Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phá hóa thạch lịch sử – sự nghiệp hay thời trang?

Tôn Trọng Dân (VNTB) Trong tuỳ bút Thằng dân, nhà văn Tiểu Tử Võ Hoài Nam cho thấy sự thật hoá thạch của lịch sử trong mắt thường dân như ông ra sao: “Rồi miền Nam có ông vua Bảo Đại – chuyên sống ở Pháp – vì thương dân nên gởi ông Diệm về Việt Nam tham chánh. ( Ông vua này thì người dân biết từ lâu. Ít ra cũng biết… tên ! ). Rồi có ông Diệm, vì thương dân nên… lật ông Bảo Đại rồi lên làm tổng thống. ( Ông này thì người dân chỉ mới biết khi ổng trèo lên ghế tổng thống. Cứ nghe ra rả hằng ngày ” Toàn dân nhớ ơn Ngô tổng thống “, không biết rồi cũng phải biết ! ) Rồi có chú Sam, vì thương dân Việt Nam, ra tay giúp đỡ ông Diệm hết mình”.

Lẫn lộn hay chấp mê?
Giọng của nhà văn Tiểu Tử Võ Hoài Nam và của Đặng Tiểu Nhàn – một người di tản [1] … gợi tôi nhớ đến những Sơn Nam, những Vương Hồng Sển, những Bình Nguyên Lộc đặc sệt phong cách miền Nam, tưng tửng bất chấp ai nói / ai la ó phản ứng, vì sự thật thế là phải thế:
“Người Nhật thua. Thời cơ đến. Chẳng có ai nắm” [2]. “Việt Minh cộng sản được nhà nước chính thống (Nam triều) nhượng quyền” [3]. “Người dân đều hiểu: Hoa Kỳ, Pháp chẳng tốt lành gì hơn cộng sản. Ngô Đình Diệm độc tài lại chẳng có tầm vóc lãnh đạo. Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn chỉ là công cụ của Hoa Kỳ” [4]
Xin Quý vị chịu khó xem thêm một mẩu sử Hoá thạch trong mắt một người dân đang định cư tại Hoa Kỳ: “Logic một chiều thì đại khái là như sau. Thực dân Pháp đang thua, Mỹ tiếp viện cho Pháp. Vẫn thua, Pháp rút đi, Mỹ lại nhảy vào, là quân giặc xâm lược chứ còn gì nữa. Về phe với giặc, không ngụy là gì. (…) đã chọn phe thì phải ủng hộ phe mình chứ, it ra là bằng miệng. Một bên nói ta đánh cho cả Liên Xô, Trung Quốc như Lê Duẫn, một bên xưng là tiền đồn của thế giới tự do. Miền Nam còn có lính Đại Hàn (Hàn Quốc) sang trợ chiến. Ta đánh cho cả Singapore, Mã Lai, Phi, Úc, Tân Tây Lan, Anh, Pháp, Mỹ chứ đâu phải kém cỏi gì. Những người phản chiến như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận ra chân tướng của ‘hai mươi năm nội chiến từng ngày’ vì ý thức hệ thì đương thời bị cả hai bên ném đá” [5].
Lý giải vấn đề này, tác giả Trần Tiên Long viết: “chúng ta không nên lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ là những điều đã xảy ra rồi. Cho dù chúng ta có muốn hay không thì cũng không thể thay đổi được quá khứ” [6] và, tác giả hứng chịu những cuộc khiêu khích, chửi bới, nguyền rủa đến mệt mỏi.
Có lẽ, nên nghe tác phẩm nghiên cứu Chính đề Việt Nam [7] với tên tác giả là Tùng Phong từng khách quan thừa nhận về giai đoạn đấu tranh giành độc lập này (thậm chí, còn có nhận xét thú vị về bản chất ác ôn của thực dân Pháp so với thực dân Anh, song, tôi không có đủ không gian để dẫn chứng) như sau: “Chính trị của một nước nhỏ, như nước chúng ta hoàn toàn bị động trong cái thế của cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương. Như chúng ta đã biết, cũng vì có sự tranh chấp này mà các nhà lãnh đạo Á Đông đã đồng minh với Nga Sô để tranh giành độc lập cho Dân Tộc”.
Sự thật của bàn cờ thế giới vinh danh cái Lý của kẻ Mạnh bày ra ràng ràng những Hoá thạch, mà bất kỳ ai có “lương tri” (lương tâm, ai cũng đầy sẵn rồi) đều phải thừa nhận:
“sự bành trướng mạnh mẽ của hai Đế quốc Anh và Pháp, vừa là một nguồn mâu thuẫn giữa, một bên, hai đế quốc lớn, một bên, các quốc gia khác ở Tây phương. Thêm vào đó, nước Mỹ, vừa chấn chỉnh xong nội bộ quốc gia, cũng bắt đầu gấm ghé thực hiện ý định có mặt ở Thái Bình Dương” [8].
Sự thật của lịch sử là vậy. Sự thật này cho thấy: trước mặt những người yêu nước Việt Nam (bất kể cộng hay không cộng) ở giai đoạn chống Pháp, không phải có quá nhiều con đường cách mạng với nhiều loại khối/liên minh ủng hộ giải phóng thuộc địa, để cho họ mặc sức chọn lựa. Họ, yêu nước, chỉ có thể chọn: hoặc, xả thân vì nước bằng cách vong mạng, hoặc, từ bàn tay trắng phải đứng hẳn về phe cường quốc nào ủng hộ họ cứu dân tộc.
Đi xa hơn, Chính đề Việt Nam còn dự báo điều mà sau 50 năm, chúng ta đang thấy bình thường ngay trước mặt: “Chúng ta không lấy làm lạ khi biết rằng ngày nay chính là chính sách ngoại giao của Anh, Mỹ lãnh đạo thế giới ngày nay” [9]. Khi đặt bút viết những dòng này, hẳn tác giả Tùng Phong cùng các đồng chí trong đảng Cần Lao của mình không biết gì, hiểu gì về Pax Britannica và Pax Americana chăng?
Thế hệ đi sau giờ có đủ, thậm chí dư thừa phương tiện để truy cập, tìm hiểu, chỉ e là có lòng và có trí để tự tóm lược, phản biện cho mình hay không mà thôi.
Một khi thế hệ đi trước không có chủ ý nhìn lịch sử một cách cong vẹo thì tương lai, đến lượt nó, cũng sẽ không bị hậu thế chủ tâm nhìn một cách khúc xạ vẹo cong. Dùng súng lục nã vào quá khứ, quay lại, Quý vị sẽ thấy nguyên nòng đại bác chỉa thẳng vào mặt.
Có cần sống mãi trong cơn mê như vậy?
Sự thật: lịch sử đã-hoá-thạch
Có một mối quan hệ mật thiết giữa các quy luật thiên nhiên và các quy luật xã hội. Cũng thế, có một sự tương quan mật thiết giữa Lịch sử và Khảo cổ. Phá hoá thạch hay xuyên Hoá thạch? Dù muốn phá Hoá thạch hay chỉ là xuyên Hoá thạch để tìm hiểu Hoá thạch, thì cũng chỉ có 2 loại thái độ: xem đó là một Sự nghiệp của mình (để tận tụy, tự trọng), hay, đó chỉ là một công việc Thời trang cho mình (để nhẹ nhàng tùy lúc phấn son).
Lịch sử nào phải là môn học để được xoa đầu và chỉ êm đềm cúi nghe thuyết giáo? Lịch sử cũng chớ phải là vật để kẻ hậu sinh tung tẩy tài năng nặn bóp vẽ vời của hoạ sĩ/nhà điêu khắc, như một món thời trang xuống phố.
Qua cách nhìn ngày nay, có thể nảy sinh nhiều thái độ đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử, nhận ra rằng, các nhân vật, sự kiện đó còn phù hợp hay không còn phù hợp với cách nghĩ hiện nay, để từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho các thế hệ mai sau, hoặc, đừng vấp ngã, hoặc, có những bước phát huy-tiếp nối thành tựu của cha ông. Từ đó, thái độ đối với một số nhân vật, sự kiện lịch sử có thể bị/được thay đổi. Nhưng, bản chất các vấn đề trong giai đoạn sử đó thì làm sao có thể thay đổi theo ý muốn một ai? Không ai có thể “di dời” các vùng lịch sử đã hoá thạch trong những thời đoạn, trong những hoàn cảnh cụ thể nhất định lúc bấy giờ, như “di dời” các đồ vật ở thì hiện tại, theo quan điểm hiện tại. Người ta không thể lật ngược, đổi đoạn lịch sử đã “hoá thạch” từ màu trắng thành … tảng hoá thạch màu đen (như vậy, có nghĩa: những người cùng thời đoạn ấy đã..nhìn sai sự kiện, còn người sống sau nhìn đúng sự kiện, sẽ giải được bài toán lịch sử bằng..các tham số made ̶in hôm nay).
Ở vào giai đoạn nào của lịch sử loài người cũng vậy, con người, khi tham gia các cuộc “cách mạng”, đều vẫn cần tồn tại, trước đã. ‘Thực’ phải có trước ‘Đạo’, thì ‘Đạo’ ắt bền. Không bắt tay được với Hoa Kỳ từ tổng thống Woodrow Wilson [10] đến tổng thống Harry Truman, quay sang lại không cầu thân được với Xô/Tàu, thì đảng Cộng Sản Việt Nam đã không thể có sức để đứng/có thế để tiến, mà rồi cũng héo úa lụi tàn chả khác gì Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt Dân Chính đảng đã tuột.chuội vòng tay khỏi ‘người anh em Ba Tàu’ .. Trung Quốc Quốc Dân đảng (中國國民́黨̀-Chinese Nationalist Party) của họ, hoặc cũng lụi tàn theo Nhật Bản Đại Đông Á y hệt đảng Đại Việt Quốc xã [11], vốn có hẳn một Kỳ Ngoại hầu Cường Để thường trú tại Đông kinh, và có cả Trần Trọng Kim, một Thủ tướng chỉ dưới Vua. Cũng thế, không níu áo Hoa Kỳ đúng lúc nước này đang cần một nhân vật khả dụng, cụ chí sĩ nhà Ngô cũng khó có thể ngang nhiên dành miền Nam từ tay Bảo Đại – hoàng đế nhỏ cưng của Pháp, và chí sĩ này dù tài ba cách mấy, cũng khó có thể có lực để diệt sạch-tề an các giáo phái/đảng nhóm, thu gom.gồm đoạt quyền lực về tay của mình [12]
Phải chăng, đó chẳng phải là những sự thật lịch sử đã-hoá-thạch trong một Kỷ nguyên mà Quyền lực dựa trên Sức Mạnh là căn cốt?
Daniel Ellsberg viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers [13] thế này: “Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc-một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình-thì không phải là một cuộc nội chiến” [14]. Ông còn nhấn mạnh thêm: “In terms of the UN Charter and our own avowed ideals, it was a war of foreign aggression, American aggression” [15]. Ellsberg viết đoạn trên năm 2002 chứ không phải là trong thời kỳ “phản chiến” sôi nổi trên đất Mỹ. Nếu Quý vị đã đọc một số những sách viết về cuộc chiến Việt Nam, viết sau 1975, của các học giả và cựu quân nhân Mỹ, thì Quý vị không khó để thấy rằng, đa số họ đồng ý với Daniel Ellsberg về điểm này. Ellsberg là ai mà “dám” tuôn ra những lời khẳng định này? – Ts. Daniel Ellsberg (sinh 1931) là sỹ quan nghiên cứu chiến lược của Lầu Năm Góc, là 1 trong 3 người được biết những tài liệu mật nhất của Mỹ lúc bấy giờ về thực chất cuộc chiến ở Việt Nam. Ông đã phải tuyên bố một câu nổi tiếng: “Không phải chúng ta đứng về phe phi nghĩa, mà chúng ta là phe phi nghĩa”.
Thêm một sự thật phũ phàng nữa: có người (quá nhiều người) từng tặc lưỡi tiếc rẻ: “ngu quá, giá mà cứ ôn hoà với Pháp, nó trả lại độc lập cho, thì đâu đến nỗi phải hy sinh mạng dân chúng thế này?!”. Thực sự ai phát biểu ý này tỏ ra .. ‘rất yêu nước’, ‘rất vì dân’, ‘có viễn kiến’. Song, nếu có nghiên cứu thấu đáo, Quý vị yêu nước.vì dân đó nên biết: chính các dân biểu thuộc đảng De Gaulle (người từng lãnh đạo cuộc kháng chiến của Pháp chống Phát xít Đức xâm lược) theo chủ trương thực dân cực đoan, viện dẫn một điều luật trong Hiến pháp ngày 27.10.1946 của nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp, rằng “không một ai có thể phạm vào sự sứt mẻ của lãnh thổ được” [sic] muốn giữ rịt thuộc địa Nam Việt (tức miền Nam bây giờ) lại cho nước Pháp và không bằng lòng trả lại độc lập để Việt Nam được thống nhất (xem Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu, 1990, tr. 334), cho dù, vẫn có đó chiếc cẩm bào “Liên Hiệp Pháp” lộng gió. Và, vì yêu bạo lực đến vậy, nên vị thực dân này buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải đánh để giành độc lập thực sự từ tay kẻ cướp. Dân, không ủng hộ, không ai đánh được. Phải phán rằng, “Dân Việt thuở ấy cũng ngu hệt bây giờ”.
Cuối cùng, có một thực tế mà không nhiều vị yêu nước.vì dân lưu ý: suốt 530 năm chế độ thực dân lan tràn và hùng mạnh (từ 1415 [16]đến năm 1945) khắp toàn cầu, chính sách thực dân Pháp hoàn toàn khác biệt so với chính sách đối xử hòa hiếu cùng dân thuộc địa của Anh hoặc Hà Lan. Gần gũi với khí chất Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, thực dân Pháp vượt lên hẳn trong độ tàn ác, man rợ. “Hãy (đây là từ “Hãy” đầu tiên tôi sử dụng trong toàn loạt bài 8 phần này) chỉ ra giùm tôi: khối Liên hiệp Pháp [17] so với Khối Thịnh vượng chung Anh [18] đã như thế nào?” ̶ Singapore, Malaysia, Thailand.. chính là đã thụ hưởng một cơ may của lịch sử trong vấn đề này. Đây lại là một chủ đề nữa, mà nếu có cách nhìn đa nguyên trong nghiên cứu.tìm hiểu, hẳn không ít người sẽ không phải đứng trước những góc tù.mù đối với nhiều vấn đề lịch sử thế giới có liên quan chằng chịt đến vận mệnh Việt Nam.
Chúng, các sự kiện lịch sử, chả đâm ngang.quàng ngửa đi đâu. Chỉ có những bàn tay đặt xuống, lật lên, hay bóp nát, tái chế, thế thôi. Tuy vậy, lịch sử cũng là thứ đàn hồi. Nó vẫn sẽ quay trở lại thể dạng vốn đã được định hình ngay sau khi nguội tắt từ lò lửa thực tiễn.
Chọn thái độ – tư thế nào đây?
Cuộc chiến 1955-1975 là cuộc kháng chiến của nhân dân 2 miền chống Mỹ can thiệp Việt Nam (trong nhận thức của tôi, Mỹ không xâm lược, mà đích xác là can thiệp. Can thiệp để tạo ảnh hưởng, không Xâm lược để thôn tính đất đai, để thống trị dân tộc. Dù đã đưa quân ồ ạt vào miền Nam, hung hãn ném bom tàn phá miền Bắc, song Mỹ đã không thống trị dân tộc Việt trong khuôn khổ miền Nam do VNCH cai quản, cũng như Nga-Tàu đã viện trợ, nhưng không can thiệp, cũng chả hề thống trị dân tộc Việt ở miền Bắc). VNDCCH không thôn tính, xâm lược miền Nam, vì miền Nam là đất đai của một Việt Nam trọn vẹn. ‘Quốc gia Việt Nam’ đã là một lãnh địa hình thành từ những mưu đồ riêng tư chưa hề được đưa ra trước một quốc dân đại hội công khai. Tách miền Nam, đặt miền Bắc đối lập với miền Nam, mưu toan chia đôi đất nước lần nữa – là tội lỗi đối với tổ tiên khai phá mở cõi ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long [19]. ‘Quốc gia Việt Nam’ là ‘con đẻ’ của Pháp (Pháp trao trả độc lập cho Bảo Đại khi chính quyền VNDCCH do dân cử vẫn tồn tại và đang kháng chiến cứu quốc, ở giai đoạn này, còn khá nhiều những người không cộng sản vẫn sát cánh bên trong Việt Minh cùng những người cộng sản chống thực dân Pháp), ‘con đẻ’ này, cùng với các anh cai lính/quản binh (sẽ trở thành tướng tá sau này) được Pháp tiếc nuối sang tay cho Mỹ, trong bất lực.
Đó chẳng phải là gương mặt thật của một Lịch sử đã-hoá-thạch mà cả thế giới đã nhìn thấy, đã lật xới ngay trong vòng hàng chục năm sau đó, và, đã lưu trữ lớp lang, bài bản chăng?
Nếu, vẫn chưa tách bạch được đúng-sai, phù hợp-không phù hợp, nếu vẫn quyết chí không chấp nhận logic cay đắng đã hoá-thạch này, làm gì còn con đường nào cho Quý vị Dân chủ chống cộng, cả hải ngoại lẫn quốc nội, ngoài nẻo bước miệt mài mang tên tâm lý chiến sao cho cả 86 triệu dân còn lại (trừ cộng đảng) cùng sớm hân hoan đứng lên làm “cuộc cách mạng” trời long đất lở như cố chí sĩ-ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện (1939 ̶ 2012) từng khát khao dự báo:
Sẽ tràn dâng như sóng gầm thác đổ /Bọn quỷ yêu sẽ tới ngày tận số /Xác lũ bay sẽ ngập đường ngập phố /Máu lũ bay hoen ố cả nền trời ! (Đồng Lầy.1972)?
Bên cạnh nỗi thù căm di lưu.riết róng.chí thú ấy, vẫn là một thực tiễn mênh mông.giản dị:
lịch sử là khoảng không gian của các sự kiện và con người cụ thể, đã được/bị thời gian hoá thạch vĩnh viễn, để người đời sau qua đó tìm hiểu những nền và nóc của người đi trước, nhằm có thể rút ra chiều kích tối thiểu của mức sàn và trần cho chính mình ở.ăn/cư xử.
Chọn thái độ/tư thế nào đây?
Chú thích:
[1] trên Tạp Chí Dân Nam do Đặng Tiểu Nhàn chủ trương, trong CHUYỆN DI DÂN ông tự nhận: “Bản thân là di dân” 
[2] xem Người việt nam hèn hạ!? – Đặng Tiểu Nhàn Jan 1st, 2013 
[3] xem Đặng Tiểu Nhàn nđd 
[4] xem Đặng Tiểu Nhàn nđd 
[7] đoạn trích thuộc Phần III (B) Cơ sở hạ tầng vô tổ chức của Chính đề Việt Nam, Nhà xuất bản Đồng Nai, Sài Gòn, 1964. 
[8] đoạn trích thuộc Phần II (C) Phát triển dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam của Chính đề Việt Nam
[9] đoạn trích thuộc Phần II Vị trí của Việt Nam trong khung cảnh thế giới vừa trình bày của Chính đề Việt Nam
[10] năm 1919, tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đến Paris dự hội nghị Versailles với chương trình 14 điểm, tuyên bố một nguyên tắc thiêng liêng là mọi dân tộc phải có quyền tự quyết. Ông Hồ Chí Minh thời đó cũng đã kịp thời gởi đến hội nghị bản yêu sách 8 điểm, chỉ đòi những quyền tự do tối thiểu cho dân tộc Việt Nam đang nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Đoàn chính phủ Mỹ nhận được bức thư nói trên của ông Hồ, hứa sẽ trình lên Tổng thống Woodrow Wilson. Nhưng cuối cùng họ đã không trả lời. 
[11] Đại Việt Quốc gia Xã hội Đảng (大越国家社̀会黨̀ – thường được gọi tắt là Đại Việt Quốc xã) theo Chủ nghĩa Quốc xã do Nguyễn Xuân Tiếu tức Nguyễn Lý Cao Kha sáng lập vào năm 1936, lấy chủ nghĩa ‘Duy Trung Tâm Vật,’ luật tắc là ‘Hỗ Tương’ khác với ‘Duy Vật Mâu Thuẫn, Duy Tâm Vật Định Mệnh.’ Chính Trần Trọng Kim là tổng bí thư. 
[13] Pentagon Papers là bộ tài liệu trên 7000 trang, tối mật, về lịch sử chính sách Mỹ đối với Việt Nam từ 1945 đến 1968, đúc kết theo chỉ thị của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert McNamara. 
[14] nguyên văn: “A war in which one side was entirely equipped and paid by a foreign power-which dictated the nature of the local regime in its own interest-was not a civil war” trong Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers
[16] Lịch sử thế giới ghi nhận chủ nghĩa thực dân bắt đầu vào năm 1415, với việc Bồ Đào Nha chiếm cảng Ceuta của người Hồi giáo tại Bắc Phi 
[17] Liên hiệp Pháp (L’Union française) tồn tại từ năm 1946 đến năm 1958, hậu duệ là Cộng đồng Pháp (Communauté française) thành lập 1958, giải thể 1960. Và bây giờ chỉ còn là ‘Cộng đồng Pháp ngữ’ (La Francophonie). 
[18] Khối Thịnh vượng chung Anh (British Commonwealth) và trở thành ‘Commonwealth of Nations’ kể từ sau ‘Tuyên ngôn Luân Đôn’ năm 1949, hiện có 53 nước thành viên. 
[19] trích tứ câu thơ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” trong bài ‘’Nhớ Bắc’’ của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ (1914 ̶ 1977) 
* Bài “Phá hóa thạch lịch sử – Sự nghiệp hay Thời trang?” được VNTB trích đăng từ chỉnh thể loạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo.
* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.”
* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân.

Tin bài liên quan:

VNTB – Độc thần Tối cao của Kỷ nguyên Bạo lực

Phan Thanh Hung

VNTB – Cội rễ và sự lựa chọn

Phan Thanh Hung

VNTB – Đồng mộng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo