VNTB – Ông Nguyễn Bá Thanh: cớ sao gọi là “tượng đài cát”?

VNTB – Ông Nguyễn Bá Thanh: cớ sao gọi là “tượng đài cát”?
Phạm Minh Thế
(VNTB) – Vì sao người Đà Nẵng “kính yêu” ông Nguyễn Bá Thành, vì ông có lối chia sẻ đậm chất Quảng trong các kỳ trả lời chấp vấn và tiếp xúc cử tri? Vì ông đặt dấu ấn cho những cây cầu nối liền “bên ni – bên tê sông Hàn”, hay vì chính sách “chiếm công – vi tư” nhưng lại trên cơ sở người dân còn được hưởng lợi?

Năm 2015, ông Nguyễn Bá Thanh mất sau thời gian lâm bệnh nặng.

Năm 2016, trong lễ giỗ đầu của ông, lãnh đạo Tp. Đà Nẵng đã có mặt tham dự. Một cuốn sách về cuộc đời ông cũng được xuất bản, và thậm chí có đề xuất đặt tên đường mang tên vị Bí thư thành ủy thành phố này.

Vì sao người Đà Nẵng “kính yêu” ông Nguyễn Bá Thành, vì ông có lối chia sẻ đậm chất Quảng trong các kỳ trả lời chấp vấn và tiếp xúc cử tri? Vì ông đặt dấu ấn cho những cây cầu nối liền “bên ni – bên tê sông Hàn”, hay vì chính sách “chiếm công – vi tư” nhưng lại trên cơ sở người dân còn được hưởng lợi?

Tất cả đều đúng. Không thể ví von ông Nguyễn Bá Thanh như một tượng đài cát, bởi ông vẫn sẽ còn tồn tại trong tâm thức người dân Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như một Bí thư, Chủ tịch Tp. Đà Nẵng “dám nghĩ, dám làm” – cái tố chất nổi bật trong một hệ thống cơ chế gắn với dàn lãnh đạo “chăm chỉ ăn, lười biếng làm”.

Đó là lý do vì sao, người viết không tán đồng với sự hờn trách “chính dân chúng ta đã thờ ơ với vai trò giám sát chính quyền và mê muội, sùng bái cá nhân” như một bài viết của Facebooker Le Trong Vu đề ra.

Cơ chế tạo nên Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Bá Thanh mang đậm nét cơ chế, nhưng pha chút đổi mới và dân túy. Đó là lý do vì sao, bệnh viện ung bưới mọc lên để giải quyết vấn nạn bệnh nan y này cho trục miền trung, miễn phí chạy thận cho dân nghèo, thậm chí “dân túy” đến mức không có tiền gửi xe tại các cơ quan công quyền.

Đà Nẵng “phát triển” nhờ vào hệ thống phân lô bán nền dọc tuyến bờ biển (nay là trục đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa kéo từ bến thuyền Thọ Quang đến tiếp giáp thị xã Điện Bàn của Quảng Nam). Nhà hàng, khách sạn mọc lên chắn gần như toàn bộ bờ biển phía quận 3 của thành phố, tuy nhiên, yếu tố đó lại là bộ phận phát triển của dịch vụ du lịch, cải tạo toàn bộ khu vùng chài cá của thành phố thành nơi phát triển. Bản thân thành phố này định hướng du lịch – nghỉ dưỡng, và du lịch biển trở thành thế mạnh của thành phố này. Chuỗi phát triển kinh tế thì dịch vụ – du lịch nằm giai đoạn sau nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp.

Vào năm 2013, trách nhiệm làm thất thoát hơn 3.400 tỷ tiền đất đã được Thanh tra Chính phủ đặt ra với ông Nguyễn Bá Thanh, thời điểm ông ra Ban Nội chính Trung ương. Ông Thanh lúc tiếp xúc cử tri đã lý giải, đại ý đó là sự khác biệt của cách nhìn, và nếu “nhìn nhận cách làm năng động của Đà Nẵng là giảm 10% tiền đất cho người dân, doanh nghiệp (nếu nộp tiền trong vòng 60 ngày) để huy động nguồn lực một cách nhanh nhất, nhiều nhất cho phát triển thành phố.” 10% này so với mức dành cho doanh nghiệp thấp hơn, tuy nhiên giảm % tiền đất cho người dân đã tạo cơ sở cho tái định cư, và cung nhà ở cho người lao động.

Đó cũng là một lý do khiến một bộ phận không nhỏ người dân Đà Nẵng có một tình cảm đủ tốt dành cho ông Nguyễn Bá Thanh trước, trong và sau khi mất.

Hãy đặt câu chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh vào trong cơ chế hiện tại, những người như ông Nguyễn Bá Thanh được trung hòa bởi “ăn được, làm được”, dù mức độ ăn có thể cũng tinh vi và quy mô không hề nhỏ so với các quan hiện tại. Một cơ chế quyền lực sẽ làm tha hóa con người, và ông Nguyễn Bá Thanh suy cho cùng cũng nằm trong quỹ đạo tha hóa đó. Chúng ta sẽ không chấp nhận sự tha hóa đó, cũng như quỹ đạo, và trong khi chưa thể làm được gì hơn, thì chúng ta cũng không thể ví “tượng đài cát” đối với cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh và tìm mọi cách đổ lỗi cho sự thờ ơ vai trò giám sát của người dân hay bệnh sùng bái cá nhân. Điều này là thoát ly thực tế, bởi lẽ, cơ chế giám sát qua Hội đồng nhân dân các cấp thiếu hiệu quả, và khi không thay đổi được cơ chế giám sát hình thức này, sẽ vĩnh viễn không thể có được sự giám sát nào đặt ra cả. Giám sát không có, thì dân túy vẫn còn cơ hội sinh sôi. Đó là chưa kể đến việc nhấn mạnh “tội trạng” của ông Nguyễn Bá Thanh, người đã mất sẽ phủ nhận sạch trơn “công trạng” của ông ta, và điều này là một xu hướng gió đảo chiều, thay vì công tâm, khách quan trong nhìn nhận.

Phải thừa nhận rằng, khi quỹ đất được phân lô bán nền cho các chủ doanh nghiệp lớn, và “bán đất lấy hạ tầng” đã khiến nguồn ngân sách thất thu không ít, quỹ đất dành cho giáo dục – y tế và cơ sở công – nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể. Nếu chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” được thực hiện nghiêm túc hơn, và có điểm dừng, phân bổ nguồn thu được vào trong xây dựng mảng công nghệ, tài chính, thương mại thì có lẽ, đó sẽ là một cột mốc của phát triển. Có vẻ, điều này sẽ sớm được khắc phục khi vào năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng – TBT ĐCSVN đã ký ban hành Nghị quyết số 43NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đang tạo cơ sở cho chính quyền Đà Nẵng hậu Bá Thanh xây dựng trung tâm tài chính – thương mại và công nghệ. Tất nhiên, phải có một cơ chế đủ mở và tiến bộ để hình thành những nhân sự thực hiện đủ tiến bộ về tâm lẫn tầm trong thực hiện chính sách phát triển cho thành phố biển này.

 

*Bài viết do tác giả Phạm Minh Thế – một người dân Đà Nẵng – gửi đến Việt nam Thời Báo và thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)