúng ta quản lý tốt về giá. Thí dụ, 1 loại thuốc đưa vào Việt Nam thì từ bắc chí nam đều mua 1 giá, tại sao không làm?”, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt câu hỏi.

Một bác sĩ ngoại khoa chia sẻ với người viết là ông không đồng ý với quan điểm của Phó tổng thanh tra Đặng Công Uẩn, khi ông Uẩn cho rằng khi “không ưu tiên loại thuốc có trong danh mục thuốc sản xuất trong nước do Bộ Y tế ban hành” trong đấu thầu thì đơn vị y tế đó sai phạm pháp luật.

“Mặt hàng y tế có đặc thù rất riêng so với mặt hàng khác vì tính chất cấp cứu của người bệnh, mô hình bệnh tật với những bệnh rất hiếm. Tôi không cho là thuốc đắt thì tốt, nhưng tôi chắc chắn rằng thuốc rẻ sẽ kém chất lượng, và cuối cùng bệnh nhân sẽ là người gánh chịu thiệt thòi.

Hiện nay, việc đấu thầu thuốc được chia theo từng nhóm thuốc, nhưng loay hoay một hồi cuối cùng trong từng nhóm cũng chọn thuốc rẻ nhất. Cùng một hoạt chất, thuốc của châu Âu, Mỹ thường giá sẽ cao hơn, chất lượng tốt hơn nên không thể cạnh tranh, trúng thầu với thuốc giá rẻ do các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất.

Khi không có thuốc tốt, bác sĩ sẽ thiếu vũ khí điều trị bệnh nhân, nhất là những ca bệnh nặng. Chúng ta cũng chưa có những đánh giá, rằng thuốc rẻ vào bệnh viện bằng mọi giá thì có làm tăng ngày điều trị, làm bệnh nặng hơn hay không.

Điều này sẽ dẫn đến nghịch lý gì? Những thuốc giá thấp sẽ tập trung cho người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế, trong khi mặt hàng thuốc với chất lượng, giá cả hợp lý hơn thì hiện diện ngoài thị trường và người dân phải tự mua. Ở một mặt nào đó, việc này bào mòn ý nghĩa của bảo hiểm y tế, người dân sẽ nghĩ cứ thuốc rẻ, thuốc dở là thuốc bảo hiểm.

Sai lầm ở đây của ông Phó tổng thanh tra chính phủ là không nhìn dược phẩm điều trị bằng đánh giá của người thầy thuốc…” – vị bác sĩ ngoại khoa kể trên, nhìn nhận.

 

(*) “Phải tránh trường hợp anh dốt hơn đánh giá anh giỏi hơn hay sợ nhất ông không hiểu biết đánh giá ông hiểu biết” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu về một số nội dung của dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 14/12/2022.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Hay..hay..Ông dốt đánh giá ông giỏi hơn…ông dốt làm lảnh đạo,ông giỏi hơn làm cu li…ông dốt luôn đúng,ông giỏi hơn luôn sai,luôn sợ…nghịch lý đang tồn tại làm đảo lộn quy trình phát triển đất nước:có thay đổi được không?một câu hỏi khó.