VNTB – Phá trước và… sẽ-dự-tính-xây-lại-sau

VNTB – Phá trước và… sẽ-dự-tính-xây-lại-sau

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Khi vấp phản ứng mạnh mẽ của người dân làng chài cổ Hàm Ninh trước việc chính quyền phá bỏ cầu cảng nơi đây, đại diện nhà chức trách nói rằng họ ‘sẽ-dự-tính-xây-lại-sau’. Có nghĩa là cứ việc đập bỏ trước, còn chuyện sau đó thì hạ hồi phân giải, không loại trừ ‘cứt trâu’ sẽ lại ‘hóa bùn’.

 

Ghi nhận của báo chí, sáng ngày 3.1.2020, khi cơ quan chức năng chuẩn bị tháo dỡ cầu cảng ở làng chài cổ Hàm Ninh thì vấp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều người dân. Tin tức cho hay có 4 người dân phản đối đã bị công an địa phương bắt giữ. Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc nói rằng, theo quy hoạch sẽ xây dựng lại cây cầu khác khang trang hơn. Quy hoạch này như thế nào, xây ở đâu, quy mô ra sao… thì theo ông Huỳnh vẫn còn dừng ở ‘dự tính quy hoạch’.

Theo người dân, trước đây xã này rất nghèo vì không có cầu cảng. Sau đó người dân gom góp để làm một cây cầu bằng gỗ cho thuyền bè ngư dân dễ neo đậu. Đến năm 2003, một lãnh đạo huyện lúc bấy giờ đã vận động xây dựng một cây cầu bê tông thay cho cây cầu gỗ.

“Cây cầu đã giúp đời sống chúng tôi tốt hơn nhiều so với trước đây. Con cái chúng tôi được đến trường, có đứa còn được học tới đại học, cũng một phần là nhờ có cây cầu này. Đồng thời chính cây cầu này đã làm nên thương hiệu của làng chài Hàm Ninh mà du khách đến Phú Quốc đều ghé tham quan mua sắm và thưởng thức hải sản”, nhiều người dân trải lòng với đại diện báo chí có mặt tại buổi tháo dỡ cầu cảng.

Nhiều người dân cho rằng nếu chính quyền nhận thấy cầu bị yếu thì chỉ cần trùng tu lại, và người dân sẵn sàng đóng góp để trùng tu. Hoặc nếu đã có bản vẽ xây mới thì cũng cần công khai cho mọi người biết để có thể an tâm về chuyện mưu sinh ở thời gian tới, khi dịp kinh doanh Tết Canh Tý cận kề.

Cư dân làng chài cổ Hàm Ninh kể rằng không ai biết ngôi làng này có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi đảo Phú Quốc còn hoang vắng, một số cư dân từ xa đến đây khai thác hải sản, rồi lập làng để sinh sống. Khi cửa biển Dương Ðông vang tiếng sóng thì Hàm Ninh là bến đậu ghe yên tĩnh và an toàn. Các ghe buồm, ghe bầu từ đất liền đến cập bến ở đây để lên hàng hoá rồi chở hải sản đi.

Biển Hàm Ninh ra xa vài trăm thước mà vẫn còn cạn. Khi nước ròng, bãi cát mênh mông chạy tít ra xa, lúc nước lên, tràn ngập bãi, vào tận mé rừng. Ðứng trên bãi Hàm Ninh, các hòn thuộc quần đảo Hải Tặc (của Hà Tiên) ló dạng xa xa. Chệch về Ðông Nam, Hòn Nghệ mờ mờ trên làn nước biếc. Phía Nam là mũi ông Ðội – mũi đất cuối cùng của đảo.

Trước khi có cầu cảng bằng bê tông ở vị trí hiện tại, khách bộ hành muốn vào bờ phải đi qua cầu cảng Bãi Vòng, một chiếc cầu dài mà dân chơi ảnh luôn thích thú tìm đến đây để sáng tác những bộ ảnh thơ mộng.

Kể từ khi có cầu cảng bê tông, ghe thuyền vào neo đậu và thương lái hải sản tấp nập, kéo theo nhiều dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ cư dân địa phương lẫn du khách.

Từ khi có cầu cảng, không khí bến ghe, tàu ở Hàm Ninh náo nhiệt không thua ở Dương Đông. Nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm bách hóa và các cửa hàng phục vụ du lịch mọc lên. Du khách đến đây ngoài vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, hít thở không khí trong lành, mua hàng lưu niệm còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bốn mùa, trên bờ cảnh sắc lung linh, cầu cảng tấp nập ghe xuồng.

Chưa rõ ẩn tình đàng sau việc phá bỏ cầu cảng ở làng chài cổ Hàm Ninh. Trước mắt, việc kỳ vọng mua bán thủy hải sản thiệt xôm tụ của ngư phủ nơi đây trong mùa Tết Canh Tý cận kề coi như đã khép lại.

Xuân 2020 thật buồn với người ở làng chài cổ Hàm Ninh, Phú Quốc.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)