Thới Bình
(VNTB) – ‘Phản động’ hôm nay rất có thể là ‘truy tặng anh hùng’ ở ngày mai.
Ở Việt Nam từ ‘phản động’ mang hàm ý về chính trị. Ai bị chụp chiếc mũ ‘phản động’, người đó dễ đối mặt với vô số phiền toái từ nhà chức trách.
Trong một bản tin phát trên đài truyền hình tỉnh Đồng Tháp hôm 13-10-2020, cho biết Bí thư Tỉnh uỷ đã gặp gỡ lãnh đạo cơ quan Đảng thuộc Tỉnh uỷ. Bản tin có nội dung như sau:
“Sáng ngày 13 tháng 10, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan có buổi gặp gỡ, chia sẻ với lãnh đạo các cơ quan Đảng thuộc Tỉnh uỷ.
Mượn triết lý giáo dục của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chúng ta không thể sống, làm việc và tồn tại đơn độc một mình mà phải được kết nối trong các mối quan hệ xã hội.
Khẳng định 85% thành công của một người phụ thuộc vào kết cấu mối quan hệ, Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng, muốn công việc được suôn sẻ, mọi người không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ của người khác. Do đó, nếu muốn nhanh chóng bước đến con đường thành công, nhất định phải có vòng giao tiếp của riêng mình, hơn nữa vòng tròn này càng rộng càng tốt.
Bí thư Tỉnh uỷ cũng mong muốn người cán bộ phải có tư duy hệ thống chứ không chỉ bó buộc vào lĩnh vực mình phụ trách, cần lấp đầy kiến thức để mở cửa tư duy. Bên cạnh đó, hãy biến công việc thành niềm vui, khi làm việc với tâm thế vui vẻ thì công việc sẽ thuận lợi hơn. Cảm xúc tốt giúp ta thăng hoa trong cuộc sống lẫn công việc.
Người lãnh đạo giỏi phải biết khơi gợi cảm hứng, truyền khát vọng, biến công việc thành niềm tự hào để cấp dưới của mình phát huy được năng lực, hoàn thành tốt công việc – Bí thư Tỉnh uỷ nhắn nhủ”.
Bản tin trên chuyển tải thông điệp với nhiều hàm ý khi nhấn mạnh rằng, “chúng ta không thể sống, làm việc và tồn tại đơn độc một mình mà phải được kết nối trong các mối quan hệ xã hội”. Căn cứ của triết lý đó là mượn từ UNESCO: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”.
Với việc một Bí thư Tỉnh ủy lại có cách diễn đạt như vậy khi gặp gỡ, chia sẻ với lãnh đạo các cơ quan Đảng thuộc Tỉnh uỷ, cho thấy dường như trước khi rời quê nhà Đồng Tháp để ra Hà Nội cho sửa soạn chiếc ghế quyền lực ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan muốn lưu ý các cộng sự là đừng cung cúc theo một định hướng nào đó của phe nhóm chính trị, mà cần biết nhìn rộng ra để có thể tương thích được với nhịp sống chung toàn cầu.
Nhà báo Bạch Hoàn, cựu phóng viên của kênh truyền hình VTV24, kể một câu chuyện liên quan đến lằn ranh sinh tử của chiếc mũ ‘phản động’: Sau hai năm đưa năng suất nông nghiệp lên gấp 3, gấp 5 lần bằng thí điểm khoán hộ, năm 1968, ông Kim Ngọc, bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã phải kiểm điểm vì đốt cháy giai đoạn, vì vượt rào, vì vi phạm nghiêm trọng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đến tận 20 năm sau, thí điểm “Khoán hộ” của Bí thư Kim Ngọc mới chính thức trở thành chủ trương của Đảng với tên gọi “Khoán 10”. Và, Khoán 10 đã cứu Việt Nam ra khỏi những trận đói trường kỳ, thậm chí có gạo để xuất khẩu.
Ý tưởng tạo nên sự thay đổi mang tính cách mạng ấy là “phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”.
Khoảng cách 20 năm từ một hành động xé rào cho đến sự công nhận bằng chính sách cho thấy, ở đất nước này, mọi sự đổi mới, dù đã mang lại thành quả tốt đẹp cũng sẽ bị vùi dập, cho đến khi lâm vào bế tắc, cho đến khi bước đến đường cùng thì người ta mới buộc phải thừa nhận.
Và nay, 32 năm sau khi thừa nhận tự chủ đổi mới sản xuất trong nông nghiệp, người ta lại đang thực hiện một cuộc đấu tố mới liên quan đến việc tự chủ, đổi mới giáo dục đại học tại trường Đại học Tôn Đức Thắng.
52 năm trước, Bí thư Kim Ngọc – một cá nhân với tầm nhìn đi trước thời đại bị cáo buộc vì đã dám xé rào. 52 năm sau, ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng – một cá nhân dám nghĩ, dám làm, bước qua những tàn tích của chế độ kiểm soát tập trung trong giáo dục đại học cũng đang bị vùi dập…”.
Xem ra ‘phản động’ hôm nay rất có thể là ‘truy tặng anh hùng’ ở ngày mai. Gam buồn cho đời sống chính trị xứ Việt.