Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phê bình “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu

Giang Nam (VNTB) Ngày 3/7/2015 hơn một triệu thí sinh lớp 12 đi dự cuộc thi quan trọng đầu tiên của cuộc đời, cuộc thi “hai trong một” (thi tú tài và thi tuyển vào đại học) . Đề thi Văn này sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong cả cuộc đời thí sinh. Rất tiếc câu 2 trích từ một tác phẩm văn học chất lượng kém. Đành rằng nền văn học nào cũng có tác phẩm hay và dở, hay thì đọc, dở thì bỏ qua, hay khen, hèn chê. Đó là tính dân chủ của văn học. Nhưng một tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa cho học sinh nhất định phải là tác phẩm hay, cổ nhân gọi là sách kinh điển. 

Tin liên quan: Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa


Trong bài báo trước, chúng tôi đã phân tích câu 2 của đề thi Văn (chiếm tới 4 điểm) được trích từ truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu 

Sơ lược truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”  


Phóng viên Phùng từ Hà Nội đi vào vùng duyên hải miền Trung, chụp ảnh làm lịch Tết, nhân gặp lại bạn đồng đội cũ tên Đẩu làm chánh án huyện. Anh chụp được bức ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” rất đắc ý, cảm hứng ngây ngất trước “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”, “trái tim như có cái gì bóp thắt”, “khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Sau đó, anh chứng kiến cảnh “chiếc thuyền vào bờ” và người chồng ngư dân đánh đập vợ dã man. Lần thứ hai anh lại phải chứng kiến cảnh đó và dũng cảm ra tay can thiệp. Anh được bạn chánh án kể chuyện gia đình thuyền chài khổ cực như thế nào và lắng nghe tâm sự của nữ nạn nhân. Anh và bạn bó tay trước hoàn cảnh nan giải của vợ chồng hàng chài…Mặc dù thất vọng về bức ảnh của mình, anh vẫn phải về nộp ảnh cho cơ quan và bộ lịch treo Tết vẫn hoàn thành.

Nội dung truyện có thể chia làm hai phần.

Phần 1. Cảnh khổ cực của gia đình thuyền chài và nạn bạo hành.

Phần 2: Tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn.

Hai phần đó đan kết vào nhau tạo ra tác phẩm. 

So sánh khiên cưỡng nghệ thuật nhiếp ảnh với nghệ thuật văn chương
Bức ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” của phóng viên Phùng có giá trị riêng, trọn vẹn của thể loại nhiếp ảnh. Phong cảnh sương sớm và chiếc thuyền đang vào bờ “trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ…, một vẻ đẹp thực đơn giản dị và toàn bích…, cái chân lý của sự toàn thiện…cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đủ cho một bức ảnh phong cảnh mang tên đại loại như “Thuyền về trong sương sớm”, hay là “Biển sớm” (giả dụ phóng viên Phùng đặt tên cho bức ảnh như thế) và sẽ in vào tấm lịch tháng treo ngày Tết. 
Phong cảnh có nghĩa là “cảnh đẹp”. Lịch tháng treo tường mỗi tháng chọn một phong cảnh, nếu tương đồng với mùa vụ khí hậu càng hay. Phong cảnh cần đem lại cảm xúc tươi đẹp, dễ chiụ cho con người. Lẽ nào một bức ảnh lịch treo tường Tết lại tả cảnh anh chồng ngư dân đánh đập vợ trên bãi biển (?!) 
Nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật chộp được cái khoảnh khắc ưng ý nhất, may mắn thì bắt gặp, nếu không thì nghệ sĩ phải công phu dàn dựng. Nhà báo Phùng chộp được bức ảnh ưng ý, phù hợp ý tưởng nghệ thuật của mình. Đó là khoảnh khắc có ý nghiã của cuộc sống, dù chỉ là một lát cắt ngang. Nhưng đó cũng là sự hạn chế của nhiếp ảnh do nó không thể hiện được sự vận động của đời sống theo thời gian. Chỉ có văn chương mới có khả năng to lớn ấy. 
Nhà báo ảnh chụp được bức ảnh “Chiếc thuyền vào bờ trong sương sớm” khi cảm xúc thực sự trào dâng, anh đã “bấm hết nửa cuốn phim” chỉ để chọn một bức. 
Đoạn kết truyện cho biết: tập ảnh vẫn được duyệt và in thành lịch treo. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đã phát hiện những vẻ đẹp lao động của ngư dân lồng trong phong cảnh biển khơi nên thơ trong sương sớm. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Thể tài ảnh lịch miêu tả như thế là đúng đắn. Thực khiên cưỡng khi nhà văn đòi hỏi ảnh lịch Tết phải đưa cảnh “chồng bạo hành vợ” vô đây (?!). Ngày xưa nhà văn Nam Cao đã so sánh dòng văn học hiện thực với dòng văn học lãng mạn giai đoạn 1930-1945 nhuần nhuyễn hợp lý hơn nhiều. 
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đòi ống kính nhiếp ảnh phải miêu tả cả “chiếc thuyền ở gần” với cảnh chồng bạo hành vợ. Tuy nhiên, cảnh “ở gần”, tức là cuộc sống hiện thực của nhân vật ngư dân, chỉ có thể do văn chương đảm trách với khả năng miêu tả rộng rãi đầy đủ của nó, không bị thời gian và không gian cản trở. 
Nghệ thuật xây dựng nhân vật non yếu 
Nhà văn miêu tả người đàn bà thay đổi thái độ (từ sợ sệt khúm nùm đến sắc sảo) đến điệu bộ khác, ngôn ngữ đổi khác trong khi gặp Đẩu và Phùng. Nhà văn không lý giải được điều đó. Nghệ thuật xây dựng nhân vật như thế còn non yếu. 
Đây là đoạn văn trình bày cái khổ cực của người đàn bà. Đoạn văn này giữ vai trò quan trọng giúp cho phóng viên Phùng và Đẩu chánh án tòa huyện hiểu số phận gia đình hàng chài.: 
“Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. 
Câu nói lộn xộn, lủng củng, mâu thuẫn trên là của nhà văn chứ không phải của người đàn bà. Bởi vì nhà văn tả rằng chị ta nói rất tỉnh táo: “người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình”. 
Câu văn quá dài nêu ra ba nguyên nhân nỗi khổ: đẻ nhiều, chiếc thuyền hẹp, ông trời làm động biển, và một cái sướng: “từ ngày cách mạng về đã đỡ khổ”. 

Truyện ngắn mang rõ tính chất “tuyên ngôn nghệ thuật”, cũng gọi là tiểu thuyết “luận đề”.

Đó là tuyên ngôn: văn học cần phải miêu tả hiện thực nghiêm nhặt, phải miêu tả được bi kịch của người dân lao động hơn là miêu tả cái bề ngoài lãng mạn, đẹp mắt. Tuyên ngôn thật giản dị và đúng đắn.

Nhưng tuyên ngôn này rất cũ bởi nhà văn Nam Cao đã hoàn thành từ trước đó hơn nửa thế kỷ với thiên truyện nổi tiếng “Trăng sáng” và “Đời thừa”. Nghệ thuật của một dân tộc như một dòng chảy bất tận không lặp lại. Nếu viết về một chủ đề cũ thì nhà văn đi sau phải khác biệt hoặc cao hơn, sâu sắc hơn. Xem ra, tác phẩm tuyên ngôn của Nguyễn Minh Châu chưa thể sánh bằng Nam Cao về mặt nghệ thuật. Cơ bản vì Nguyễn Minh Châu đã mắc thiếu sót lớn về mỹ học khi ông coi rẻ nghệ thuật nhiếp ảnh và lúng túng, thiếu nhất quán, tự mâu thuẫn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật . 

Đoạn văn luộm thuộm kỳ lạ “…từ ngày cách mạng về đã đỡ khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…”. 
Theo logic câu, “Cách mạng về” làm thay đổi, khiến “ông trời” không dám “động biển” nữa ? Nhà văn cố ý ca ngợi “cách mạng” để giữ lập trường nhưng viết chưa trọn câu, lúng túng quá, nói cho qua chuyện thì thôi. Suốt câu chuyện bạn đọc không thấy cách mạng giúp gì cho vợ chồng thuyền chài này. Ấy là chưa nói, ông chánh án huyện còn làm phiền hà gia đình này nữa. 
Người đàn bà suy ngẫm rồi kết luận: “Nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. 
Người đàn bà đánh cá mang ơn nặng nghĩa dày của anh hàng chài nghèo chiụ cưới người con gái xấu (còn trong truyện ngắn “Đời thừa”: nhân vật chị Từ cũng dược văn sĩ Hộ cứu vớt cuộc đời lỡ dở nên chị hàm ơn Hộ suốt đời). Chị vợ đánh cá cũng khen chồng vốn là một “anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”…(nhân vật văn sĩ Hộ cũng hiền lành vậy, chỉ khi viết văn bế tắc, uống rượu say mới chửi vợ)… Ngay cả tình tiết này Nguyễn Minh Châu cũng chịu ảnh hưởng Nam Cao nhưng lại chưa nhuần nhuyễn bằng Nam Cao. Nhân vật Từ nhẫn nhịn chịu đựng những con say của văn sĩ Hộ vì tình nghĩa. Chị vợ hàng chài nhịn nhục vì cuộc sống thuyền chài cần người đàn ông, nghĩa là chị này tính toán thực dụng hơn, không vì ân nghĩa như nhân vật Từ. Nguyễn Minh Châu thua xa Nam Cao trong việc xây dựng nhân vật phụ nữ khổ đau nhưng có phẩm chất tốt đẹp! 
Hóa ra, toàn bộ cái khổ chủ yếu do hai vợ chồng hàng chài không chịu “kế hoạch hóa gia đình”, tức là do dân trí thấp, hoặc là do nhà nước chưa biết quản lý dân số bằng “kế hoạch hóa”. Chủ đề tư tưởng của truyện ngắn hóa ra nhẹ hều, xem như một tác phẩm cổ võ cho chính sách “kế hoạch hóa gia đình”, vậy thôi. 
Chưa hết, nhà văn tả cảnh chẳng phải vô tình tới bốn lần nhắc đến cái “xe tăng hỏng bánh xích” và “xe rà mìn của công binh Mỹ” nằm trên bãi biển, những dấu hiệu chỉ ra rằng đây là vùng đất miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy. Lại thêm anh hàng chài “túng quẫn đi vì trốn lính”, anh ta cũng được đồng nhất như một loại “xe hỏng” nữa. Tóm lại, theo nhà văn, câu chuyện gia đình bi đát ấy là hậu quả ở miền Nam sau chiến tranh (!) Miêu tả hiện thực như vậy là mang sẵn định kiến, thành kiến, chưa phải là nhà văn hiện thực sâu sắc và khách quan. 
Văn học hiện thực có bổn phận miêu tả và lý giải được hiện thực. Nhà văn đã tự mâu thuẫn, lúng túng với thể loại truyện ngắn vốn có khả năng miêu tả và lý giải ưu thế hơn mọi loại hình nghệ thuật khác. Huống chi, chưa nói nhiếp ảnh lại bị nhà văn khinh rẻ oan khuất. 
Hai nhân vật Phùng và Đẩu là những chiến binh bước ra khỏi cuộc chiến tranh, nhận thấy phải tiến hành những cuộc đấu tranh mới. Đây là tia sáng yếu ớt mang lại một chút giá trị cho truyện ngắn nhiều thiếu sót này. Nhưng nó chỉ là kết luận mang tính luận đề, không toát ra từ câu chuyện. 
Tiếc thay, nhà văn qua đời năm 1989, nếu ông còn sống đến nay (đầu thế kỷ 21) ắt sẽ được biết nhiều cảnh bạo hành gia đình rải rác khắp cả nước, báo chí đăng tải hà rầm, chắc ông sẽ viết truyện ngắn khác. Tiếc thay đến năm 2007, Bộ giáo dục lại chọn “Chiếc thuyền ngoài xa” vào sách Văn 12- một cuốn sách kinh điển cho thế hệ trẻ. 
Đến nay nhìn lại, những tác phẩm Nguyễn Minh Châu viết về chiến tranh trước năm 1975 chẳng còn giá trị được bao nhiêu, may chăng vớt vát còn truyện ngắn“Mảnh trăng cuối rừng” viết khéo tay, thực ra là một bài thơ văn xuôi hơn là một truyện ngắn. Thực chất ông bắt đầu nổi tiếng là từ truyện ngắn “Bức tranh” mở đầu cuộc Đổi Mới ngoạn mục của văn học đương đại, sau đó tập truyện “Bến quê”, “Khách ở quê ra”, “Cỏ lau”…và đặc biệt bài tùy bút “Hãy nói lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa”. Nghĩa là, đến giai đoạn hậu chiến ông mới đem lại cho văn chương những tác phẩm gía trị. Nhà soạn sách giáo khoa chưa dám mạnh dạn ghi nhận như vậy mà vẫn lan man kể lể các tác phẩm yếu kém trong chiến tranh trong bài soạn sách giáo khoa. 
Tôi dự đoán, các bạn đồng nghiệp dạy Văn trung học phổ thông khó tránh khỏi lúng túng khi hướng dẫn HS chiếm lĩnh tác phẩm phức tạp và đầy mâu thuẫn này. 
Trên đây chỉ là vài ý kiến phác thảo, mong bạn đọc cùng góp bàn cho rõ vấn đề hơn. 
Chú thích: 
Chúng tôi căn cứ trên Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập Hai, sách nâng cao, Nhà xuất bản GD, năm 2008, trang 89. 

Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa

“… khi anh viết bài Ai điếu, đọc sướng rêm, gặp anh mình ôm chầm lấy liền, nói trời ơi không ngờ Nguyễn Minh Châu nói năng dũng mãnh thế này. Anh mặt mày nghiêm trọng, kéo mình vào một góc, nói trong kia có ai nói gì mình không. Mình nói không ai làm gì anh đâu, thời buổi đổi mới rồi anh ơi.

Anh cười, thở hắt ra, nói không viết thì không nhịn được, mà viết rồi lại cảm thấy mình có lỗi, dù sao mình ăn nằm với người ta quá nửa đời. Hiếm nhà văn nào đựơc như anh, phẩm tiết trước sau như một nhưng cái lòng thương người, thương chế độ thật mênh mông”. (theo FB Bọ Lập hồi ức 3/7/2015) 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lưu Quang Vũ – nhà thơ phản chiến đầu tiên ở miền Bắc trước 1975

Phan Thanh Hung

VNTB – Nghiên cứu lịch sử: “Quốc tế cộng sản” ngày ấy…bây giờ

Phan Thanh Hung

VNTB- Vụ máy bay tai nạn kép: Hà Nội – thưởng và phạt, lợi hay hại?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo