Nguyễn Nam
(VNTB) – Có lẽ Tổng bí thư cần thay đổi cách tiếp cận đời sống kinh tế và cả chính trị.
Trong bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, ông đã nhắc lại một mẫu câu thể khẳng định mà ông tâm đắc ở nhiều diễn văn trước đó, bao gồm cả các phát biểu mang tính huấn thị:
“…Với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta, Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực”.
Người viết bài này cho rằng cụm từ: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” là những ngộ nhận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về các ý tưởng cho ban hành chính sách, quyết sách trên cương vị là chính khách độc quyền lãnh đạo toàn diễn kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Nếu các “khẩu hiệu” trên là đúng thì “phản Trọng” đang bàng bạc khắp nơi mà không hề e dè, dấu giếm.
Đơn cử trong ngành du lịch tiếp tục có kêu gọi “liên kết du lịch, xin đừng để ‘đèn nhà ai nấy rạng’…”.
Mười năm trước. Tại hội thảo về “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch biển đảo quốc tế Nha Trang – Việt Nam tại Festival Biển 2013, các tham luận đều chung nhìn nhận là sự liên kết giữa các địa phương mới dừng lại ở việc ký kết văn bản hợp tác, hứa hẹn nhiều nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu.
Tháng 12-2011, tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), câu chuyện liên kết du lịch giữa 9 tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung nhận được sự tán thưởng rộng rãi. Lúc ấy, đại diện ngành “công nghiệp không khói” các tỉnh, thành phố khu vực này bắt tay ký kết hợp tác phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch liên vùng.
Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai, chương trình hợp tác nói trên được đánh giá là chưa hiệu quả, thiếu thiết thực và mang nặng tính hình thức. Nhiều địa phương nằm trong mắt xích liên kết nói trên, sau khi mau mắn hô hào hợp tác đã quay ra tổ chức các hoạt động du lịch như thể “một mình một mâm”.
Chương trình “Con đường di sản” kết nối du lịch Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam từng gây được tiếng vang, nhưng hơn 20 năm nay sản phẩm du lịch liên vùng này vẫn chưa thể trở thành một thương hiệu tương xứng với thế mạnh.
Các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm, có vẻ như ai cũng cho mình là trung tâm của “Con đường di sản”. Tình trạng “đèn nhà ai nấy rạng”, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau trong tổ chức khai thác khiến cho sản phẩm hợp tác đình đám một thời này ngày càng tỏ ra “đuối”, và nhiều khi chỉ còn là thứ trang sức làm đẹp chính sách của nhiệm kỳ lãnh đạo.
Lãnh đạo ngành du lịch của một tỉnh từng nói, đại ý là sau những cuộc hội thảo bàn về liên kết vùng, các nhà quản lý ngành du lịch địa phương đã ngồi lại với nhau, nhưng khi bàn đến việc ai sẽ là người đứng ra điều hành và chủ trì toàn bộ hoạt động liên vùng thì có chuyện không ai chịu ai, ai cũng muốn giữ vai điều hành để mang nguồn lợi về cho địa phương mình.
Sự thể nói trên, theo một chuyên gia du lịch, là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến kết quả của các chương trình liên kết trong thời gian qua không được như kỳ vọng.
Minh chứng như kỳ nghỉ lễ 5 ngày đã kết thúc hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5-2023, hàng triệu du khách đã đi tham quan, nghỉ dưỡng ở những khu, điểm du lịch trong cả nước, mang lại nguồn thu hàng chục ngàn tỷ đồng cho ngành du lịch.
Tuy nhiên, một số trung tâm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng đã không đón được lượng khách và doanh thu như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là do giá vé máy bay tăng cao, khiến nhiều du khách thay đổi kế hoạch. Cách làm du lịch kiểu “đèn nhà ai nấy rạng” này đang cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong phát triển ngành công nghiệp không khói của đất nước.
Trong kinh tế của “vùng kinh tế trọng điểm” cũng bắt gặp tình trạng tương tự.
Cảm giác mang tính cá nhân của người viết là ở những lần họp cấp chóp bu Trung ương, đến hiện tại vẫn chưa rõ ràng về tính đường xa với những việc làm, hành động cụ thể.
Lâu nay, hay ít nhất là trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người ta thấy rằng đa phần là nói suông trên bàn giấy, để rồi tan họp là mạnh ai nấy bước, không hề chút mảy may nào gọi là “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, mặc dù có vẻ ngoài quả thật đang chuông trống “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng” như sân khấu phường tuồng…
1 comment
Những người cuồng chống Trọng chỉ là vì có mặc cảm kém yêu nước mà thui