Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Nguyễn Tấn Dũng rút lui đánh dấu sự hoàn tất thỏa hiệp “thống nhất trong Đảng”?

Lê Kiên (VNTB) Chiều ngày 25.01, truyền thông trong nước đưa tin về việc, Tổng bí thư ĐCSVN – ông Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đoàn Chủ tịch thông báo kết quả bỏ phiếu của Đại hội về việc quyết định xem các trường hợp Ủy viên Trung ương khóa XI được đại biểu đề cử bổ sung tại Đại hội có được rút hay không. Theo đó, “Đại hội đã bỏ phiếu quá bán, đồng ý với đơn xin từ chối nhận đề cử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.”

“Trong Đảng thì không thể xin rút là động tác giả”

Riêng trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng, báo Tuổi Trẻ đưa tựa đề, “Đại hội XII: Thủ tướng không có tên trong danh sách bầu cử”.

Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng
Ông Dũng được cho là nhân vật dẫn đầu phe “cải cách” và là người chạy đua chức vụ Tổng Bí thư trong kỳ ĐH XII này. Đối thủ của ông là Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng, một giáo sư chuyên ngành Xây dựng đảng, người được cho là thân Trung Quốc.

Trước thềm Đại hội, ông Thủ tướng đã quyết định không tái cử, tuy nhiên, ngay sau đó, theo thông tin ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương ĐCSVN cho báo giới trong nước biết thì, ông Dũng lại nằm trong danh sách hơn 60 người được các đoàn đề cử chiều 24.01. Nhưng ông đồng thời cũng nhấn mạnh quan điểm, nếu “ai xin rút thì để họ rút”, vì theo ông, Việt Nam không thiếu cán bộ, quan trọng hơn là “trong Đảng thì không thể xin rút là động tác giả mà là thực chất”.

Với kết quả bỏ phiếu kín được thông báo vào chiều 25.01, con đường đến chức vụ Tổng bí thư của ông Dũng đã khép trở lại. Đồng thời, mở ra việc tiếp tục tại vị của ông Nguyễn Phú Trọng trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo.

“Ra đi để giữ sự thống nhất trong Đảng”

Liên quan đến việc bầu cử các trường hợp đặc biệt lần này, Thượng tướng Võ Tiến Trung – Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng được nhiều báo trong và ngoài nước trích dẫn khi đề cập đến ông Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, “việc giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại là mang tính kế thừa, giữ vững ổn định chính trị và nhất là giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng.”

Hãng tin AP trong tin chiều tối ngày 25.01, cũng nhấn mạnh, sự ra đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính là “một sự thỏa hiệp để cho thấy tính thống nhất trong Đảng”.

Tính thống nhất trong Đảng được coi là nguyên tắc cơ bản, mang tính sống còn trong xây dựng Đảng CSVN,dựa trên hai yếu tố là thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình.

Kinh tế tiếp tục cải cách… dù chậm

Sự rút lui của ông Dũng lần này không có nghĩa là các cuộc cải cách kinh tế sẽ bị trì hoãn hay Việt Nam sẽ đầu hàng trước sự quyết đoán chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, cũng theo hãng tin AP cho hay.

“Dường như không có một khoảng cách đáng kể nào về mặt ý thức hệ giữa ông Trọng và ông Dũng, mặc dù hầu hết mọi người tin rằng tốc độ cải cách kinh tế có thể chậm một chút trong hoàn cảnh hiện tại,” Murray Hiebert, một chuyên gia về Đông Nam Á được AP trích dẫn lời.

Dàn nhân sự được cho là “dự kiến” sau ĐH Đảng XII: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tin bài liên quan:

VNTB – Biếm họa Chủ nhật: lương 2.000 đô cho ông Tổng

Phan Thanh Hung

Vấn đề nhân sự trong Hôi nghị Trung ương 11

Phan Thanh Hung

VNTB – Dân ta chưa bao giờ được sống trong bầu “không khí dân chủ như hiện nay”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.