Anh Văn
(VNTB) – Chị Quỳnh Anh – người bị hành hung là người thuộc con cháu ai, “giang hồ đồn” rằng, chị thuộc cơ to lắm, là đương kim tiểu thư của “ông Nên”, rồi là con dâu Nguyên Thứ trưởng Bộ Công An; có chồng làm Phó TCT TC5,…
“Biết bố mày là ai không?”
Ngày 24/10, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã chỉ đạo Thanh tra chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Đào Vịnh Thuấn, sinh năm 1979 thuộc Đội Thanh tra Cầu Đường bộ – Sở Giao thông Vận tải Hà Nội – người liên quan đến vụ xô xát giao thông với nữ nhân viên Hàng không tại sân bay Nội Bài chiều 18/10.
Trước đó, chiều 18/10/2016, tại sân bay Nội Bài, camera an ninh sân bay ghi lại cảnh hai nam thanh niên một người túm cổ áo, một người lao vào tấn công một phụ nữ làm nóng hệ thống báo chí Việt Nam.
Kết quả, ngày 20/10 – Tổng công ty hàng không Việt Nam (VNA) phối hợp với các cơ quan liên quan lập biên bản, điều tra vụ việc đồng thời đã có văn bản kiến nghị xử lý nghiêm minh trường hợp này.
Cũng ngày 20/10, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 10/2016.
Thành ủy Hà Nội cũng lên tiếng chỉ đạo Công an Hà Nội thụ lý và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vạch ra hàng loạt sai phạm của ông Thuấn, ông Giám đốc Sở đã cho biết, hành vi “tạt má” của ông Đào Vịnh Thuấn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cán bộ công chức Thanh tra Giao thông – Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Và kết quả, “biết bố mày là ai không” đã bị sa thải khỏi vị trí đầy béo bở.
Hà Nội không vội được đâu
Chưa bao giờ câu “Hà Nội không vội được đâu” lại áp dụng đúng với ông Đào Vịnh Thuấn và ông Trần Dương Tùng. Thái độ “giang hồ quan chức” đã khiến ông phải trả giá bằng công việc mà có thể, ông đã mất rất nhiều tiền đút lót để lên được.
Chửi bới, mạt sát, dọa nạt thậm chí hành hung nhân viên của VNA là thái độ coi trời bằng vung của không ít vị công nhân viên chức nhà nước. Đặc biệt tại Hà Nội, thái độ này càng được dịp nảy mầm mạnh hơn nữa. Nhưng cũng không may cho ông Đào Vịnh Thuấn, khi mà ông quên rằng, chức Thanh Tra mà ông đang làm lại là thứ Thanh Tra hợp đồng, ông cũng quên nốt rằng – thủ đô Hà Nội nơi ngày xưa ra đường chạm mặt anh hùng thì nay đã trở thành chạm mặt của những quan chức, con cháu của đại công thần, con cháu của “chú Nhanh, anh Nên, bác Quang,…”.
Chị Quỳnh Anh – người bị hành hung là người thuộc con cháu ai, “giang hồ đồn” rằng, chị thuộc cơ to lắm, là đương kim tiểu thư của “ông Nên”, rồi là con dâu Nguyên Thứ trưởng Bộ Công An; có chồng làm Phó TCT TC5,…
Không ai biết rõ, nhưng mà chị Quỳnh Anh lại gốc nhà ở Trần Phú; mà dân Hà Nội ai cũng biết rằng Trần Phú – Lý Nam Đế và Nguyễn Tri Phương là nơi quan quân trú ngụ.
Dân mạng tung hô, người dân đầu xóm – cuối chợ hả hê với quyết định; lâu lắm rồi họ mới “sướng” cái sướng mà một kẻ công bộc của dân – hạch sách lại đụng phải “cốp to”.
Nỗi buồn luật pháp Việt
Chị Quỳnh Anh đã điều trị xong, câu chuyện hành hung nữ tiếp viên VNA không những không chìm xuồng mà còn theo chiều hướng ngược lại – kẻ có thái độ coi trời bằng vung đã trả giá. Nhưng rồi, lại đặt ra giả định: nếu chị Quỳnh Anh không phải là gốc nhà Trần Phú; giả như rằng đó chỉ là một người dân bình thường – một nhân viên gốc nông dân thì liệu rằng, sự việc đó có phải được thổi bùng lên trở thành một sự trừng phạt thích đáng. Hay vốn dĩ như bấy lâu nay, dân đen thì chìm xuồng – quan chức nổi lên và pháp luật chỉ dành cho những ai có quyền và tiền.
Cũng không đâu xa, một CSHS ở huyện Đông Anh (Hà Nội) “gạt tay vào má” một nhà báo thuộc báo Tuổi Trẻ, khiến người này xây xẩm mặt mày và kết quả sau đó, anh nhà báo nhận được quyết định xử phạt hành chính.
Nhìn bản chất của sự việc diễn ra tại cầu Nhật Tân và tại sân bay quốc tế Nội Bài tuy hai mà là một. Đó là làm gì làm, trước khi xúc phạm – hành hung – mạt sát một ai đó ở Hà Nội; cũng nên hỏi “anh ở đâu tại Hà Nội; anh làm gì tại Hà Nội; anh có quen ai là công chức Hà Nội” để theo đó mà tiện đường xử lý. Chứ nếu không hỏi thì lại rơi vào thảm cảnh như ông Đào Vịnh Thuấn và người bạn đi đường của ông.
Hàng loạt vụ viên quan chức nhà nước hà hiếp người dân và bị chìm xuồng; hàng loạt những vụ dân đen lên tiếng đòi công bằng với viên quan chức được tặng một cái áo tù – quyết định xử phạt hành chính…
Hà Nội – không vội được đâu là câu nói đau lòng nhất về mặt công bằng luật pháp. Cũng chỉ bởi Việt Nam – đồng tiền và quyền thế khiến công lý đảo nghịch và thượng tôn pháp luật (dùng để đảm bảo sự cân bằng cho nhóm người yếu thế trong xã hội) là một khái niệm cực kỳ mơ hồ và đầy xa xỉ – với dân nghèo.
“Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt. Tất cả đều được quyền bảo vệ ngang nhau, chống lại mọi kỳ thị vi phạm Bản Tuyên Ngôn này, cũng như chống lại mọi kích động dẫn đến kỳ thị như vậy.” Điều 7 – Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
