VNTB – Phí xét nghiệm Covid ở bệnh viện: có đúng như ‘nhắc nhở’ của PTT Vũ Đức Đam?

VNTB – Phí xét nghiệm Covid ở bệnh viện: có đúng như ‘nhắc nhở’ của PTT Vũ Đức Đam?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Người bệnh không phải trả phí xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế công.

 

Bộ Y tế cho biết ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6665/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, có thông tin rõ ràng, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế, Bộ Y tế tiếp tục có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh/ thành phố, các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành; các cơ sở y tế tư nhân chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19.

Theo Bộ Y tế, đầu tháng 5 vừa qua, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đã quy định đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập nếu nghi mắc Covid-19 và được chỉ định xét nghiệm thì thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại công văn số 1126/BHXH ngày 29-4-2021.

Các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ bảo hiểm y tế chi từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. “Như vậy, người bệnh không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm Covid-19” – Bộ Y tế khẳng định.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết mọi việc không hề đơn giản như nội dung gọi là “ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam” ở văn bản số 6665/VPCP-KGVX.

Cụ thể, công văn 3100 của Bộ Y tế quy định ngân sách Nhà nước chi trả chi phí khám chữa bệnh Covid-19; bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh khác. Còn theo công văn 2259 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ngân sách Nhà nước sẽ chi trả phí điều trị bệnh Covid-19, còn bảo hiểm trả phí điều trị bệnh nền, bệnh phát sinh.

Bà Tuyết cho biết đến nay, có bệnh viện điều trị Covid-19 chưa nhận được một đồng ngân sách nào. Hơn 90% bệnh viện TP.HCM đang tự chủ chi thường xuyên hoàn toàn nên thời gian qua, nguồn thu giảm trầm trọng, thế nhưng nhân viên y tế làm việc gấp 2-3 lần.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho rằng 2 văn bản này “chồng lấn” nhau. Ví dụ, theo công văn 2259 thì ngoài phí khám chữa bệnh Covid-19 (Nhà nước trả) và bệnh nền, bệnh phát sinh (bảo hiểm trả) thì khoảng trống còn lại không rõ cơ quan nào thanh toán. Hơn nữa, mỗi bệnh nhân đều phải điều trị tổng thể, bác sĩ Việt cho rằng rất khó để tách riêng các phần để thanh toán.

Bác sĩ Mai Văn Điển, Giám đốc Bệnh viện An Sinh nói rằng khi nhận 2 văn bản hướng dẫn thanh toán cho bệnh nhân Covid-19, bệnh viện rất “hoang mang”, vì nhiều bệnh nhân khiếu kiện.

Bác sĩ Điển cho rằng văn bản quá chung chung, không thể thực hiện được. Thêm vào đó, bảng giá ngay từ trước khi có dịch Covid-19 vốn dĩ đã thấp hơn so với mặt bằng bệnh viện tư. Nếu thực hiện theo bảng giá này, bệnh viện không cân đối được và đây trở thành gánh nặng tài chính cho bệnh viện tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành y tế TP.HCM đang phải giải quyết nhiều “tàn dư” mà làn sóng dịch thứ 4, trong đó có vấn đề thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19, mà đến nay phía Bộ Y tế cùng quan chức được gọi là ‘đặc trách y tế’ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào dù liên tục nhận hối thúc từ chính quyền TP.HCM.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)