Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Tạ những ngày trước 30-4-1975

Cù Mai Công

Bài 1: Ông Tạ những ngày trước 30-4-1975

 

Tháng 4-1975, như Sài Gòn – Gia Định, Ông Tạ – “thủ phủ” Bắc di cư 54 của Sài Gòn, thậm chí cả miền Nam – căng thẳng theo tin chiến sự dồn dập. Ngay mấy đứa nhóc cũng phải chú ý khi cha mẹ, anh em, hàng xóm… ai cũng chỉ nói chuyện này. Đi học, bạn bè cũng toàn chuyện thời sự, dù mới lớp Sáu, lớp Bảy…

Có một điều gì đó “long trời lở đất” sắp xảy ra!

Nhưng bom đạn tháng 4-1975 thật sự hiện ra sờ sờ trong mắt chúng tôi là sáng 8-4-1975. Năm đó tôi học lớp Bảy trường trung học Tân Bình (nay là trường Nguyễn Thượng Hiền) ở ngã tư Bảy Hiền. Khối lớp Sáu, Bảy học buổi chiều. Buổi sáng bình yên không còn khi nghe tin máy bay ném bom Dinh Độc Lập. Khu tôi ở nhiều nhà 2, 3, 4 tầng. Sân thượng nhà nào cũng đầy người coi máy bay của phi công Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập và súng phòng không của đơn vị phòng thủ Sài Gòn bắn lên chớp nhóa bầu trời nhưng hình như… không trúng viên nào. Người lớn bàn lung tung, có người nói đảo chính – do liên tiếp các tỉnh thành miền Nam thất thủ, nhiều người muốn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, biểu tình um sùm. Nhưng ông vẫn yên vị.

Tuy nhiên, các trường vẫn học bình thường dù rạng sáng hôm sau, 9-4, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bắt đầu tấn công “cánh cửa thép Xuân Lộc” bằng “tiền pháo hậu xung”: pháo kích các mục tiêu trong thị xã suốt một tiếng đồng hồ, sau đó các mũi bộ binh tiến lên. Báo chí Sài Gòn liên tục đưa tin về trận chiến ở mặt trận vốn cũng nhiều người Bắc 54 này. Thiếu tướng quân đội Sài Gòn Lê Minh Đảo “thề tử thủ”.

Nhà ông Đảo lúc đó trong khu cư xá Sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) vùng Ông Tạ. Ông Đảo không phải dân Công giáo. Không rõ khu vực Bắc 54 Công giáo Ông Tạ có ít nhiều ảnh hưởng đến ông hay không, chỉ biết là ông đã được một linh mục trong cùng trại Z.30D ở Hàm Tân (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) rửa tội khi cải tạo ở đây. Sau 1975, tôi đi qua đây, thỉnh thoảng thấy vợ ông đang cùng bà con trong xóm chung tay quét dọn khu phố.

Trưa 18-4-1975, Quân Giải phóng làm chủ thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận. Đại sứ Mỹ Martin mật báo về Washington: “Các đơn vị đối phương đang hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng chính phủ (Việt Nam Cộng hòa) rất nhiều…”.

Nhiều gia đình có người thân ở Ông Tạ chạy về Ông Tạ “tị nạn chiến cuộc”. Ngay gia đình anh ruột tôi ở Chợ Lầu, Bắc Bình, Phan Thiết chạy về nhà tôi. Gia đình bác họ tôi là bác Viết ở Gia Kiệm, kế cận Xuân Lộc, cũng chạy về nhà tôi. Nhà tôi lúc đó buôn bán gạo. Khi súng đạn càng lúc càng nhiều hơn, cả nhà chất cả trăm bao gạo loại một tạ đựng trong bao bố gai thành một căn hầm để phòng ngừa pháo kích – chuyện chưa từng xảy ra ở Ông Tạ từ năm 1954, kể cả Tết Mậu Thân 1968. Ông Tạ không còn là vùng đất “phi chiến địa”.

“Cánh cửa thép Xuân Lộc” trụ được ít ngày, nhen nhóm hy vọng giữ được Sài Gòn với nhiều thiệt hại nặng nề cho cả hai bên thì sáng 21-4 cũng bị bật tung. Tuyến phòng thủ cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Xuân Lộc tan rã. Các lực lượng còn lại rút lui về Sài Gòn lập phòng tuyến mới. Chính quyền Mỹ bắt đầu di tản người Mỹ và nhân viên, gia đình người Việt làm ở các hãng, sở Mỹ ở Sài Gòn.

1. Chiến sự càng lúc càng nóng và đám con nít chúng tôi cũng bắt đầu đọc ké báo người lớn như Chính Luận, Trắng Đen… chứ không chỉ Thiếu Nhi, Tuổi Hoa… như trước. Khoảng 25, 26 – 4 gì đó, một tờ báo (hình như Chính Luận – thân chính phủ) đăng một tin chấn động (tôi nhớ mài mại): “Hai phe Lê Duẩn – Trường Chinh đánh nhau lớn, 100 ngàn quân Bắc Việt kéo về Bắc” (thật ra là tin giả).

Ngay sau đó, hàng loạt sự kiện dồn dập mà con nít cũng phải trải qua khi các trường khu Ông Tạ cho học sinh nghỉ vô thời hạn. Một số bạn bè lớp Bảy trường Tân Bình của tôi cũng thất lạc nhau cho tới giờ. Một số giấy tờ ghi danh đi Mỹ mà lúc đó còn con nít, tôi không rõ thuộc tổ chức nào được phát ở khu Ông Tạ. Anh tôi năm đó 18 tuổi xé bỏ. Tối 21-4, cả nhà tôi ngồi coi tivi một cuộc họp nội các của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Dinh Độc Lập; truyền hình, truyền thanh trực tiếp. Tại đây, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức khá dài. Ba tôi chăm chú nghe còn tôi, một thẳng nhóc thật sự rất ngán. Tôi chỉ còn nhớ mấy câu ông Thiệu chửi Mỹ, thách Mỹ rồi tuyên bố “Dù mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ…”. Nhưng bốn ngày sau, đêm 25-4-1975, ông Thiệu đã lên máy bay đi Đài Loan phúng điếu cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch (đã qua đời trước đó ba tuần) rồi định cư ở nước ngoài luôn.

Cùng đi với ông Thiệu là đại tướng Trần Thiện Khiêm, trước đó 20 ngày còn là thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Hai ông này có vẻ thân nhau, có lẽ một phần do cùng ở khu cư xá Sĩ quan Trần Hưng Đạo xéo đầu đường Thoại Ngọc Hầu hồi đầu thập niên 1960, khi cả hai cùng cấp bậc đại tá.

Khi ở đây, hai phu nhân của hai ông thường ngồi chung xích lô theo đường Trương Quốc Dung – Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) – Thoại Ngọc Hầu đi chợ Ông Tạ. Khi không ở đây nữa, ông Khiêm và gia đình về khu cư xá Tự Do – xéo hồ tắm Cộng hòa cho đến lúc ra đi. Phu nhân ông Thiệu là bà Nguyễn Thị Mai Anh và phu nhân ông Khiêm là bà Đinh Thủy Yến thân đến mức năm 1972, một người Mỹ làm việc tại Việt Nam đã xin phép lấy tên hai bà đặt cho hai giống lan: Brassolaeliocattleya Mai Anh, Brassolaeliocattleya Dinh Thuy Yen. Chị bà Yến là giám thị trường Ngô Sĩ Liên, cô Đinh Thủy Thanh. Nhà cô Thanh ở ở 44 Huỳnh Quang Tiên (nay là chung cư trên đường Đặng Văn Ngữ). Hồi 1972, hai chị em bà Thanh và bà Yến tặng 5.000 bao xi măng xây dãy nhà bốn tầng cho trường Ngô Sĩ Liên. Trước đó, 1971, bà Mai Anh cũng xây một bệnh viện lớn ở Ông Tạ là bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất).

Thay vào quyết tâm của ông Thiệu là ông tướng “râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ (vốn là phó tổng thống của ông Thiệu nhiệm kỳ 1967-1971) sau mấy năm liền im hơi lặng tiếng bỗng dưng ngày 25-4 xuất hiện ở sân đền thánh Phêrô Thi của giáo xứ Lộc Hưng, Ông Tạ. Ông Kỳ không xa lạ với nơi này vì đây là khu vực nhiều bà con Bắc 54 Sơn Tây quê ông và ông có nhiều người thân quen ở đây. Cánh đồng trồng rau trước nhà thờ hồi đó gọi là “Cánh đồng Sơn Tây” (giờ gọi là “Vườn rau Lộc Hưng”). Thậm chí hồi năm 1965, khi làm chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (một hình thức của thủ tướng), ông ngay lập tức bổ nhiệm một người thân hay cùng quê gì đó của ông là ông giáo Cảnh, hiệu trưởng trường tiểu học Fatima trong giáo xứ Sao Mai làm hiệu trưởng trường Quốc gia Nghĩa tử.

Bà con Ông Tạ, người lớn lẫn con nít kéo đi nghe ông Kỳ nói chuyện tử thủ gì đó với đồng bào. Tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng ông Kỳ nói (đại ý): “Sang Mỹ làm gì, ăn bơ sữa ba ngày ỉa chảy té re té tỏng”. Ông bảo: Phụ nữ và trẻ con sẽ được đưa ra đảo Phú Quốc, dân Sài Gòn sẽ ở lại chiến đấu. Ông còn tuyên bố Sài Gòn sẽ trở thành một Leningrad thứ hai, nơi quân dân Nga đã cầm cự 900 ngày trong vòng vây hãm của Đức. Việc phân phối vũ khí sẽ làm ngay, mọi người nên ở lại Sài Gòn.

6.000 bà con Ông Tạ, đa số dân Lộc Hưng nghe, vỗ tay rầm rầm. Dè đâu, cũng như ông Thiệu, bốn ngày sau, 29-4-1975, ông Kỳ cũng lên máy bay bay đi nước ngoài – khi phi trường Tân Sơn Nhứt của vị tướng vốn từng cầm đầu Không lực Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ bắt đầu bị pháo kích dữ dội từ chiều 29-4 đến rạng sáng 30-4-1975. (Sau này, tại một buổi đối thoại, truyền hình trực tiếp bên Mỹ, một nhà báo vốn dân Nghĩa Hòa là Bùi Văn Phú đặt câu hỏi với ông Kỳ về chuyện thất hứa này, ông Kỳ trả lời: “Anh muốn tôi chết à?”).

Trước đó một ngày, chiều 28-4, Phi cảng Tân Sơn Nhứt đã bị phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu một phi đội A-37 gồm ba chiếc tấn công.

Từ sau khi ông Thiệu từ chức cho đến 28, 29-4, hàng trăm gia đình ở khu Ông Tạ có người thân làm ở các sở, hãng Mỹ như DAO (Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ), hàng không… được sở, hãng mình tổ chức đi Mỹ bằng đường hàng không. Xe buýt Mỹ hàng ngày đưa đón họ đi làm giờ cũng đón họ đối diện ngã ba Thoại Ngọc Hầu – Võ Tánh, trước Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa (nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7), để ra phi trường Tân Sơn Nhất. Bắt đầu còn rải rác, nhưng càng sát ngày 30-4, nhiều nhóm đi bộ, mang vác hành lý cá nhân gọn nhẹ từ ngã ba Ông Tạ theo đường Thoại Ngọc Hầu qua nhà tôi ra chỗ xe buýt Mỹ đón nhiều hơn. Tôi thấy nhiều người lớn rân rấn nước mắt khi phải chia tay với Ông Tạ. Quê hương của họ cụ thể là Ông Tạ, nơi họ gầy dựng từ đầm lầy, kinh rạch, mồ mả… trở nên sầm uất, thịnh vượng.

Đó là những gia đình ra đi chính thức và có tổ chức. Nhiều gia đình khu Ông Tạ đi theo diện… “tùy nghi di tản”. Hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư tham gia Hải chiến Hoàng Sa là Vũ Hữu San ở ngõ Con Mắt đưa toàn bộ gia đình cha mẹ, con cái lên tàu ở bến Bạch Đằng rời Việt Nam chiều 29-4, không sót một ai. Các con và cháu cụ Phương làng Chiền, cựu trưởng ty Phước Lễ – Bà Rịa ở cuối đường Thánh Mẫu đi theo con trai cả cụ Phương, thẩm phán Trần An Bài (riêng hai ông bà cụ Phương ở lại với Ông Tạ, không đi). Cả gia đình nhà may Lâm Đại chuyên may âu phục Nam, đối diện xéo bên kia đường là phòng khám Ông Tạ đi cả nhà trước 30-4 vài hôm; trong đó có gia đình anh con trai là Đăng đi cùng vợ là chị Dung, trực điện thoại (telephonist) của nhà sách Khai Trí ở 62 Lê Lợi, quận Nhứt cùng các con là Đăng, Chiêu…

Chiều tối 29-4 và rạng sáng 30-4, nhiều máy bay trực thăng đã vội vã đáp xuống khu Ông Tạ rước người thân di tản. Nhiều cánh máy bay trực thăng kêu phành phạch ở khu “Cánh đồng Sơn Tây”. Có chiếc ở gần Lăng Cha Cả, trên đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), va cánh vào nhà bên cạnh, “chết đứng” ở đó suốt mấy tháng sau 1975. Ngôi nhà này hiện vẫn còn khá nguyên vẹn như hồi 1975. Cạnh nhà này trước 1968 là nhà ông dân biểu Vũ Hữu Chương, nghị viên Hội đồng tỉnh Gia Định. Ông Chương hồi ra tranh cử lấy dấu hiệu “Đèn Dầu”.

Hai cậu em ruột bà giáo Dưỡng – chủ thịt chó Cây Còn bảo chị: “Nhờ nhà Quang Minh (góc ngã ba Ông Tạ) cho đậu hai trực thăng trên sân thượng để đón cả gia đình. Nhà bác Quang Minh muốn đi thì lên đi luôn”. Bà giáo Dưỡng lúc ấy cũng khá giả, không đi. Thế là hai máy bay đó không ghé đón gia đình chị, chỉ chở gia đình hai cậu em. Một chiếc khác rụng cánh ở trước hẻm vào nghĩa địa sau chợ Ông Tạ trên đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám)…

Trên dưới 20 năm chọn Ông Tạ làm quê hương, có người không nhớ, không biết quê hương cũ ở miền Bắc, giờ họ lại ra đi.

2. Khu Ông Tạ vốn nằm giữa ba trong năm trọng điểm phải đánh chiếm của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khi tấn công Sài Gòn: Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa (nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7), Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô (trại Lê Văn Duyệt, nay là Bộ Tư lệnh TP.HCM) và Phi cảng Tân Sơn Nhứt (hai trọng điểm còn lại là Dinh Độc Lập và Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia). Cụ thể khu Ông Tạ cách Phi cảng Tân Sơn Nhứt, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô chỉ một, hai cây số đường chim bay; sát bên Bộ Tổng tham mưu.

Vì vậy cũng dễ hiểu khi những ngày cuối tháng 4, không khí chiến tranh đã hừng hực trong khu vực này. Bên cạnh các lực lượng chính quy của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nhiều con hẻm nơi đây đã được các trưởng ấp hoặc người dân, nhân dân tự vệ kêu thợ sắt về làm cửa để hy vọng chống trả Quân Giải phóng.

Đường Thoại Ngọc Hầu, trục đường trung tâm chạy suốt khu Ông Tạ (nay là Phạm Văn Hai) chỉ còn các toán nhân dân tự vệ xách súng cạcbin đi lòng vòng trong giờ giới nghiêm. Tháng tư cuối mùa khô, trời oi hầm. Nhiều nhà mang chiếu ra bancông ngủ. Tôi cũng vậy, nằm ở bancông tầng một thỉnh thoảng lại giựt mình khi nhóm nhân dân tự vệ ấp Tân Chí Linh tắm rửa, cười giỡn um sùm ở vòi nước đầu con hẻm xéo nhà vào chùa Khánh Thiền.

Từ chiều 29-4, trong tiếng đạn pháo kích dữ dội vào sân bay Tân Sơn Nhứt, tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ bắt đầu. Đi qua ngã tư Bùi Thị Xuân – Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), gần Lăng Cha Cả, thấy một nhóm thanh niên khệ nệ khiêng một tủ văn phòng trong một kho hàng đầu đường, tôi đứng sát bên coi. Một người nói: “Đôla trong đó”. Đùng! – Một tiếng súng M16 nổ đanh gọn từ một người lính Sài Gòn nào đó vang lên phá ổ khóa tủ sắt này. Miểng đạn văng trúng mấy người xung quanh. Tôi thấy bả vai trái phía sau ươn ướt, thò tay ra sau sờ, máu chảy nhơn nhớt ướt đẫm áo. May mà nhẹ, về nhà gia đình băng bó sơ (hiện còn vết sẹo), sáng mai vẫn đeo balô đi bộ cả chục cây số…

Chiều tối 29-4, có một cơn mưa nhỏ khu Ông Tạ. Các toán quân Nhảy dù từ trại Sư đoàn Dù Hoàng Hoa Thám xếp hàng một lặng lẽ đi trong mưa, tái phối trí lực lượng phòng thủ khu vực một trong năm cửa ô Sài Gòn, ngăn chặn lực lượng Quân Giải phóng cánh Tây Bắc từ Củ Chi, Hóc Môn tiến xuống. Hai bên ngã tư Bảy Hiền là hai chốt chặn ở bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất) và Chi cảnh sát Tân Sơn Hòa (góc ngã tư, trước trường Nguyễn Thượng Hiền hiện nay). Ngay cửa ngõ vào Sài Gòn là trại Nguyễn Trung Hiếu của một tiểu đoàn dù đang cắm trại 100%…

1.000 quân của Bộ chỉ huy số 3 chiến thuật – Liên đoàn 81 Biệt cách nhảy dù (Biệt cách dù) bố trí lực lượng từ Lăng Cha Cả đến bên ngoài Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Chung cư số 2 Thoại Ngọc Hầu trước cổng Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa được cắm một bộ phận mạnh (chung cư này vừa bị phá bỏ xây cao ốc, đầu đường Phạm Văn Hai) trấn giữ Bộ Tham mưu.

Sài Gòn đêm 29 rạng 30-4-1975 oi hầm trong thời điểm chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Khó ai đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra. Nhà nào cũng nằm trong hầm trú ẩn dựng vội bằng bao cát, bao gạo. Tôi lên tầng ba – sân thượng nhà mình nhìn về phía Phi trường Tân Sơn Nhứt. Đạn pháo đỏ trời, vang rền suốt đêm…

(Bài này không phải viết sử mà chỉ mang tính hồi ức, ghi nhận của một thằng nhóc khu Ông Tạ – năm 1975 mới 13 tuổi. Từ góc nhìn của một thằng nhóc, có thể có những nhầm lẫn nhưng chắc chắn thằng nhóc này “thấy sao nói vậy người ơi” chứ không biết gì về chính trị. Xin không bình luận đúng sai, quan điểm chính trị của người lớn và xin được phép bỏ những comments tranh luận chính trị – quá nhiều trong những ngày tháng 4 này).


Tin bài liên quan:

VNTB – Trong đường hầm ký ức Đà Lạt

Do Van Tien

VNTB – Hoà hợp hoà giải: ngôi nhà xây dở

Phan Thanh Hung

VNTB – 30 tháng 4, 1975 Giải Phóng: Xóa bỏ tàn dư chế độ cũ, tư tưởng, văn hóa đồi trụy!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.