VNTB – Phải hối lộ mới được chữa trị – tội gì?

VNTB – Phải hối lộ mới được chữa trị – tội gì?

 

Hà Nguyên

(VNTB) – Họ nói ít nhất là 2 triệu đồng mới chấp nhận ký giấy cho bệnh nhân đi viện.

 

“Cán bộ y tế phường tới nhà mang bình ô xy tới và ký giấy cho bố tôi đi viện vào sáng 27-2-2022. Vợ tôi đã gửi phong bì 500 nghìn đồng để cảm ơn. Khi nhận phong bì, người này ra đứng ở sân mở ra. Thấy có 500 nghìn đồng, người này lập tức gọi điện để báo cáo rồi vào đòi thêm.

Họ nói ít nhất là 2 triệu đồng mới chấp nhận ký giấy cho bệnh nhân đi viện. Người nhà tôi tranh cãi qua lại mất hơn nửa tiếng thì họ mới hạ còn 1,5 triệu. Sau khi họ nhận tiền, bố tôi được đưa ra xe cấp cứu để chuyển tới bệnh viện Việt Tiệp 2”.

Đoạn trên là trích phản ánh của ông Nguyễn Việt Thắng (trú tại phường Trại Cau, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) với báo chí.

Gây mất niềm tin vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng?

Khi mọi việc vỡ lở, Trưởng trạm y tế lưu động phường Trại Cau Nguyễn Sỹ Hùng đã mang 1,5 triệu đồng tới nhà bố mẹ của ông Thắng để trả lại hôm 5-3-2022.

Ông Thắng kể:  “Khoảng 8g30 sáng nay, ông Hùng cầm theo 1 phong bì, bên trong có 1,5 triệu đồng tới nhà bố mẹ tôi để trả lại. Đó là số tiền gia đình 2 lần đưa cho cán bộ y tế và ông Hùng để bố tôi được đi cấp cứu khi sức khoẻ yếu do nhiễm Covid-19. Ông Hùng có viết mấy dòng thừa nhận được nhân viên đưa cho các phong bì đó, không biết có gì bên trong”.

Trong công tác gọi là quy hoạch – bổ nhiệm cán bộ quản lý, thì vị trí trưởng trạm y tế địa phương phải có tiêu chuẩn chính trị là đảng viên. Mà đảng viên thì hàng năm đều phải tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị tại trường chính trị ở ngay địa phương đang làm việc. Do đó mọi hành vi của các chức danh quản lý khiến dân tình ngờ vực về nhũng nhiễu, về tham nhũng, về gây khó dễ cho dân chúng đều là vi phạm các quy định của Đảng.

Ngoài ra căn cứ theo các quy định về “văn hóa công vụ” cho thấy hiện đã đủ yếu tố để tạm đình chỉ chức vụ của ông Nguyễn Sỹ Hùng được quy định tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều 1.1.a của Quyết định yêu cầu “Cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân” – “Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân” – “Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự?

Sau khi tạm đình chỉ chức vụ từ các viện dẫn nêu trên của vấn đề dân sự là bước tiếp theo của Luật phòng, chống tham nhũng, theo đó tại khoản 1.d “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”; 1.e “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; 1.k “Nhũng nhiễu vì vụ lợi”; 1.l “Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” ghi tại Điều 2 “Các hành vi tham nhũng”, cho thấy ông Nguyễn Sỹ Hùng có dấu hiệu vi phạm cần được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Chương XXIII “Các tội phạm về chức vụ” của Bộ luật hình sự 2015, có thể xem xét hành vi của ông Nguyễn Sỹ Hùng theo “Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Tuy nhiên cả hai điều luật trên đều đưa ra số tiền để “cấu thành tội phạm”, và mức 2 triệu đồng không nằm trong điều chỉnh của Điều 356 và Điều 357.

Như vậy ở đây, trường hợp kết quả xác minh cho thấy cán bộ y tế đã có những lời lẽ, hành vi có tính chất đe dọa, uy hiếp tinh thần của người nhà bệnh nhân như từ chối điều trị nếu như không đưa tiền, nói ra tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân để yêu cầu người nhà đưa tiền, khiến người nhà bệnh nhân sợ hãi phải đưa tiền thì đây được xác định là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Dù số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng, người đe dọa uy hiếp tinh thần của người nhà nạn nhân để lấy tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản, theo điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài là phạt tù từ 1-5 năm.

Trường hợp kết quả xác minh chưa đủ căn cứ để xử lý về tội Cưỡng đoạt tài sản, nhưng có căn cứ cho thấy cán bộ y tế đã có hành vi ép buộc người nhà bệnh nhân phải đưa 2 triệu đồng mới cho phép chuyển viện, cấp cứu cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì đây là hành vi ép buộc đưa hối lộ. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ theo điều 354, Bộ luật hình sự năm 2015, cho dù số tiền thực tế nhận là chưa đến 2 triệu đồng.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, người nhận số tiền là nhận hối lộ chưa đến 2 triệu đồng, chưa từng bị kết án, chưa từng bị phạt hành chính về hành vi này thì có thể sẽ bị phạt hành chính mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu trường hợp mới nhận số tiền chưa đến 2 triệu đồng nhưng mong muốn sẽ nhận đủ số tiền từ 2 triệu đồng trở lên và tiếp tục vòi vĩnh gia đình nạn nhân thì sẽ xử lý hình sự về tội nhận hối lộ.

Trong bối cảnh dịch giã đã kéo dài sang năm thứ ba thì đây là sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế, cần phải được xử lý đến nơi đến chốn để làm gương.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (3)
  • comment-avatar
    ndm 2 years

    Cu thang nao la dang vien thi deu la thang luu manh

  • comment-avatar
    Chí Quang 2 years

    Nhỏ ăn nhỏ, lớn ăn lớn. Tự hào quá vn ơi!

  • comment-avatar
    Trần văn Hai 2 years

    Nếu một người không tham nhũng – không biển thủ – không lợi dụng chức quyền để chèn ép người dân – không ép buộc người khác hối lộ cho mình – không hà hiếp tàn ác với dân – không nói năng ngang ngược dối trá – không có thói vô trách nhiệm – không ngậm máu phun người – không đạo đức giả thì người đó không phải là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
    Đó là kinh nghiệm sống của tôi gần 50 năm sống dưới hệ thống cai trị của Đảng csVN.
    Còn chuyện công an điều tra truy tố hay tòa án phán quyết xử phạt tiền hoặc phạt tù những đảng viên bị người dân tố cáo. Đó chỉ là hình thức để làm giảm sự bức xúc nhất thời của người dân mà thôi. Đảng csVN tự cho họ quyền lực tuyệt đối trong xã hội nên Đảng luôn “che chở” cho đảng viên của họ. Cho nên đảng viên tội phạm thường thì được Đảng chuyển công tác sang nơi khác với chức vụ cao hơn hay một sớm một chiều nhận giấy ân xá để tiếp tục con đường “làm cha thiên hạ” là chuyện thường ngày.