Việt Nam Thời Báo

VNTB- Phản biện bài “Về một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê-nin hiện nay”

Thiên Điểu

 

(VNTB) – Tại sao không nhìn nhận một giải pháp ôn hòa khả dĩ không làm ảnh hưởng tới vị trí cầm quyền? Không chấp nhận các ý kiến phản biện, không cho tự do bầu cử… mà vẫn áp đặt cơ chế “chuyên chính” độc đoán bằng trấn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến?
Học thuyết Mác-Ăngghen: Không phải để lừa mị

Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 5/62015 có bài viết của Lê Hồng với tựa đề “Về một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê-nin hiện nay” nhằm định hướng dư luận về một số ý kiến phản bác chủ nghĩa Mác-Lê nin.

Theo các dẫn nguồn mà Lê Hồng đưa ra cuối bài có thể thấy hầu hết được trích dẫn từ cuốn Hồ Chí Minh toàn tập và Chủ nghĩa Mác-Lê nin toàn tập – hai cuốn sách chính trị căn bản trong hệ thống giáo dục chính trị của ĐCSVN.

Mở đầu bài viết, vấn đề “đấu tranh giai cấp” là quan điểm được đưa ra đầu tiên. Về vấn đề này, trên khía cạnh chính trị lẫn xã hội, trước hết phải khẳng định:  Lý luận của Mác-Ăngghen “Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội” là một luận thuyết đúng nhưng chưa đủ. Đúng ở khía cạnh chính trị nhưng thiếu ở khía cạnh xã hội. Tại sao?

Ở khía cạnh chính trị, bất cứ cuộc cách mạng nào đều nhắm vào việc thay đổi vị trí giữa giai cấp bị trị và giai cấp cai trị. Sự thay đổi thể chế chính trị đương nhiên làm phát sinh các động lực – nguyên nhân – thay đổi trong chính sách của chế độ cầm quyền cả mới hoặc cũ. Yếu tố phát triển chính trị xã hội từ đó mà hình thành là tất yếu.

Nói còn thiếu là vì một xã hội phát triển bởi nhiều yếu tố chứ không phải chỉ do đấu tranh giai cấp – yếu tố tạo ra sự thay đổi chính trị – như đã nói trên. Lịch sử và xã hội hiện tại đã minh chứng rằng trình độ khoa học kỹ thuật mới là động lực chính trong phát triển xã hội. Đây cũng là một trong những luận điểm cơ bản của chính học  thuyết CNCS mà Mác và Ăngghen đã xây dựng. Lý luận: “Trình độ khoa học phát triển, khi đạt tới trình độ tự động hóa hoàn toàn, của cải làm ra dư thừa thì xã hội chuyển sang chế độ cộng sản” chính là sự khẳng định khoa học mới là nền tảng tạo ra xã hội cộng sản hiện đại (khác với chế độ cộng sản nguyên thủy).

Quay lại vấn đề đấu tranh giai cấp. Chính Mác-Ăngghen đã chỉ ra rằng: Có áp bức thì có đấu tranh. Sự nhầm lẫn của Lê Hồng – tác giả bài báo – và của các lý luận chính trị mà ĐCSVN và cả các ĐCS khác trên thế giới đã và đang áp dụng  chính là ở chỗ: Gạt bỏ các lý luận căn bản manh tính hoàn thiện của Ăngghen ra để biến học thuyết CNCS thành những lý luận lệch lạc, sai lầm… chỉ nhằm mục đích mị dân. Xé lẻ từng câu chữ trong học thuyết về CNCS của Mác-Ăngghen ra để biện dẫn cho các lý luận cực đoan, suy luận duy ý chí, chủ  quan hòng đạt được ý đồ ngụy trang cho thể chế chính trị cầm quyền.

Chẳng hạn như đoạn viết “Mác không coi đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội nói chung như một số người quan niệm, mà chỉ là một động lực phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp mà thôi. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy chưa có giai cấp nên chưa có đấu tranh giai cấp, và sau này trong tương lai, khi xã hội không còn phân chia giai cấp nữa thì cũng không còn đấu tranh giai cấp. Nghĩa là như Mác đã khẳng định, đấu tranh giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển xã hội”.

Từ một lý luận có tính khẳng định của Mác-Ăngghen, nó được dẫn giải thành ý đồ ngụy trang nhằm cho rằng: Xã hội VN ngày nay không cần có đấu tranh giai cấp vì nền tảng chính trị VN là chế độ cộng sản – chủ ý phản biện mà bài báo đặt ra. Nó tương tự như một lý luận kiểu: Chế độ XHCN là chế độ tốt đẹp hơn bất kỳ chế độ nào khác; Ta đang ở thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa, tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Hãy kiên định để tiến lên chủ nghĩa xã hội; Không được coi nền kinh tế thị trường hiện nay là một kiểu kinh tế tư bản.v.v..(!)

Nó làm mờ để phủ nhận cái thực tế những bất công, những nhận thức đúng đắn về thực tại trong xã hội VN ngày nay  người dân bị tước đoạt một cách tinh vi tất cả mọi quyền lợi cơ bản nhất. Giá trị lao động của mọi người dân chỉ nhằm phục vụ cho một nhóm lãnh đạo mang danh “chuyên chính vô sản”.

Nên lưu ý: Bản chất của tham nhũng chính là lợi dụng để bóc lột – đều là hình thức chiếm đoạt tài sản của người khác. Như vậy: Với nạn tham nhũng hiện nay, chế độ hiện tại ở VN có giai cấp cai trị và giai cấp bị trị hay không? Có bóc lột không?

Ở đoạn viết: “Đảng ta không phủ nhận đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ, song quan niệm đấu tranh giai cấp cũng như động lực phát triển đất nước phù hợp hơn với sự thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, với nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ đổi mớị”. Tác giả Lê Hồng chỉ đưa ra trích dẫn mà lờ đi bản chất đấu tranh trong xã hội ngày nay cũng đã thay đổi. Việc thúc đẩy sự thay đổi, phát triển xã hội không còn là sử dụng bạo lực cách mạng như trước đây mà về căn bản là phương thức đấu tranh bất bạo động. Một phương thức cho phép chế độ lựa chọn giải pháp tồn tại một cách hòa bình bằng việc chấp nhận đối thoại để tìm ra các giải pháp hợp lý. Nghĩa là hình thức đấu tranh giai cấp ngày nay về bản chất hoàn toàn không nhằm mục tiêu thay đổi vị trí cầm quyền. Chỉ khi chế độ cố tình sử dụng bạo lực hoặc dẫn dắt xã hội đến bờ vực nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ các tầng lớp thì mới phát sinh nhu cầu thay thế vị trí cầm quyền.

Ở đoạn này có hàm ý: Đảng CSVN thừa nhận hiện nay vẫn có đấu tranh giai cấp. Nhưng tại sao không nhìn nhận một giải pháp ôn hòa khả dĩ không làm ảnh hưởng tới vị trí cầm quyền? Không chấp nhận các ý kiến phản biện, không cho tự do bầu cử… mà vẫn áp đặt cơ chế “chuyên chính” độc đoán bằng trấn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến?

Vậy “nhiệm vụ của cách mạng thời kỳ đổi mới” có đổi mới gì ? Không biết!
Bàn thêm về “chuyên chính vô sản và học thuyết Mác-Lê

Như trên đã nói, học thuyết về CNCS vốn do Mác và Ăngghen (Engels) xây dựng – Hai sinh viên và sau là hai nhà nghiên cứu triết học lớn cùng xây dựng và hoàn chỉnh học thuyết về CNCS.

Lê nin (Lenin) về căn bản là học sinh cấp 2 (tú tài), sau trở thành lãnh tụ phong trào cách mạng Nga và sau cách mạng tháng 10 Nga, trở thành lãnh tụ phe CSCN. Tự nhận là học trò của Mác-Ăngghen, khi khoác cái CNCS lên nền chính trị ở Liên xô và các nước khác thuộc phe CS (sau này gọi là phe XHCN).

Với xuất thân ở tầng lớp lao động, học vấn thấp, việc xây dựng chế độ được ngụy trang bằng cái gọi là “chuyên chính vô sản” trong học thuyết của Mác-Ăngghen được diễn giải từ ý nghĩa: Giai cấp vô sản (công nông) là giai cấp trong sạch (không bóc lột) làm lực lượng tiên phong trong cuộc đấu tranh giai cấp (chống bóc lột) của chế độ phong kiến và sau này là chế độ tư bản,  lập ra nhà nước chuyên chính vô sản – nhà nước trong sạch được lãnh đạo bởi những người từ giai cấp trong sạch… là một giải pháp hoàn hảo. Nó không chỉ giúp xóa đi cái xuất thân thấp kém mà còn là công cụ mị dân để tạo ra niềm tin kiểu “tôi vốn là người từ giai cấp bị bóc lột, khi làm lãnh đạo sẽ không bóc lột”.

Thực tế đã chứng minh ngược lại: Các nhà nước CS đều bóc lột dã man hơn bất cứ chế độ nào (ngày nay được làm mờ đi bằng cách hoán đổi từ “bóc lột” thành “tham nhũng”). Xây dựng một chế độ bóc lột với phân chia giai cấp kiểu mới nhưng lại ngụy trang dưới những giáo điều ngôn từ mị dân đẹp đẽ. Nhằm lý giải cho việc sử dụng các công cụ quyền lực hòng  áp đặt, khống chế phản ứng đối kháng với chế độ. Họ tiếp tục diễn giải từ “chuyên chính vô sản” – chính quyền được lãnh đạo bởi giai cấp vô sản – thành: “Chuyên chế của chính quyền vô sản” bằng ngụy biện: Chính quyền vô sản là kẻ thù của giai cấp bóc lột, của CNTB nên cần phải có những biện pháp trấn áp (chuyên chế) nhằm ngăn chặn các mưu đồ  tấn công, phá hoại công cuộc xây dựng CNXH (?)  Chính từ đây phe CNXH đã một thời nuôi mộng xóa bỏ phe tư bản. Nổi bật nhất là cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Ngày nay, nó tiếp tục được áp dụng cho cái gọi là “chống diễn biến hòa bình”.

Nhằm tránh phải lý giải rõ ràng bản chất của chế độ, chính Lê nin và các lãnh đạo phe CS khác đã tìm cách loại bỏ các lý luận quan trọng của Ăngghen ra khỏi học thuyết về CNCS.

Trong học thuyết của mình,  Ăngghen đã khẳng định xã hội loài người phải đi qua giai đoạn phát triển TBCN mới tiến tới CNCS và CNTB mới thực sự là chế độ giúp thúc đẩy khoa học kỹ thuật phát triển đến đỉnh cao – cơ sở quyết định tạo ra của cải dư thừa cho XHCS. Sau những thất bại và bài học thực tiễn minh chứng cái vô lý của CNXH, người ta đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường” để cố gắng chứng minh rằng đó không phải là kinh tế tư bản (!?)

Làm rõ các minh chứng cho những kết luận này cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao từ học thuyết của hai nhà lý luận triết học (Mác-Ăngghen) được ghép thành Mác-Ăngghen-Lê nin (trong giai đoạn 1945-1970) rồi chỉ còn là Mác-Lê như ngày nay.
“Chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan”

Ở nội dung thứ 2, tác giả Lê Hồng dẫn luận “Về cái gọi là “chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan thể hiện dưới hình thức chủ nghĩa Mác – Lê-nin”. Quan điểm này đem quy chủ nghĩa Mác – Lê-nin về chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan, đối lập với tư tưởng “đoàn kết và thống nhất của học thuyết Hồ Chí Minh”.

Tôi không biết và cũng không đồng ý với ai đã “quy chủ nghĩa Mác – Lê-nin về chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan”. Và tôi cũng không thừa nhận cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lê nin”. Quan điểm về điều này như sau:

Như phần trên đã nói: Chỉ có học thuyết CNCS của Mác-Ăngghen chứ không có học thuyết Lê-Nin trong lý luận CNCS. Lê nin chỉ là một lãnh tụ khoác cái học thuyết về CNCS lên cái chế độ không hề đi theo tinh thần “chuyên chính vô sản” mà học thuyết CNCS mà Mác-Ăngghen đã đưa ra. Bản thân từ “chủ nghĩa” là một khái niệm chỉ khuynh hướng mang tính tư tưởng của một bộ phận nào đó. Đối với chế độ thì đó là khuynh hướng chính trị mà nhà cầm quyền theo đuổi.

Trong học thuyết về CNCS mà Mác-Ăngghen xây dựng – nên lưu ý Ăngghen mới là người viết nhiều nhất và đóng vai trò hoàn thiện học thuyết này – không hề đề cập việc triệt tiêu CNTB bằng mọi giá mà coi CNTB là một giai đoạn tất yếu của lịch sử phát triển xã hội. Việc các lãnh tụ cộng sản (ở đây là Lê-nin) phủ nhận và cố tình phát động chiến tranh bạo lực hòng triệt tiêu CNTB nhưng không thành chính là minh chứng rõ nhất thể hiện khuynh hướng  cực đoan do chính họ tạo ra chứ không thể đổ lỗi cho học thuyết về CNCS của Mác-Ăngghen! Như vậy, chính việc cố ý đưa Lê nin vào vai trò như một người sáng lập, hoàn thiện  học thuyết CNCS mới là hành vi đưa chủ nghĩa cực đoan, chia rẽ vào học thuyết CNCS của Mác-Ăngghen.

Việc đưa khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức hãy đoàn kết lại” của Lê nin (?) nhằm tạo ra khối cộng sản để chống lại khối tư bản thực chất là nhằm mục đích tăng thêm sức mạnh hòng đánh bại phe tư bản. Tương tự việc Stalin ký vào Hiệp ước liên minh với các nước Anh-Pháp-Mỹ để hình thành phe Đồng minh chống lại phát-xít Đức trong thế chiến thứ 2 không liên quan gì đến học thuyết CNCS của Mác-Ăngghen cả.

Nói không có ý nghĩa “chia rẽ, cực đoan” thì giải thích sao về cuộc tranh giành quyền lãnh đạo Quốc tế cộng sản giữa Liên-xô và Trung Quốc giai đoạn thập kỷ 50-80 thế kỷ 20 ? Lý giải sao việc Liên-xô  bỏ mặc VN cuộc chiến với Trung Quốc 1979 và 1988?

Bàn về “đoàn kết và thống nhất của học thuyết Hồ Chí Minh”

Tôi không hiểu học thuyết HCM là gì (?). Vốn là một người sinh ra và lớn lên trong môi trường chế độ cộng sản, nhưng tôi chưa từng thấy HCM viết ra bất kỳ một tác phẩm nào mang tính triết học được xem là học thuyết chính trị một cách cụ thể. Nếu tập hợp tất cả những huấn thị, chỉ đạo của HCM trong suốt thời gian lãnh đạo ĐCSVN thành một cuốn sách thì có thể ghi nhận nó được tập hợp từ các lý luận đã có từ xa xưa hoặc từ thực tiễn đã được các danh nhân, lãnh đạo khác đã đưa ra, từng áp dụng chứ không phải do ông phát hiện ra đầu tiên.

Lý luận “đoàn kết và thống nhất” ở VN thực chất đã được Trần Hưng Đạo cụ thể hóa thành học thuyết quân sự bằng tác phẩm Binh thư yếu  lược của ông từ thế kỷ 13 . Cũng chính Trần Hưng Đạo đã  đưa ra áp dụng thành công khi khuyên nhà vua dẹp bỏ hiềm khích, tạo sự thống nhất trong triều đình ở Hội nghị Bình Than, lấy sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân qua Hội nghị Diên Hồng làm sức mạnh để chống lại quân Nguyên-Mông. Vậy “học thuyết HCM” là tác phẩm nào về sự đoàn kết thống nhất ?

Tác giả Lê Hồng lý giải đúng ở câu “… chia rẽ, cực đoan không phải là bản chất của chủ nghĩa Mác – Lê-nin mà đó là tư tưởng và hành động sai lầm của những người theo chủ nghĩa chia rẽ, bè phái, tả khuynh hoặc hữu khuynh..”, nhưng Lê Hồng lại không chỉ rõ “những người” đó là chính là những người trong ĐCS mạo danh đi theo học thuyết CNCS. Phải chăng nhằm mục đích phủ nhận thực trạng phe phái mà chính các lãnh đạo trong ĐCSVN từng thừa nhận sự tồn tại các phe phái  lợi ích nhóm?

Chính ở đoạn “đúng” này, Lê Hồng đang thừa nhận có những nguyên nhân, những cá nhân có tư tưởng cực đoan, chia rẽ  trong Đảng tự nhiên đánh đồng sang lý luận không có sự chia rẽ bởi sự thống nhất quyền lực chính trị trên địa lý:  “Trước kia đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau là do sự xâm lược của đế quốc Mỹ muốn xâm chiếm Việt Nam, chia cắt đất nước ta để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong suốt 20 năm. Đến ngày 30-4-1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được hòa bình, thống nhất, đất nước làm gì còn bị chia rẽ nữa!) “ (???)

Một sai lầm ngớ ngẩn hay một cố ý kiểu “đánh bùn sang ao” nhằm che giấu chủ ý khác theo lối mị dân?
……

(Còn tiếp)

Bài viết này thuần túy phân tích và phản biện lại bài viết của Lê Hồng đăng trên báo QĐND ngày 5/6/2015, mà không đề cập tới khía cạnh đúng hay sai của học thuyết Mác-Ăngghen (Mác-Lê). Phần sau sẽ nói tiếp các nội dung còn lại trong bài báo này.

Link tham khảo:

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/chong-dien-bien-hoa-binh/ve-mot-so-quan-diem-xuyen-tac-phu-nhan-chu-nghia-mac-le-nin-hien-nay/362617.html

Tin bài liên quan:

VNTB- Cấp phép Formosa 70 năm là “đúng luật”: Thủ tướng Phúc tìm bài gỡ tội cho Hà Tĩnh?

Phan Thanh Hung

VNTB- Vụ Mỹ Đức, tấm màn che và những bế tắc của “Chính phủ kiến tạo”

Phan Thanh Hung

VNTB- Sĩ quan quân đội rút súng dọa bắn người là cháu tướng Phùng Quang Thanh?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo