Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Nguyễn Văn Nên bằng cấp học vấn tới đâu?

Mai Lan

 

(VNTB) – Nếu muốn cơ cấu ông Nên lên cấp cao hơn, thì rất cần làm rõ về lý lịch học vấn của ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

 

Thời gian đâu để đi học chính quy?

Theo trang web báo điện tử Chính phủ, sáng 14/11/2013, Quốc hội đã phê chuẩn ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thay ông Vũ Đức Đam vừa được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trang web này cho biết ‘tóm tắt tiểu sử’ của ông Nguyễn Văn Nên như sau:

“Sinh ngày: 14/7/1957. Quê quán: Tây Ninh. Học vị: Cử nhân Luật. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.

Tháng 4/1975 – 9/1985: Chiến sỹ Cảnh sát hình sự;  Đội trưởng hình sự Công an huyện Gò Dầu; Tháng 10/1985  – 12/1987: Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ, Phó trưởng Công an huyện Gò Dầu; Tháng 01/1988 – 2/1989: Quyền Trưởng Công an huyện  Gò Dầu; Tháng 3/1989 – 12/1991: Ủy viên Thường vụ, Trưởng Công an huyện Gò Dầu; Tháng 01/1992 – 4/1996: Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gò Dầu; Tháng 4/1996 – 8/1999: Tỉnh ủy viên, Bí  thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gò Dầu;

Tháng 8/1999 – 01/2001: Tỉnh ủy viên, Trưởng ban, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Tây Ninh; Tháng 2/2001 – 5/2004: Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh; Tháng 6/2004-1/2005: Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh, kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe; Tháng 2/2005-3/2006: Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh; Tháng 3/2006-8/2010: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ  tịch UBND tỉnh Tây Ninh; Tháng 9/2010-7/2011: Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh;

Tháng 7/2011-2/2013: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Từ tháng 3/2013: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ngày 14/11/2013, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ” (*)

Vậy lịch trình dày đặc cho các công việc như trên, thì thời gian nào để ông Nguyễn Văn Nên theo học các khóa đào tạo đại học hệ tại chức?

Ông Nguyễn Văn Nên có học hàm ra sao?

Dòng lý lịch về học vị ghi vỏn vẹn “Cử nhân Luật” chưa thể nói lên điều gì về trình độ học thuật, bởi cần phải biết rõ là ông Nguyễn Văn Nên được đào tạo chuyên ngành hẹp thế nào, luận văn tốt nghiệp đề tài ra sao? Hơn thế nữa, việc học tiếp sau đại học ở ông Nguyễn Văn Nên, đã giúp ông có học hàm thạc sĩ, phó tiến sĩ, hay tiến sĩ?

Cũng từ lý lịch kể trên, nhiều khả năng ông học chương trình bổ túc văn hóa cấp 3, sau đó là ghi danh theo hệ đào tạo tại chức của Đại học An ninh nhân dân thông qua một chương trình liên kết với tỉnh Tây Ninh. Trên thực tế thì đây là một hình thức đào tạo của Đại học An ninh nhân dân, nhằm để đáp ứng phần thủ tục hành chánh về bằng cấp trên bước đường ‘thăng quan’ của đảng viên trong lực lượng công an.

Sở dĩ bài viết này đặt ‘nặng’ vấn đề bằng cấp học vấn, vì đây là một trong những thủ tục bắt buộc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tại Quy định số 214-QĐ/TW, ký ban hành ngày 02-1-2020, về “quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.

Tại phần I.1.3 của văn bản số 214-QĐ/TW, ghi: “Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp”.

Như vậy, cho đến nay vẫn chưa rõ ông Nguyễn Văn Nên có “tốt nghiệp đại học trở lên” hay chưa? Đáng chú ý là ở Quy định số 214-QĐ/TW, phần tiêu chuẩn chức danh cụ thể, ở thứ tự “2.19. Chức danh khối tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, ghi rằng để được làm Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, thì phải đáp ứng tất cả các yêu cầu cụ thể sau đây:

“Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ, có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong ban chấp hành, ban thường vụ và đảng bộ, không cục bộ địa phương và lợi ích nhóm.

Có trình độ, kiến thức toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, … và nắm chắc tình hình chung của địa phương và của đất nước. Có quyết tâm chính trị cao, quyết đoán, quyết liệt để quyết định xử lý những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến địa phương. Am hiểu sâu rộng về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng và hoạt động của hệ thống chính trị.

Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào việc hoạch định chiến lược xây dựng, phát triển và lãnh đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả ở địa phương. Có năng lực chỉ đạo tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện và đề xuất với Trung ương những chủ trương, cơ chế, chính sách và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn địa phương.

Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (bí thư, phó bí thư cấp uỷ cấp huyện, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện) và kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ phó bí thư cấp uỷ cấp tỉnh hoặc tương đương”.

Ông Nguyễn Văn Nên am tường tình hình gì của TP.HCM?

Với các quy định liệt kê ở trên, dễ dàng nhận rõ là ông Nguyễn Văn Nên không thể nào đáp ứng yêu cầu nắm chắc tình hình chung của địa phương thành phố Hồ Chí Minh, vì trước ngày được điều động vào ghế Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng – nghĩa là ông Nên rất am tường tính nết của ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng…

Một dẫn chứng: Hôm 29-12-2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có văn bản đề nghị trước ngày 18-1-2021, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy sắp xếp, thành lập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội của 3 quận để thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội của TP Thủ Đức. Từ đó, Thành ủy TP.HCM sẽ chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư Thành ủy và Thành ủy viên của TP Thủ Đức.

Đến ngày 2-1-2021, trong văn bản điều chỉnh của UBND TP.HCM yêu cầu sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy mới của TP Thủ Đức và phải chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy Thủ Đức, trước ngày 8-1-2021.

Tuy nhiên đến khi bộ máy hành chánh của TP. Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22-1-2021, thì TP. Thủ Đức vẫn chưa có Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy Thủ Đức. Sự tắc trách này thuộc về Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Và điều đó nếu căn cứ Quy định số 214-QĐ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành, thì ông Nguyễn Văn Nên không đủ tiêu chuẩn để ‘trúng’ vào Bộ Chính trị khóa XIII.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ai sẽ là Tân Chủ tịch nước?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Hồ Mẫu Ngoạt có là ‘cú đổ domino’ khiến ông Tổng bí thư rời chính trường?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Một quyết định được lòng dân của ‘hệ thống chính trị’ TP.HCM

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.