Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phép nhà hay phép công?

Phương Thảo (VNTB) – Việc giúp đỡ người nghèo là cần thiết nhưng không phải lúc nào xã hội cũng phải có nghĩa vụ cưu mang những người nghèo và người giàu phải có nghĩa vụ san sẻ cho người nghèo.

Xử sự theo tình cảm hơn là theo lý trí vốn được coi trọng qua những chuẩn mực chung của xã hội như “lá lành đùm lá rách”, hay “nhường chị nhường em.” Với những suy nghĩ như vậy thì dĩ nhiên người nghèo, người cô độc, người yếm thế sẽ luôn được nâng đỡ khi cần. Điều này không có gì sai khi họ thật sự cần một bàn tay chìa ra để giúp họ qua cơn khốn khó và tự đứng trên đôi chân của mình. Nhưng lại cũng vì ý nghĩ phải nâng đỡ những mảnh đời tội nghiệp mà nhiều sự việc lại được nhìn nhận và suy xét theo cảm tính của số đông mà không theo tính hợp lý hay khoa học của một vấn đề.

Kính trên nhường dưới

Mọi người luôn có xu hướng nhường nhịn người già và trẻ em. Trẻ em được ưu tiên cho mọi cái tốt nhất và chúng sẽ nhận lấy mọi thứ một cách tự nhiên và cho rằng mọi người xung quanh có nhiệm vụ phải đối xử với chúng như vậy. Không vừa ý thì sẽ lăn ra khóc, hờn dỗi cho đến khi đạt được mục đích mới thôi. Trẻ tự té ngã cha mẹ ông bà cũng vội vàng nâng đỡ xuýt xoa và đổ lỗi cho các lý do khách quan mà không giải thích cho trẻ biết vì sao. Chính vì điều này đã tạo nên thói quen ỷ lại, không suy xét kỹ sự vật cho trẻ đồng thời làm cho trẻ không biết quan tâm đến người khác vì khi cần lại có bố mẹ anh chị em chìa tay ra. Tự thân khi lớn lên sẽ tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, môi trường khi vấp ngã trong đời mà không nhìn lại bản thân mình một cách nghiêm khắc.

Người già hay người lớn tuổi hơn cũng luôn được nhường nhịn. Điều này dẫn đến tâm lý người lớn tuổi hơn luôn cho họ đúng và có quyền phán xét người nhỏ hơn mà không có điều ngược lại. Người trẻ lại trở nên sợ phạm tội bất kính. Tâm lý ăn sâu là trẻ trâu không biết gì hay láo làm cho người trẻ người già khó hòa hợp trong công việc. Khi cần phán xét thì lại mang vấn đề kinh nghiệm hay tuổi tác ra làm áp lực lẫn nhau mà không xem xét tính logic của một vấn đề cần phải giải quyết sao cho thấu đáo và hợp lý. Có lẽ chính vì vậy mà dường như người ta chỉ muốn kiếm sự đồng thuận của số đông mà không muốn tự chứng mình rằng mình đúng.

Hãy nhìn xem bao nhiêu người dám đứng ra nhận lỗi đã phạm? Mới gần đây nhất là chuyện một nhà đài sử dụng hình ảnh các em học sinh để làm phóng sự về shisa, nhưng cả nhà đài lẫn nhóm người thực hiện không ai đưa ra lời xin lỗi bởi họ tự nghĩ họ không có sai và người lớn đâu có bao giờ sai. Nếu không có áp lực dư luận thì liệu nhà đài có buộc nhóm làm phim ngưng lại hay không? Hay như chuyện chặt cây xanh ồ ạt ở phố cổ, không ai lên tiếng nhận trách nhiệm mà họ có đủ lý do đưa ra để biện minh cho việc làm ấy là đúng. 

Lá lành đùm lá rách

Việc giúp đỡ người nghèo là cần thiết nhưng không phải lúc nào xã hội cũng phải có nghĩa vụ cưu mang những người nghèo và người giàu phải có nghĩa vụ san sẻ cho người nghèo. Người giàu chính đáng cũng phải lao động cực khổ mới có thể tích lũy được. Ngay cả trong một gia đình cha mẹ cũng vốn thường có suy nghĩ đứa con giàu thì phải san sẻ giúp đỡ cho đứa nghèo hơn. Việc này lại một lần nữa hình thành suy nghĩ ỷ lại cho những người không có nhiều lòng tự trọng cũng như không biết quý trọng đồng tiền. Dịp tết vừa rồi nông dân khóc ròng vì hoa ế không người mua, dân tình trên mạng lại lên tiếng chỉ trích người tiêu dùng không biết ủng hộ dân nghèo khi đợi cho đến khi hoa hạ giá mới đi mua. Kinh doanh là việc thuận mua vừa bán. Người trồng hoa cực khổ chăm hoa thì người mua hoa cũng phải cực khổ lao động để kiếm tiền. Có ai không suy nghĩ khi phải bỏ tiền ra để mua sắm một món gì khi đồng tiền là mồ hôi nước mắt?

Hãy nhìn vào các nền kinh tế tiêu dùng. Để kích thích dân chúng tiêu dùng, các doanh nghiệp lớn nhỏ đều phải thay nhau hạ giá sản phẩm cùng loại liên tục. Cứ đến mùa sales- mùa hạ giá, thì thiên hạ lại lũ lượt kéo nhau đi mua sắm cho sướng tay. Khi không bán được nữa thì các hàng này phải mang hàng hóa dư thừa đi làm từ thiện hoặc bán rẻ như cho. Không lẽ ai cũng lại nghĩ rằng vì các hãng lớn nhiều tiền vậy có bán hạ giá thêm cũng không chết nên cứ phải đợi nó hạ giá mới đi mua?

Người giàu, hay người có vẻ có tiền luôn phải bị trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ ở Việt Nam trở nên phổ biến nhất là đối với du khách nước ngoài. Có nhiều người cứ nghĩ chém thằng tây cho sướng vì nó giàu, nhưng để có tiền đi du lịch đâu phải tự nhiên có tiền để đi được? Việc lấy của người giàu được xem là điều nghiễm nhiên thể hiện luôn ở việc Việt Nam cứ đi ngửa tay xin viện trợ các nước mấy chục năm nay mà không mảy may nghĩ rằng sẽ có lúc người ta phát ngán không muốn cho vay nữa. Thử nghĩ xem cứ mỗi ngày ra ngõ gặp đúng người ăn xin ấy, hết năm nay qua năm khác cứ cho tiền đều đặn thì liệu sẽ kiên nhẫn cho được trong bao lâu?

Nhường chị nhường em

Trong gia đình anh chị lớn phải luôn nhường nhịn em nhỏ. Rồi người này phải nhịn người kia để được trong ấm ngoài êm. Ai cũng cho như vậy là đúng mà không cần quan tâm hỏi xem người phải nhường nhịn có cảm giác ra sao khi phải chịu thiệt hay thậm chí họ cũng không biết là họ bị thiệt vì ai cũng cho nhường nhịn là đúng. Có lẽ chính vì vậy mà thói quen không muốn làm to chuyện để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình được hình thành và có xu hướng buông xuôi. Hay phải chăng tư duy sợ làm khác người đã làm cho người ta hành động không theo lý trí nữa mà phải theo trào lưu và ý kiến của cộng đồng?

Khi có chuyện xảy ra lý do để bào chữa thường là thôi tha cho em nó vì em nó còn nhỏ dại, hoặc tại nghèo quá nên phải làm liều. Người đứng ngoài thì cũng gật gù, ừ tội nghiệp quá, thôi bỏ qua cho họ đi. Nếu có ai cương quyết làm đến cùng vì đúng lý thì sẽ bị cho là vô tâm hay không biết thương người và trở thành người lập dị. Kẻ yếu luôn được nâng đỡ cho dù là có sai. Hãy nhìn xem các vụ tai nạn xe cộ, không cần biết ai đúng sai, cứ người đi xe to phải bồi thường cho xe nhỏ khi xảy ra tai nạn cho dù người đi xe to không có lỗi gì. Người đứng ngoài thường chia ra làm hai phía ủng hộ hai bên có liên quan. Mỗi bên ra sức bảo vệ quan điểm của mình thậm chí dùng lời lẽ không đẹp để mạt sát nhau. Và đến đây thì trở thành chuyện của đám đông và việc được giải quyết để xoa dịu đám đông mà không phải vì muốn giải quyết thấu đáo bản chất của sự việc.

Chuyện ồn ào mới đây nhất là việc từ chối vận chuyển người tàn tật của Vietjetair. Người sử dụng dịch vụ không đúng khi không thông báo cho hãng máy bay tình trạng di chuyển hạn chế trước giờ bay 48 tiếng, người xử lý việc làm theo đúng quy trình là từ chối không cho bay nhưng đã không đúng khi không báo cáo với cấp cao hơn để có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Chuyện chỉ có vậy, nhưng rất nhiều người tham gia bàn luận, gây áp lực buộc nhân viên mặt đất phải bị thôi việc và giờ đám đông lại còn muốn tiến một bước xa hơn là tẩy chay luôn hãng bay vì cho rằng hãng bay kỳ thị người khuyết tật. Đám đông phía đối lập lại lên tiếng miệt thị người khuyết tật vì cho rằng nhân viên nọ đã bị oan. Tại sao không đứng trên quan điểm của hai bên mà suy xét sự việc cho công tâm? Qua vụ việc này cũng có điều tốt khi các cảng hàng không xem xét việc bố trí tiện ích phục vụ người tàn tật nhưng cũng thấy rõ hơn việc yếu kém trong xử lý của hãng bay là vẫn dựa vào cảm tính khi buộc nhân viên thôi việc để xoa dịu dư luận mà không nghĩ đến việc phải cải thiện trình độ nghiệp vụ của nhân viên để phục vụ hành khách tốt hơn.


Ngay cả người bình thường cũng tự biến mình thành kẻ yếm thế hay kẻ dưới khi giao tiếp với người khác ở những nơi công cộng. Khi yêu cầu dịch vụ thì tự người mua dịch vụ gọi người bán là anh hay chị xưng em, hoặc là gọi cô chú nếu với người lớn tuổi và xưng con hay cháu. Cách xưng hô với đồng nghiệp cũng vậy đã làm cho người lớn tuổi hơn tự cảm thấy họ cao hơn một bậc và có quyền nói hay dạy dỗ bất cứ điều gì họ muốn.Tại sao không xưng tôi để cho thấy vị thế của mình là ngang với người bán chứ không phải đi xin hay nhận sự ban phát dịch vụ của họ? Tại sao không xưng tôi để thấy là đồng nghiệp thì phải được đối xử khác chứ không phải theo phép tắc gia đình? Các chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thống là đáng quý nhưng thiết nghĩ cũng phải tùy lúc tùy nơi mà được đem ra áp dụng.

Tin bài liên quan:

VNTB- Ơn Đảng: Chuyện Lớn Hóa Nhỏ, Chuyện Nhỏ Bỏ Không

Phan Thanh Hung

VNTB – Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, căng thẳng giữa Đức và Việt nam gia tăng

Phan Thanh Hung

VNTB- Món quà nhân quyền cho Obama

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.