Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phản hồi về bài “Khối ĐHQG TP.HCM: Bắt buộc phải có báo do sinh viên chủ quản”.

Chim báo bão (VNTB) Ngày 20 tháng 03, Việt Nam Thời Báo đăng bài “Khối ĐHQG TP.HCM: Bắt buộc phải có báo do sinh viên chủ quản” . Bài báo này nhận được nhiều ý kiến góp ý từ quý vị bạn đọc. Số lượng bình luận hàm chứa những câu hỏi xung quanh bài báo gia tăng, dẫn đến yêu cầu phải có một bài phúc đáp phản hồi.
Sạp báo giữa đại học Thể dục thể thao và đại học Khoa học tự nhiên
Sinh viên làm công và sinh viên làm chủ quản

Tiêu đề bài báo ngày 20/03 nhấn mạnh ý chính: một tờ báo do sinh viên chủ quản. Hiện nay, đúng là đại học quốc gia TP.HCM có những tờ nguyệt san giấy- hoặc kênh Radio từ ký túc xá. Nhân viên ở đây có thể là một vài sinh viên nhưng lãnh đạo chủ yếu vẫn là các “cán bộ” đã được “biên chế” kỹ càng. Do đó vẫn khó mà tin được rằng tờ báo đó là do sinh viên chủ quản và đại diện cho tiếng nói của sinh viên. Một ví dụ dễ hiểu, bạn vào quán cà phê, thấy nhân viên trong quán đó toàn là sinh viên và quán đó bán cho sinh viên, nhưng bạn vẫn không thể nói quán đó do sinh viên làm chủ quản được, vì ông chủ và bà chủ đứng sau quán đó không phải là sinh viên.

Khi nói đến một tờ báo do sinh viên làm chủ quản, để phân biệt với những tờ báo do giới hiệu trưởng làm chủ nhưng “gắn nhãn” sinh viên, hẳn không đưa ra dẫn chứng thì không thỏa mãn bạn đọc. Chẳng hạn ví dụ suất cơm trong ký túc xá sinh viên có giòi bò lúc nhúc ra trong những miếng thịt, đến đây các báo lớn như thanh niên và tuổi trẻ mới đăng còn báo của trường đợi lâu không thấy đăng. Thậm chí có những sinh viên đại học quốc gia TP.HCM tập Pháp luân công- một môn vô hại cho chính trị, mục đích chỉ để phục hồi sức khỏe, vậy mà bị đánh, bị đấm ngay trong khuôn viên đại học quốc gia TP.HCM giữa ban ngày, không biết chừng trước mặt một số thầy cô. Đã có nhiều tờ báo lề dân lên tiếng nhưng lãnh đạo khối này làm ngơ không nhảy vào can thiệp. Thậm chí, trong những ngày dân tộc cao điểm biểu tình chống Formosa, các kênh truyền thông của khối đại học quốc gia TP.HCM còn họp nhau đăng tin xếp lịch đột ngột họp đoàn- sinh hoạt lấy điểm rèn luyện đúng vào những ngày chủ nhật đó.

Tác giả bài báo này xin phép không kể thêm ra những scandal truyền thông “lề” lãnh đạo đại học quốc gia, e gây bất lợi cho sự ra đời của một tờ báo “lề” sinh viên sắp tới. Tập san của đại học quốc gia TP.HCM hay kênh radio của ký túc xá, hay trang Facebook không đăng những tin thiết thực, hoặc là chậm trễ đăng, lý do nằm ở tư duy quản lý. Ở Việt Nam, ăn lương của ai thì nói tốt cho người đó, nhất là khi người đó không fairplay (tất nhiên không nên so sánh với hãng tin BBC ăn lương chính phủ Anh nhưng không bênh vực cái sai của chính phủ Anh) . Khối đại học quốc gia TP.HCM giống như một vương quốc riêng, cũng như những vương quốc riêng của các sếp ngành hàng không hay cục đường sắt. Đương nhiên họ không thể cho phép sinh viên thực sự làm chủ quản tờ báo, kẻo sinh viên sẽ họp nhau lại mà đấu tranh chống tiêu cực rùm beng chăng?

Sinh viên ngày nay đọc những gì?

Để thu thập tài liệu, trong một thời gian dài phóng viên đã làm trắc nghiệm vui đối với sinh viên các trường thành viên khối đại học quốc gia TP.HCM. 100% không biết tên chính xác của tập san ra hàng tháng của khối đại học mình đang tham gia. Hầu hết các sinh viên nói rằng không biết tên kênh radio, thậm chí đa số những bạn học đến năm cuối đại học rồi mà chưa hề lên mạng nghe một chương trình của kênh radio đó. Một giảng viên lâu năm ngành ngữ văn và báo chí (nay là văn học và ngôn ngữ) nói rằng biết có một tập san như vậy nhưng chưa đến được với tay cô bao giờ, cô chưa đọc bao giờ. Chưa hết, một nhân viên thư viện của một trường lớn trong khối cũng không biết tên tập san đó, khi dẫn phóng viên lên phòng báo tạp chí thì tiếp tân phòng này cũng nói là nơi đây có tập san của trường (thành viên) nhưng không có tập san của khối đại học quốc gia. 

Tất nhiên khảo sát này chưa hẳn đã đủ để đưa ra một kết luận, bởi những người được hỏi là ngẫu nhiên và số lượng người được khảo sát cần mở rộng. Mặc dù vậy nó cũng cho phần nào cho thấy một thực tế nào đó. Báo radio dường như kém thị phần hơn so với báo mạng ngày hôm nay. Báo giấy cũng hẩm hiu tương tự, chỉ một tỉ lệ rất nhỏ sinh viên- nếu không muốn nói là không một ai bỏ tiền ra mua báo giấy để đọc. Những sạp báo trong đại học quốc gia TP.HCM, thay vì thế, bán rất chạy những truyện tranh dành cho thiếu nhi Nhật Bản: Conan, Doreamon, Naruto hay Shin-cậu bé bút chì.
Sạp báo lớn nhất của khối đại học, nằm gần ký túc xá khu A và đại học KHXH-NV và học viện An ninh Nhân dân
Những tờ báo trên sạp ở một vùng sinh viên lại chủ yếu bán cho các chú chạy xe ôm, các chú lái taxi và những ông bà lớn tuổi.Hai sạp báo lớn nhất khối đại học quốc gia TP.HCM trên đây không sạp nào trưng ra dù chỉ là một số nguyệt san của khối đại học này. Một thực tế đáng buồn cho nền báo chí bao cấp bằng tiền thuế của nhân dân- tiền học phí của sinh viên, được quyền in ấn phát hành nhưng lại không có nhiều người đọc. 

Một cách máy móc, nói rằng đại học quốc gia TP.HCM đã có cơ quan báo chí sinh viên thì cũng đúng, chẳng khác gì nói rằng Việt Nam đã có mấy nghìn cơ quan báo chí của dân, “dân chủ đến thế là cùng”. Khắp nơi trên thế giới, giai cấp thống trị nào ở đâu cũng biết hô hào dân chủ cả, nhưng vấn đề là ai thực sự làm chủ. Toàn trị đối với báo chí, nhất là ở Việt Nam, dẫn đến một trong các hệ quả tiêu cực là các báo địa phương không thể tự nuôi sống mình. Tập san đại học quốc gia TP.HCM nếu coi là một tờ báo địa phương thì bị dân địa phương thất sủng. Trái ngược với một đất nước có nền báo chí tiên tiến là Pháp quốc, xứ này có khoảng 180 000 tờ báo địa phương và tất cả các báo này đều đạt đến chuẩn mực báo chí và sống được nhờ nhu cầu của dân địa phương. 

Cuối cùng xin được gửi lời cám ơn quý vị bạn đọc đã đóng góp ý kiến cho bài báo trước. Người phóng viên gặp nhiều thắc mắc như thế buộc phải viết bài chặt chẽ hơn. Nếu không thừa nhận sự khắt khe ngày càng tăng lên từ bạn đọc, có lẽ không một tòa soạn nào vươn lên được. Thấy được kinh nghiệm các báo quốc doanh vì nói một chiều mà bị tẩy chay, các tòa soạn độc lập luôn cho phép tự do tranh luận. Và hơn hết, sự tương tác giữa bạn đọc với tòa soạn báo độc lập đã và đang thúc đẩy xã hội Việt Nam tiến bộ từng ngày.

Tham khảo:

Bài báo trước nhận được các phản hồi từ bạn đọc:


Kênh Radio thực hiện trong ký túc xá đại học quốc gia TP.HCM:


Đàn áp sinh viên tập Pháp luân công ngay giữa vườn hoa đại học quốc gia TP.HCM:

Tin bài liên quan:

VNTB – Tuổi thọ quy hoạch phải 500 năm, TP.HCM mới 7 năm đã vỡ

Phan Thanh Hung

VNTB- Điều tra: Quán Dư luận Viên đã biến ‘đa nhân cách’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh: Số phận của những đứa trẻ sinh sau 1975

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo