Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Trầm Bê ra tù

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Ông Trầm Bê đã được tự do  hôm 10-2-2023 sau thời gian chấp hành 2 bản án hình sự với hình phạt 7 năm

 

Lúc chưa tù tội, ông Trầm Bê được đồn đoán là một trong những ‘cơ sở kinh tài’ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…

Trầm Bê là một nhân vật vô cùng kỹ tính, hiếm khi phát biểu trước báo chí, gây nhiều sự tò mò vì chỉ nghe tiếng mà không biết ông xuất phát từ đâu.

‘Khởi nghiệp’ từ các dự án đất đai ở Bình Chánh – Sài Gòn?

Theo lý lịch lúc ông bị lao lý thì Trầm Bê chỉ mới học đến lớp 6. Từ năm 1991 – 1994, ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp là Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh. Từ năm 1995 – 2001 ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh.

Năm 1999 ông tham gia vào thị trường bất động sản, đầu tư vào Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị. Đây là thời kỳ BCCI đang rất phát triển. Năm 2001, Trầm Bê cùng với bác sĩ Nguyễn Hải Nam và Lâm Trung Lương góp vốn để xây dựng bệnh viện Triều An – khi ấy là bệnh viện tư nhân lớn nhất ở TP.HCM.

Thời gian mà ông Trầm Bê ‘khởi nghiệp’ tại huyện Bình Chánh, thì chủ tịch UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) khi đó là bà Võ Thị Hiệp, xuất thân là một cô giáo trung học.

Từ năm 2002 – 2004 Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam, đây là điều kiện cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm để được phép xuất khẩu trái thanh long. Mãi cho đến năm 2009, thế độc quyền này mới mất đi khi có nhà máy chiếu xạ thanh long thứ hai do Công ty Cổ phần An Phú đầu tư.

Một số nhà báo từng tiếp xúc với ông Trầm Bê đều chung ấn tượng về cách trò chuyện ‘rất đổi bình dân’, mặc dù khi đó ông đã là chủ ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam (SouthernBank) ở quận 11, TP.HCM. Đó là vào năm 2004, Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của SouthernBank. Đây cũng là những năm mà ngân hàng phát triển mạnh nhất đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng trong năm 2007.

Tháng 2 năm 2012 ông Trầm Bê là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, và từ đây sóng gió bắt đầu đưa đến chuyện vướng vòng lao lý sau đó, khi ông Đặng Văn Thành – người sáng lập Sacombank được cho là thuộc nhóm thân hữu của chính khách Nguyễn Xuân Phúc, đã bị ông Trầm Bê ‘soán ngôi’ ở ngân hàng này.

Điểm chung của hai ông chủ ngân hàng kể trên là đều Hoa kiều: ông Trầm Bê là Hoa kiều xứ Trà Vinh, ông Đặng Văn Thành là Hoa kiều Chợ Lớn.

Rửa tay gác kiếm hay sẽ lại chờ thời để ‘rửa hận’?

Ông Trầm Bê bị bắt giam ngày 1-8-2017. Sau đó ông phải chấp hành 2 bản án hình sự: vụ án Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng xây dựng Việt Nam – VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh, 4 năm tù với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thiệt hại xảy ra khi ông Trầm Bê giữ chức vụ phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín – Sacombank.

Trong vụ án Dương Thanh Cường – nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bình Phát, 3 năm tù với cáo buộc lúc ông là Phó Chủ tịch hội đồng quản trị SouthernBank. Tổng hợp hình phạt, ông Trầm Bê chịu án 7 năm tù.

Tin tức mới nhất cho biết, ông Trầm Bê đã ra tù hôm 10-2-2023.

Trong một bài viết đăng trên VOA số phát hành đầu tháng 8-2017, nhà báo Phạm Chí Dũng có đoạn viết với dự cảm như sau:

“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” – ngày hè nồng nực cuối tháng Bảy năm 2017, tâm trạng của nhân vật đứng đầu đảng CSVN như bất chợt phấn khích hẳn lên.

(…) Ngày 31/7/2017 – thời điểm Tổng bí thư Trọng phát ra những ví von và từ ngữ trên – lại trùng khớp với một sự kiện chấn động chính trường Việt Nam: “tử thù” của ông Trọng là nhân vật Trịnh Xuân Thanh bất thần hiện ra ở Hà Nội để “đầu thú với Bộ Công an”.

Không biết vô tình hay hữu ý, cái ngày 31/7 ấy cũng là thời điểm mà Bộ Công an tung ra chiến dịch “bắt Trầm Bê” – nhân vật được một số dư luận xem là “tay hòm chìa khóa” của Nguyễn Tấn Dũng thời ông Dũng còn là thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vốn đã râm ran một thời gian nhưng chưa thẳng miệng, chỉ đến khi Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, một số quan chức nhà nước – trong đó có quan chức công an – mới tiết lộ một đánh giá rất quan trọng: Trịnh Xuân Thanh là mấu chốt của đại án PVC (Tổng công ty Xây lắp dầu khí).

Dù Vũ Đức Thuận – trước khi bị bắt là trợ lý của Đinh La Thăng vào thời ông Thăng còn là bộ trưởng giao thông vận tải và khi ông Thăng trở thành bí thư thành ủy TP.HCM – đã nằm trong trại giam cả năm và có thể đã “khai hết”, nhưng thiếu Trịnh Xuân Thanh thì án PVC chưa thể trọn vẹn, và quan trọng hơn là chưa thể lần được “đường dây” nào đã bảo kê cho Thanh biến mất khỏi Việt Nam vào nửa cuối năm 2016.

Đại gia Trầm Bê lại có vai trò “mấu chốt” như Trịnh Xuân Thanh. Hành trình cùng ngân hàng Phương Nam trong dĩ vãng, ngân hàng Sài Gòn Thương Tín sau đó và có mối liên hệ mật thiết với ngân hàng Xây Dựng của Phạm Công Danh – nhân vật đã bị đưa ra tòa, Trầm Bê được dư luận xem là một bí số lớn trong không chỉ một mà một số đại án ngân hàng, cũng là một mắt xích cực kỳ quan yếu dẫn đến một cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước…”.

Giờ thì cả Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc đều đã rời chính trường. Trầm Bê thì thi hành án xong xuôi, và người ta thấy ông ‘chủ lò’ vẫn là Nguyễn Phú Trọng đang chăm chỉ gom ‘củi’…


Tin bài liên quan:

VNTB – Thề gì trong bụng?

Phan Thanh Hung

VNTB –  TBT Nguyễn Phú Trọng – Biết rồi, Khổ lắm, Nói mãi!

Phan Thanh Hung

VNTB – Bình luận vài ý trong bài báo của Tổng bí thư (kỳ3)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo