(VNTB) – Giáo sư Janet Hoskins đã mắc ba lỗi căn bản khi viết về Đạo Nghị Định Thứ Tám. Không xét đến tính pháp lý; sai với giáo lý căn bản về tính duy nhất của Đạo Cao Đài; sai với sự thật về Cơ quy nhứt từ 1969 đến 1975.
Sau Lễ Khai Đạo, một số chức sắc cao cấp vẫn tiếp tục làm quan với Chính phủ Pháp và có sự chia rẽ nội bộ. Đến năm 1930, Đức Lý Giáo Tông dùng pháp luật để răn dạy nhưng Đức Thượng Đế không chịu vì muốn dùng tình thương để dạy dỗ. Đức Lý Giáo Tông không điều hành được nên xin từ nhiệm. Đức Hộ Pháp cân nhắc trong sáu tháng; sau đó chọn cách dùng pháp luật nên hiệp với Đức Lý Giáo Tông dâng sớ lên Bát Quái Đài. Đức Thượng Đế chấp thuận nhưng rất buồn và dạy làm lễ đăng điện cho Lý Giáo Tông tái thủ quyền hành.
I/ Tầm quan trọng của pháp quyền.
Pháp Chánh Truyền là hiến pháp của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) và nghiêm cấm sửa đổi dưới mọi hình thức.
Pháp Chánh Truyền Chú Giải trang 64, bản in 1932: …, kể từ đây nhứt định chẳng cho ai phạm quyền mình, vì quyền mình, là quyền Thầy, dầu cho còn một mặt Tín Đồ thì Hội Thánh cũng giữ quyền Hội Thánh… (hết trích)
Theo đó trong bất kỳ hoàn cảnh nào Hội Thánh cũng có nhiệm vụ giữ nghiêm pháp luật đạo. Đạo Nghị Định thứ Tám ra đời để Hội Thánh đủ quyền điều hành nền đạo. (1)
Mục tiêu phản biện
– Cung cấp cái nhìn đúng đắn, công bằng về Đạo Nghị Định thứ Tám.
– Cung cấp chứng cứ Cơ quy nhứt đã thực hiện từ 1969 đến 1975. Như vậy Đạo Nghị Định thứ Tám không gây trở ngại cho sự quy nhứt cơ Đạo.
Chỉ ra cái sai của Giáo sư Janet Hoskins khi viết Đạo Nghị Định thứ Tám gây trở ngại cho chi phái quy nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh.
II/ Đạo Nghị Định Thứ 8 (25-8-1934).
1/ Điều Thứ Nhứt
Những chi phái nào do bởi Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo. (hết trích).
2/ Phân tích.
2.1/ Nhân sự tách ra từ Tòa Thánh Tây Ninh. Khi tách ra có lấy đi tài sản vật thể hay phi vật thể của đạo (vật thể: Thánh Thất, Điện Thờ … và phi vật thể như chức phẩm tôn giáo là… Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư…).
2.2/ Các vị tách ra ấy lập thành Hội Thánh mà không có mạng lịnh của Hội Thánh Cao Đài tại Tòa Thánh Tây Ninh; thì Chi phái đó là Bàng Môn Tả Đạo.
2.3/ Chữ Chi phái trong ĐĐTKPĐ chỉ căn cứ vào một yếu tố pháp lý duy nhất là có mạng lịnh của Hội Thánh Cao Đài hay không mà thôi. Đạo Nghị Định Thứ Tám không xét đến giáo lý, nghi lễ hay thờ phượng… Chi phái và Bàng Môn Tả Đạo đi đôi với nhau. Đó là bản sắc một tôn giáo pháp quyền.
III/ Nhận định về Đạo Nghị Định Thứ Tám (25-8-1934)
Thực tế là Phật giáo ăn chay khác với Công giáo. Muốn nhận định việc ăn chay mỗi tôn giáo phải căn cứ vào hệ thống giáo lý, pháp luật của chính tôn giáo đó.
Như vậy, Đạo Nghị Định Thứ Tám phải được nhận định và đánh giá từ chính hệ thống của ĐĐTKPĐ qua ba phương diện: pháp lý, giáo lý, lịch sử. Đó là cách tiếp cận nghiêm túc, công bằng.
1/ Tính Pháp lý
1.1/ Pháp lý đàn cơ
Đồng tử: Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Tiếp Đạo Cao Đức Trọng là hai đồng tử được Đức Chí Tôn chọn.
Địa điểm: tại Cung Đạo, Tòa Thánh Tây Ninh.
Tham dự: Ðức Quyền Giáo Tông, Cao Thượng Sanh, Cao Tiếp Ðạo và Lê Tiếp Thế; Thái, Thượng, Ngọc Chánh Phối Sư và Nữ Chánh Phối Sư, Ðạo hữu Nam-Nữ. Nghĩa là Thánh thể của Đức Chí Tôn.
1.2/ Xét về thẩm quyền (Nội dung)
Ngày 23-12-1931, Thượng Đế dạy: Thầy đã ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển “TNHT” Q2 trang 188, bản in 1972). Như vậy Giáo Tông và Hộ Pháp đủ quyền lập Đạo Nghị Định Thứ Tám.
1.3/ Pháp lý được giao quyền
Ngày 23-12-1931, Thượng Đế dạy: Thầy đã lập hình-thể hữu-vi của Thầy, nghĩa là Hội-Thánh của Đại-Đạo ngày nay rồi thì Thầy cũng phải ban quyền-hành trọn-vẹn của Thầy cho hình-thể ấy, đặng đủ phương tận-độ chúng-sanh,… (TNHT Q2 trang 188. 1972).
Như vậy Đạo Nghị Định thứ Tám có đầy đủ tính pháp lý.
1.4/ Thượng Đế nhìn nhận
Bằng chứng là sau khi ban hành Đạo Nghị Định Thứ Tám (và Chi phái Ban Chỉnh Đạo ra đời) Thượng Đế ban bốn ơn phước điển hình.
1.4.1/ Lập bảy phẩm Chức sắc Hiệp Thiên Đài
Tháng 3-1935, Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ dạy lập bảy phẩm Chức sắc Hiệp Thiên Đài: Sĩ Tải, Truyền Trạng, Thừa Sử, Giám Đạo, Cải Trạng, Chưởng Ấn, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.
1.4.2/ Ban Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo
Tháng 8-1935, Đức Cao Đài dạy ban Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo cho Hội Thánh Cao Đài.
1.4.3/ Dạy xây dựng Tòa Thánh trong 20 năm
Năm 1936, tiếp tục xây dựng Đền Thánh, Hội Thánh khởi công với số tiền ban đầu là 1$46, (giá lúa 0$20 một giạ; “đồng Piastre”). Tháng 6-1941 chính quyền Pháp bắt Đức Hộ Pháp và một số Chức sắc đày đi Madagascar (Phi Châu) và chiếm Tòa Thánh. Đến tháng 8-1946 Đức Hộ Pháp mới trở về tiếp tục xây dựng Đền Thánh.
Tòa Thánh không có bản vẽ nên Đức Lý Giáo Tông cầm tay chỉ việc xây dựng trong 20 năm.
Đến tháng 2-1955 thì tổ chức Lễ Khánh Thành.
1.4.4/ Xây dựng Châu Thành Thánh Địa
Thượng Đế dạy dùng 5 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí và dân sinh. Tạo ra cuộc sống an cư lạc nghiệp, xây dựng tinh thần đạo đức, nghĩa hiệp, tương thân, tương trợ nhau trong cuộc sống, tạo nếp sống theo bản sắc văn hóa Cao Đài. Qui hoạch Châu Thành Thánh Địa làm thủ đô tôn giáo. (2)
Đó là bốn bằng chứng Thượng Đế nhìn nhận Đạo Nghị Định thứ Tám.
Các chi phái sao chép chức phẩm Hiệp Thiên Đài, Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo… về sử dụng.
2/ Giáo lý.
Đạo Nghị Định Thứ Tám phù hợp với 4 lời dạy căn bản.
2.1/ Thượng Đế dạy: Lời Minh Thệ (22-4-1926)
“Tên gì? … Họ gì? … Thề rằng: Từ đây biết MỘT Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng Chư Môn-Đệ, gìn luật lệ Cao-Đài, như sau có lòng hai thì Thiên-tru, Địa-lục.” (TNHT Q1, trang 15. 1972)
… Từ đây biết MỘT Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế … chữ MỘT là số ít nên là duy nhứt, nghĩa là CHỈ CÓ MỘT Đạo Cao-Đài do Ngọc-Đế lập ra vào năm 1926.
Cho nên khi có Đạo Cao Đài thứ hai thì biết ngay không phải của Thượng Đế.
Đạo Nghị Định Thứ Tám là hệ quả từ Lời Minh Thệ. Đã Minh Thệ thì phải nhìn nhận Đạo Nghị Định Thứ Tám.
2.2/ Thượng Đế dạy ngày 24-4-1926
Còn cả Môn Đệ, ai cũng như ai, không đặng gây phe, lập đảng; nhược kẻ nào phạm tội, thì THẦY trục xuất ra ngoài, cho khỏi điều rối loạn. (TNHT Q1 trang 46. 1972).
Không có mạng lịnh Hội Thánh Cao Đài mà tách ra lập thành Hội Thánh là gây phe lập đảng. Thượng Đế trục xuất khỏi đạo. Đạo Nghị Định thứ Tám là công cụ để cụ thể hóa lời dạy trên đây.
2.3/ Thượng Đế dạy 14-8-1926
“Vậy các con khi nghe nói Cao Đài nơi nầy, Cao Đài nơi kia đừng vội tin mà lầm mưu Tà-Mị” (Phổ Cáo Chúng Sanh trang 6, bản in ngày 13-10-1926).
Đạo Nghị Định thứ Tám lập ra để thực thi lời dạy trên, bảo vệ người đạo.
2.4/ Thượng Đế dạy ngày 29-10-1926
Đ… Q… cả môn đệ Thầy duy biết có một chớ không biết hai; kẻ nào cưu tâm chia phe phân phái là đứa thù nghịch của Thầy. Con hiểu à! (TNHT Q1. Trang 47, 1972.)
Đạo Nghị Định Thứ Tám cụ thể hóa lời dạy trên đây, giúp tín đồ tránh làm đứa thù nghịch của Thượng Đế.
3/ Lịch sử
Kiểm chứng 3 giai đoạn: sự hình thành và tác dụng; ký kết 09 Điều kiện quy nhứt (1969); thực hiện việc quy nhứt đến 1975.
3.1/ Sự hình thành và tác dụng
Về nội bộ: Năm 1930, một số Chức sắc cao cấp không phế đời hành đạo. Do vậy Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp lập sáu Đạo Nghị Định (22-11-1930) để ổn định nội bộ và phát triển.
Về xã hội: chính quyền Pháp nghi ngờ Đạo Cao Đài chống Pháp nên khủng bố Hội Thánh (bắt giam Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt “1934”; bắt Đức Hộ Pháp và nhiều chức sắc khác “1941” đày qua Madagascar). Pháp khuyến khích, ủng hộ, tạo áp lực để Chức sắc lập thành chi phái.
Chi phái Minh Chơn Lý (1931)
Đạo Nghị Định thứ Năm (1930) buộc Chức sắc phải phế đời hành đạo. Ngài Phối Sư Thái Ca Thanh xin về quê thu xếp để lo hành đạo. Nhưng Ngài ở lại quê nhà và lập ra Chi phái Minh Chơn Lý tại Cầu Vỹ, Mỹ Tho.
Chi phái Minh Chơn Đạo (1932)
Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang hợp tác với Ngài Thái Ca Thanh để lập ra Minh Chơn Lý. Sau đó Ngài Trần Đạo Quang tách ra lập thành Hội Thánh Minh Chơn Đạo ở Hậu Giang.
Chi phái Tiên Thiên (1932)
Châu tri 67 ngày 31-12-1930 của Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh về việc Giáo Hữu Ngọc Chính Thanh luyện bùa chú tập bay… đến 1932 thì quý vị này hiệp lại lập thành chi phái Tiên Thiên.
Đó là ba chi phái tách ra từ Tòa Thánh Tây Ninh, trước khi có Đạo Nghị Định thứ Tám.
Khi Đạo Nghị Định thứ Tám ra đời thì Ngài Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh lập chi phái Ban Chỉnh Đạo Bến Tre (tháng 12-1934). Nhưng từ tháng 3-1933 hai vị đã nhiều lần lật đổ Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, chiếm Tòa Thánh bất thành… (3)
Từ 1935 đến khi Hội Thánh Cao Đài bị xóa (1983) không phát sinh một chi phái nào. Sau khi Hội Thánh bị xóa có chi phái 1997 ra đời tại Tòa Thánh Tây Ninh. Đó là những điều kiểm chứng được. (4)
Đạo Nghị Định thứ Tám đã ngăn chặn việc tách ra khỏi Tòa Thánh để lập ra chi phái. Trong khi đó từ 4 chi phái phát sinh rất nhiều chi phái.
3.2/ Ký kết 9 Điều Kiện Quy Nhứt (1969)
Tháng 05-1964, Ngài Trần Văn Quế Trưởng phái đoàn các chi phái đã liên lạc với Hội Thánh Cao Đài để bàn việc quy nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh. (5)
Vi bằng 1: Ngày 07-5-1964 Hội Thánh Cao Đài họp nội bộ chuẩn bị cho ngày 09-5-1965.
Vi bằng 2: Ngày 09-5-1965, họp chính thức với các chi phái tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Đạo Huynh Trần Văn Quế thuyết trình về mục đích cuộc gặp gỡ hôm nay để thảo luận cùng Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh về công cuộc vận động liên hiệp các Chi Phái Đạo và đặc biệt về kế hoạch thống nhất Chi Phái…. (hết trích)
Vi bằng 3: Ngày 23-8-1964, Hội Thánh Cao Đài họp với các Chi phái tại Nam Thành Thánh Thất, Sài Gòn.
Ông Huệ Lương đọc diễn văn khai mạc… Toàn hội đồng thanh bầu ông Tiếp Pháp Trương Văn Tràng đại diện Tòa Thánh Tây Ninh làm Chủ Toạ,… (hết trích)
Vi bằng 4: Phái đoàn Vạn Pháp Tông Truyền (Thủ Đức), họp với Hội Thánh Cao Đài ngày 19-7-1966 tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Vi bằng viết: … từ đây về sau chỉ thi hành nhất luật với TÒA THÁNH TÂY NINH….
Chúng tôi lập vi bằng nầy để chiếu dụng trong phạm vi ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ kể từ ngày nay. (hết trích)
Vi bằng 5: Phiên họp khoáng đại tại Tòa Thánh ngày 24-02-1969. Chủ tọa: Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.
Ngài Phan Khắc Sửu cựu Quốc Trưởng: Trưởng Phái Đoàn, đại diện 14 chi gồm có 72 vị.
Giáo Hữu Ngọc Chính Thanh đọc 9 Điều kiện quy nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh và tiến hành ký kết (chỉ có 4 vị bên Chi phái không ký tên). (5)
3.3/ Thực hiện quy nhứt.
Thánh Thất Từ Vân quy về (03-6-1972)
Bán Nguyệt San THÔNG TIN, số 54 phát hành ngày 20-6-1972 đăng tin Thánh Thất Từ Vân (100 Thích Quảng Đức, Phú Nhuận, Sài Gòn) qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh. (6)
Các chi phái về Tòa Thánh họp (22-11-1972)
Bán Nguyệt San THÔNG TIN số 65, phát hành ngày 30-11-1972 đăng tin: Đại diện 09 chi phái về Tòa Thánh họp tại Hội Trường Ban Thế Đạo (ngày 22-11-1972); mục đích: đẩy mạnh Cơ quy nhứt. (7)
Thánh Thất Mỹ Hiệp quy về (23-3-1975)
Bán Nguyệt San THÔNG TIN số 119, phát hành ngày 21-4-1975 đăng tin: Thượng Chánh Phối Sư Thượng Nhã Thanh tiếp nhận Thánh Thất Mỹ Hiệp do ông Lưu Thanh Hóa, (Ban Chỉnh Đạo) hiến về Tòa Thánh Tây Ninh (23-3-1975). (8)
Sau đó đến ngày 30-4-1975.
Như vậy, Đạo Nghị Định thứ Tám có đầy đủ pháp lý; phù hợp với giáo lý; cơ quy nhứt đã tiến hành từ 1969 đến 1975. Đó là những điều kiểm chứng được.
IV/ Giáo sư Janet Hoskins viết về Đạo Nghị Định Thứ Tám
Tiếng Việt: Con Người và Khả Năng Sáng Tạo Thần Học của Phạm Công Tắc. (9)
Tội ly giáo và hình phạt: Con Đường đến Bát Đạo Nghị Định (trang 09-11): … Một thời gian sau đó, để trả lời cho sự bỏ đạo và lập các nhánh mới, ông Tắc ban “Bát Đạo Nghị Định”, rút phép thông công của các nhóm ly giáo và đối xử với họ như những người bội giáo. Được đồng ký tên tại một đàn cơ với “Giáo Tông Vô Vi” Lý Đại Tiên, tài liệu này đã chứng tỏ là một trở ngại lớn nhất trong nhiều thập kỷ đối với những nỗ lực để thống nhất lại nhiều nhánh của Đạo Cao Đài. (Trang 10).
Tiếng Anh: A Posthumous Return from Exile: The Legacy of an Anticolonial Religious Leader in Today’s Vietnam. (10)
Schisms and Sanctions: The Road to the Eighth Decree (trang 229-232):
Some time later, in response to defections and new branches, Phạm Công Tắc issued the “Eighth Decree,” which excommunicated schismatic groups and treated them as apostates. Co signed in a séance by the “Invisible Pope” Lý Đại Tiên, this document has proved to be the greatest obstacle to many decades of efforts to re-unify the various branches of Caodaism. Members of many smaller groups have pledged to try to achieve a new unity, but they have failed to draw Tây Ninh leaders to their meetings in any official capacity, Phạm Công Tắc’s position, which cast a great shadow over his successors, has been that the “mother church awaits the return of her errant children,” but the “children” cannot start re-uniting themselves. (232)
Hai trích đoạn trên cho thấy Giáo sư Janet Hoskins đã hiểu sai về Đạo Nghị Định thứ 8.
1/ Bốn cái sai kiểm chứng được
Sai một: Tính pháp lý.
Giáo sư Janet hoàn toàn không xét đến tính pháp lý của Đạo Nghị Định Thứ Tám trong ĐĐTKPĐ, trong khi pháp lý lại là căn bản nhất, quan trọng nhất. (Xem III, 1: Tính pháp lý)
Sai hai: Về giáo lý.
Lời Minh Thệ dạy: Từ đây biết MỘT Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế … chữ MỘT là số ít nên là duy nhứt, nghĩa là chỉ có MỘT Đạo Cao-Đài do Ngọc-Đế lập ra vào năm 1926. Đây là tiền đề cơ bản của ĐĐTKPĐ. Đạo Nghị Đinh là hệ quả từ Lời Minh Thệ. (Xem III, 2.1)
Giáo sư cũng viết sai với các lời dạy khác (xem III; 2.2; 2.3; 2.4).
Sai ba: Về lịch sử.
Giáo sư viết: … tài liệu này đã chứng tỏ là một trở ngại lớn nhất trong nhiều thập kỷ đối với những nỗ lực để thống nhất lại nhiều nhánh của Đạo Cao Đài…
Sự thật là Cơ quy nhứt thực hiện từ 1969 đến 1975, đó là việc kiểm chứng được (xem III, 3.2, 3.3). Lịch sử chứng minh rằng Đạo Nghị Định thứ Tám không cản trở việc các Chi phái quy nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh.
Giáo sư Janet đã viết sai sự thật.
Về phương diện nghiên cứu: Giáo sư viết Đạo Nghị Định Thứ Tám gây trở ngại cho những nỗ lực thống nhất…. Nhưng lại không cho biết: Căn cước của tổ chức đã nỗ lực thống nhất? Họ đã tiến hành vào thời gian nào? Địa điểm nào? Đạo Nghị Định Thứ Tám gây trở ngại cho họ như thế nào?
Nghĩa là Giáo sư không đưa ra bằng chứng khi lập luận.
Tóm lại: Giáo sư Janet Hoskins đã mắc ba lỗi căn bản khi viết về Đạo Nghị Định Thứ Tám. Không xét đến tính pháp lý; sai với giáo lý căn bản về tính duy nhất của Đạo Cao Đài; sai với sự thật về Cơ quy nhứt từ 1969 đến 1975.
Sai bốn: Giáo sư hiểu NHÁNH là Chi phái: là sai.
Trong ĐĐTKPĐ, Thượng Đế và các Đấng không hề dạy NHÁNH là Chi phái Cao Đài.
Trong ba thời kỳ phổ độ Thượng Đế lập có 4 NHÁNH mà thôi. Phật, Tiên, Nho là 3 NHÁNH thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ. (Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Bài Khai Kinh câu 10: Một cội sanh ba NHÁNH in nhau.)
TNHT Q1 trang 7. 1972: Cái NHÁNH các con là NHÁNH chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.
Chữ Cái NHÁNH là số ít, nghĩa là chỉ có một NHÁNH, tên của NHÁNH đó là ĐĐTKPĐ. Thời Tam-Kỳ Phổ-Độ Thượng Đế lập NHÁNH tên ĐĐTKPĐ, không có NHÁNH thứ hai. Thượng Đế không giao quyền lập NHÁNH cho ai.
Trong ĐĐTKPĐ, chi phái Cao Đài không phải là NHÁNH.
Giáo sư Janet đã viết sai sự thật về NHÁNH trong ĐĐTKPĐ. (11)
2/ Hậu quả
Giáo Sư Janet Hoskins giảng dạy ở đại học Nam California, nên những điều sai trên đây đã được truyền đạt đến các sinh viên; trình bày trong các hội thảo và phổ biến ra xã hội. Hậu quả là:
Các sinh viên, các học giả, hội thảo tiếp nhận thông tin không chính xác về Đạo Nghị Định thứ Tám.
Điều sai lệch về Đạo Nghị Định Thứ Tám trở thành tài liệu tham khảo, tạo ra hiệu ứng “Dĩ hư truyền hư”, điều sai lệch được nhân rộng.
Bằng chứng “Dĩ hư truyền hư” là Luật Khoa Tạp Chí đã truyền bá câu: … Tài liệu này đã trở thành trở ngại lớn nhất cho nỗ lực tái thống nhất các chi phái Cao Đài trong nhiều thập niên…. (12)
V/ Kết luận
Đạo Nghị Định thứ Tám thể hiện bản sắc pháp quyền của ĐĐTKPĐ, tính chính danh của Hội Thánh Cao Đài, bảo vệ sự thống nhất của đạo. Muốn hiểu chính xác Đạo Nghị Định Thứ Tám phải căn cứ vào: pháp lý, giáo lý và lịch sử của ĐĐTKPĐ. Chi phái Cao Đài đã quy nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh (1969-1975); như vậy Đạo Nghị Định Thứ Tám không gây trở ngại cho việc thống nhất.
Giáo sư Janet Hoskins viết về Đạo Nghị Định Thứ Tám, nhưng đã không xem xét ba yếu tố căn bản: pháp lý, giáo lý và lịch sử quy nhứt từ 1969 đến 1975; do vậy Bà đã hiểu sai. Giáo sư viết: Đạo Nghị Định thứ Tám gây trở ngại cho việc thống nhất Đạo Cao Đài là sai sự thật. Những cái sai của Giáo Sư đã lan truyền rộng rãi trong xã hội theo hiệu ứng “Dĩ hư truyền hư“.
Tín đồ Cao Đài có trách nhiệm gìn giữ và làm rõ bản sắc trong lành của ĐĐTKPĐ. Tôi và hiền muội Victoria sẵn sàng trả lời, tham gia hội luận, hội thảo để làm rõ sự thật này.
____________________
Tham khảo:
(1) https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2025/04/5795-anh-chup-phap-chanh-truyen-chu.html#more
(2) https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/07/3116-tuyen-tap-chon-phap-cao-ai-q1-tt-11.html#more
(3) https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2024/11/5496-tieu-su-ngai-thuong-tuong-thanh.html#more
(5) https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2015/12/885-05-vi-bang-hop-voi-cac-chi-phai.html#more
(6) https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/01/3031-phai-ao-tu-van-qui-nhut-1972.html#more
(7) https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/03/3086-ban-nguyet-san-thong-tin-so-65.html#more
(8) https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2025/01/5633-ban-nguyet-san-thong-tin-so-119-21.html#more
(9)/- https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2025/01/5624-con-nguoi-va-kha-nang-sang-tao.html#more
(10) https://englishkyoto-seas.org/wp-content/uploads/010202.pdf
(11) https://vietnamthoibao.org/vntb-phep-thu-ve-nhanh-trong-dao-cao-dai/
(12) https://luatkhoa.com/2023/02/pham-cong-tac-va-nhung-tu-tuong-tranh-dau-cua-dao-cao-dai/