Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phát biểu của một số các nạn nhân bị chính quyền đàn áp tôn giáo

TS Phan Quang Trọng

 

(VNTB) – Những nạn nhân bị chính quyền VN đàn áp tôn giáo phải lâm vào cảnh tù đày, gia đình ly tán, mất thánh thất, thậm chí mất cả mạng sống…

 

Trong buổi họp trực tuyến ngày 21 tháng 11 năm 2024 giữa nhiều nhà hoạt động cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam và Ts. Stephen Schneck, một trong những lãnh đạo của Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ, USCIRF, một số nạn nhân đã lên tiếng tố cáo chính quyền VN đàn áp tôn giáo.

 

Phát biểu của Bà H Bleng Niê, vợ tù nhân Tin lành Tây Nguyên, Y Pum Bya:

Xin chào tất cả quý vị, tôi tên là H Bleng Niê. Chồng tôi là Y Pum Bya, hiện tại đang ở trong tù.

Năm 2017, chồng tôi bắt đầu học Kinh Thánh tại Hội Thánh Truyền giảng Phúc âm ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Anh hy vọng rằng việc này sẽ giúp gia đình tôi sống tốt hơn, gần gũi hơn với niềm tin của mình. Sau hơn một năm, ông Y Ngăm Mlô và ông Y Bhĭ Niê, thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam, đến nhà yêu cầu chồng tôi gia nhập hội thánh của họ. Chồng tôi từ chối.

Năm 2020, khi chồng tôi bị [chính quyền] giam giữ, họ lại đến. Lần này có Mục sư Y Bhư̆n Mlô và một người khác. Họ tiếp tục ép tôi và gia đình phải gia nhập hội thánh của họ.

Tôi kiên quyết từ chối. Tôi không hiểu vì sao tín hữu của hội thánh được Nhà nước công nhận lại chủ động áp đặt niềm tin tôn giáo của họ. Tôi yêu cầu họ rời đi và đừng quay lại nữa.

Chồng tôi từng bị bắt lần đầu vào năm 2002, khi con út của tôi mới hai tháng tuổi.

Lý do chỉ vì anh viết thư đòi tự do tôn giáo. Anh bị cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết” và chịu án 8 năm tù. Trong thời gian đó, tôi một mình nuôi bảy đứa con, gánh gồng mọi thứ trong sự nghèo khó và lo âu. Chồng tôi kể về những lần bị tra tấn, bị ép cung trong điều kiện tồi tệ. Sau khi được trả tự do, anh tiếp tục bị giám sát chặt chẽ, bị triệu tập, bị cấm cản sinh hoạt tôn giáo tại nhà.

Năm 2018, chồng tôi lại bị bắt vì tiếp tục giữ vững đức tin. Anh bị đánh đập, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Tôi cố gắng hết sức để nuôi con và gửi thăm nuôi, phải bán từng con heo, con gà để có tiền.

Vì không thể chịu đựng được sự đàn áp, năm 2020, tôi và con trai đã phải chạy sang Thái Lan để xin tị nạn. Dù cuộc sống rất khó khăn, chúng tôi ít nhất không còn phải đối mặt với sự sách nhiễu hàng ngày. Điều tôi lo lắng nhất là tình trạng sức khỏe yếu của chồng tôi do bị tra tấn và thiếu thốn trong tù, trong khi tôi không thể thăm nuôi anh.

Tôi khẩn thiết kêu gọi các tổ chức và cộng đồng quốc tế lên tiếng để giúp chồng tôi được trả tự do. Sự can thiệp của mọi người là hy vọng để gia đình chúng tôi có thể được đoàn tụ. Xin chân thành cảm ơn.

 

Ông A Mích phát biểu:

Tôi thu thập thông tin của nhiều nạn nhân thuộc Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên bị áp lực tham gia Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam. Họ viết tay và chụp hình tờ giấy để gửi cho tôi qua điện thoại. Tôi dùng máy vi tính để hoàn tất báo cáo bằng tiếng Việt. BPSOS dịch sang tiếng Anh và nộp cho quốc tế và Ủy hội của ông. Chính tôi đã liên lạc với anh Y Bum Bya, người đã chụp hình báo cáo do anh ta viết tay và gửi cho tôi. Sau đó bị chết vì treo cổ sau khi công an hẹn anh ta đến gặp họ trong một nghĩa địa vắng vẻ.

Tôi không theo Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam, phải tị nạn ở Thái Lan gần 9 năm rồi mà công an còn ép cha mẹ tôi nhắn tôi là nên quay về Việt Nam vì chính quyền sẽ khoan hồng. Tôi biết có một số người đã quay về nhưng bị bỏ tù. Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

 

Bà H Lisa Niê phát biểu:

Tôi cũng thu thập thông tin của nhiều nạn nhân thuộc mấy hội thánh Tin lành tại gia độc lập với Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam. Tôi dùng điện thoại để hoàn tất báo cáo bằng tiếng Việt. BPSOS dịch sang tiếng Anh và nộp cho quốc tế và Ủy hội của ông. Chúng tôi bị sách nhiễu, bắt bớ, đánh đập từ mấy chục năm nay, Cả chồng tôi và tôi đang tị nạn ở Thái Lan.

Công an thường theo dõi và vào nhà cha mẹ tôi để hỏi tại sao tiếp tục sinh hoạt tôn giáo trái phép. Họ đe doạ, yêu cầu những chủ đất địa phương không được thuê cha tôi làm lao động vì ông chống đối chính quyền. Khi tôi còn ở Việt Nam, các trẻ em nhỏ tuổi trong nhà của chúng tôi rất hoảng sợ mỗi khi công an vào nhà và đe dọa.

Gia đình cha mẹ và các em tôi rất nghèo khổ vì chính quyền bóp chẹt kinh tế và không cho hưởng quy chế hộ nghèo như các người nghèo theo hội thánh của chính quyền. Tôi biết nếu chúng tôi theo hội thánh của chính quyền thì sẽ không còn bị khó khăn nữa. Xin cảm ơn mọi người đã lắng nghe.

 

Ông Lù A Lỳ:

Chúng tôi theo Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc. Chính quyền và dân trong bản của chúng tôi ép chúng tôi bỏ đạo, nhưng Hội thánh không can thiệp.

Thay vì bảo vệ, Hội thánh đã trục xuất chúng tôi khi chính quyền buộc chúng tôi phải bỏ đạo Tin lành.

 

Ông Lù A Hua:

Trước đó, năm 2021, chị của chúng tôi là Lẩu Y Tòng ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đã theo đạo Tin Lành và gia nhập Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc. Năm 2022, chính quyền ra lệnh cho chị Tòng bỏ đạo. Chị Tòng không bỏ đạo, bị đuổi ra khỏi làng, xa 2 người con mỗi đứa 14 tuổi và 16 tuổi. Chị Tòng vào thành phố Sài Gòn ở miền Nam và được một mục sư người Việt cho sống tạm ở đó. Ông đã cùng chị ra Hà Nội, thủ đô Việt Nam, và yêu cầu Ủy ban Tôn giáo Chính phủ can thiệp, nhưng họ đã không giúp đỡ.

Sau đó, chính quyền ép tôi và em gái của tôi bỏ đạo. Tôi bị công an tra hỏi tại đồn công an, và tôi phải bế con tôi đến đồn công an, rất khó khăn cho tôi. Hội thánh thông báo cho hai chị em rằng họ trục xuất chúng tôi ra khỏi hội thánh. Cuối cùng, vào năm 2023 chúng tôi sắp bị công an bắt và đã phải tị nạn ở Thái Lan.

 

Ông Nguyễn Anh Phụng/ Cao Đài:

Tôi sống ở tỉnh Tiền Giang, Việt Nam. Sau khi chính quyền Việt Nam lấy mất 300 thánh thất Cao Đài và Toà thánh Tây Ninh của Giáo hội Cao Đài chơn truyền được thành lập vào năm 1926, họ đã giao cho một nhóm có hoạt động tôn giáo là chi phái Cao Đài do chính quyền dựng lên vào năm 1997. Chính quyền và chi phái này luôn ép buộc người Cao Đài phải theo họ, nhưng nhiều tín hữu không chịu vì giáo lý của chi phái khác biệt với giáo lý chơn truyền. Đã không còn thánh thất, vậy mà khi chúng tôi hành đạo tại nhà của đồng đạo, chi phái và chính quyền lại còn cho người đến tấn công, ngăn cản.

Vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2024, tôi tham dự một tang lễ ở xã, tỉnh Tây Ninh do một quả phụ tổ chức vì chồng của bà này dặn bà không mời chi phái đến hành lễ. Ngày 31 tháng 10, người của họ vào nhà của bà, yêu cầu để họ làm lễ tang cho chồng bà. Khi bà từ chối, họ làm dữ và lấy mất hai cái giá để đặt trống lên và dùng trong nghi lễ. Ngày 1/11/2024, chi phái động viên Ban cai quản chi phái của nhiều xã khác và nhiều côn đồ tấn công chúng tôi trong nhà của bà Trần thị Lan. Tình hình quá găng đến nỗi một đồng đạo ở tỉnh khác đã nhờ lãnh sự quán Hoa Kỳ can thiệp. Chúng tôi mới có thể thi hành tang lễ sau khi họ rời khỏi. Chính quyền không hề can thiệp dù bà Lan đã gọi cấp tốc ba lần ngày hôm đó. Chi phái Cao Đài 1997 có hành vi không giống một giáo hội, và đã bị một toà án ở Hoa Kỳ phán quyết là một “băng đảng có tổ chức” dựa trên luật băng đảng liên bang.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp chúng tôi được quyền hành đạo tại các thánh thất đang bị chi phái sử dụng, nhất là năm 2025 là năm đánh dấu 100 năm hành đạo của Giáo hội Cao Đài chơn truyền. Cảm ơn quý vị.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Công nhân không có của để dành: trách nhiệm chính thuộc về Đảng Cộng Sản

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Báo chí trong đời sống chính trị ở Việt Nam

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Võ Thị Sáu

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo