Nguyễn Thanh Giang (VNTB) Trung Quốc đang khẩn trương xây đắp trường thành bằng cát trên biển. Bức trường thành ấy đã dăng được trên bẩy đảo lớn nhỏ, bãi san hô và các bãi cát ngầm trên quần đảo Trường Sa của ta: Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ken Nan, Ga Ven …
Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo thuộc hệ thống báo chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa đánh Việt Nam. Sau khi thiết lập xong căn cứ quân sự với vũ khí đạn dược và đường băng dài 3km họ tuyên bố từ căn cứ Chữ Thập sẽ tấn công chiếm gọn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trong một giờ đồng hồ.
Ngày 5 tháng 6 năm 2015 trên báo điện tử Trung Quốc “Binh Khí Đại Toàn” lại xuất hiện một bài báo với lời lẽ rất xấc xược:
“Quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) vốn dĩ là chuỗi ngọc trai lấp lánh của đất mẹ Trung Hoa, nhưng lại bị nhiều kẻ trộm cắp, muốn chiếm đoạt, giành giật, việc này chỉ làm phân tán đi ánh hào quang của chuỗi ngọc trai mà thôi. Trong số các đảo bị các nước chiếm đoạt, bọn Việt Nam kiêu ngạo, vong ơn bội nghĩa đã ráo riết chiếm đóng quần đảo với số lượng nhiều nhất.
Nghĩ lại mà xem, Việt Nam vốn xưa là phiên thuộc của nước ta. Năm 1885, theo Thỏa ước Pháp – Thanh, Việt Nam đã bị nhượng lại cho Pháp, dần trở thành thuộc địa của Pháp. Sau hai cuộc chiến tranh, Trung Quốc đã giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai miền Nam Bắc đã được thống nhất. Nhưng thật không ngờ bọn Việt Nam không những không biết ơn Trung Quốc, mà trái lại đã lấy oán báo ân, tự vỗ ngực xem mình là nước có tiềm lực quân sự lớn thứ ba thế giới, liên tiếp khiêu khích Trung Quốc. Mặc dù qua hai bài học, là cuộc chiến tranh biên giới Trung – Việt và chiến tranh Bãi đá ngầm, nhưng Việt Nam vẫn không nhận ra được bài học, càng ra sức chiếm đoạt nhiều đảo hơn”.
Trước thái độ hống hách ngang ngược kiểu côn đồ như vậy, rất may là Hoa Kỳ đã tỏ ra cứng rắn, đĩnh đạc. Ngày 1 tháng 6, khi đang thăm Việt Nam, trả lời BBC News, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã nói: “Không điều gì có thể ngăn cản các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục bay và cho tàu hoạt động như đã làm ở Thái Bình Dương từ xưa đến nay”.
Tại diễn đàn Shangri-La vừa qua. không phải chỉ ông Ashton Carter mà cả ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain đều cho biết thái độ của chính quyền Mỹ cũng như Thượng viện, Hạ viện Mỹ là rất rõ ràng, minh bạch, lên án hành động ngang trái, vi phạm luật pháp quốc tế, ỷ nước lớn, ức hiếp nước nhỏ, và Mỹ có trách nhiệm trong quá trình xoay trục sang châu Á.
Đặc biệt là, trong buổi đón tiếp và trao đổi với đại diện giới trẻ hoạt động xã hội của Đông Nam Á tại Nhà Trắng hôm 2 tháng 6 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama nghiêm khắc cảnh báo chính quyền Trung Quốc hãy tôn trọng luật pháp và “ngưng ngay những hành động thúc cùi chỏ” hiếp đáp láng giềng để bành trướng thế lực tại biển Đông.
Bằng hành động cụ thể, trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ A. Carter đã ký “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ” với Việt Nam. Trong tuyên bố 5 điểm này, đáng chú ý có nội dung nói rằng “hai bên tăng cường trao đổi đoàn, đối thoại ở các cấp nhất là các đoàn cấp cao của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, quân đội hai nước”.
Ngoài ra, Hà Nội và Washington sẽ “hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, luật pháp của mỗi bên”. Theo tuyên bố này, Hoa Kỳ sẽ “chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đào tạo nhân viên cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho Việt Nam một số trang bị cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển”.
Trong tình thế “sơn hà nguy biến”, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã thức tỉnh. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã khẩn khoản đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông nói: “Việt Nam và Mỹ hiện đã là bạn bè, đã là đối tác toàn diện, có làm vậy mới thể hiện sự tôn trọng, tin cậy lẫn nhau.”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì nhấn mạnh như là tuyên bố: “hai bên đã khép lại quá khứ và hướng tới tương lai thể hiện bằng việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đặc biệt quan trọng là trao đổi cấp cao diễn ra thường xuyên hơn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Cartor được cả Tổng bí thư ĐCSVN nghênh tiếp. Như là tuyên thệ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước”.
Vậy mà …!
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ online ngày 30/05/2015, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh quả quyết một cách rất hùng biện: “Càng căng thẳng thì càng phải độc lập tự chủ. Càng căng thẳng thì càng không bao giờ để kéo vào những liên minh với nước này để chống nước khác”.
Không biết đây là biểu hiện gì?!.
Chợt nhớ lại mà lòng sôi lên căm giận. Suốt mấy thập kỷ qua, lãnh đạo ĐCSVN như bị lạc vào mê hồn trận trong đường lối đối ngoại do bị ma dẫn lối quỷ đưa đường. Khi Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao bị bỏ qua, để ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười đi ký kết Thỏa ước Thành Đô, ông Lê Khả Phiêu đi cắt nhượng Mục Nam Quam, thác Bản Giốc…
Trước đó, trong bối cảnh hiểm họa Biển Đông đang đến gần, khi Quốc hội yêu cầu được nghe, được bàn thảo thì ông Nguyễn Phú Trọng gạt đi và bảo “Biển Đông không có gì mới”. Và cho rằng: “Biến Đông chỉ là vấn đề song phương của Việt Nam và Trung Quốc.” Tuyên bố chung Hồ Cẩm Đào – Nguyễn Phú Trọng không hề đả động đến DOC và COC …
Trở lại vấn đề, vì sao cấm Việt Nam không được liên minh quân sự với những nước khác?
Khối NATO là gì? Mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, yếu như Philipin đều phải liên minh với Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng đã từng mời Liên Xô vào đóng quân ở Cam Ranh, từng liên minh quân sự với Liên Xô, Trung Quốc đấy chứ. Ngày ấy ta dại dột liên minh vì/cho người (Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”). Ngày nay nếu liên minh tức là liên minh vì/cho mình. Sao ta không liên minh?
Không liên minh tức là tự trói tay nộp mạng khi bọn cuồng vọng Đại Hán nhìn ta đơn lẻ như một con dê tế thần.
Liên minh là để tăng cường thế mạnh, uy hiếp kẻ địch. Liên minh quân sự tức là góp phần làm giảm thiểu khả năng xẩy ra chiến tranh.
Quốc hội đang thảo luận Luật Trưng cầu Ý dân. Vấn đề nước sôi lửa bỏng, vấn đề quyết định sống còn đối với vận mệnh quốc gia hiện cần đưa ra Trưng cầu Ý dân ngay là: “Có nên liên minh quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản không? Có nên cho Hoa Kỳ thuê hải cảng Cam Ranh không?”.
Trước khi dưa ra Trưng cầu Ý dân bất cứ vấn đề gì, đề nghị nên cho đăng tải mọi ý kiến trái chiều trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng một cách thật rộng rãi để toàn dân được cung cấp thông tin thật đầy đủ.
Xin khẩn khoản đề nghị.