Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Hôm nay câu chuyện nóng hổi “hot girl” mĩ nhân xứ Thanh vẫn đang còn dang dở giữa cuộc vần xoay tang thương trên nước Việt chưa đến hồi kết.
Hai thời đại, hai mĩ nhân và một hệ thống chính trị
Mĩ nhân Dương Ngọc Hoàn (Dương Quí phi) thời nhà Đường đã kết cục số phận cách đây hơn 1400 năm lẻ vẫn còn được truyền tụng trên sân khấu Kinh kịch, hý khúc, tiểu thuyết, hội hoạ, phim ảnh dài tập, tượng đài tái hiện sinh động như vừa mới hôm qua. Câu chuyện tình bi thương nhưng hấp dẫn hàng triệu khán giả bao thế hệ xem mãi không chán.
Hôm nay câu chuyện nóng hổi “hot girl” mĩ nhân xứ Thanh vẫn đang còn dang dở giữa cuộc vần xoay tang thương trên nước Việt chưa đến hồi kết.
Nhưng theo qui luật lịch sử, hồi kết cũng sẽ đến, tuy có khác nhau về các tình tiết nhỏ.
Mĩ nhân Dương Quí Phi do hạn chế lịch sử ngoan cố bám trụ ngai vàng đến cùng nên đã phải chọn giải lụa trắng từ tay người tình vĩ đại Đường Huyền Tông *[1] ban cho đặng được chết toàn thây trên đèo Mã Ngôi. Cái đèo núi tầm thường cũng được lưu danh thiên cổ nhờ đôi tình nhân dang dở.
Hot girl xứ Thanh nhờ vào tiến bộ thời đại, học vấn đại học lại vượt qua cả “trường cao cấp lý luận chính trị” nên vừa thấy động đã nhanh tay nộp đơn treo ấn từ quan cực sớm. Giám đốc Sở Xây Nhà ấn vội vào tay tờ Quyết định nghỉ việc để phi tang. Nàng lặng lẽ mang theo cục “hồ sơ tổ chức bí ẩn” giấu đâu đó và bản thân mai danh ẩn tích, tránh hậu hoạ nhãn tiền chốn quan trường hiểm ác.
Cả hai mĩ nhân đều mang khổ luỵ, cơ bản vì nhan sắc trời cho (dân gian gọi là vốn tự có).
Dương Ngọc Hoàn xinh đẹp với thân hình đầy đặn, tròn trịa, làn da trắng mịn màng như mỡ đông. Tiểu thư quí tộc tỉnh lẻ đã nổi danh “tu hoa mĩ nhân”(người đẹp ngắm hoa thì hoa phải xấu hổ). Nàng lại có tính nghệ sĩ, từ nhỏ đã khổ công học đàn ca nhảy múa tinh xảo hơn người.
Trần Vũ Quỳnh Anh cũng xinh đẹp đến mức được giang hồ tặng danh hiệu “hot girl xứ Thanh”, bốn chữ vàng chẳng kém Dương Phi. Nàng chăm chỉ học tập theo đuổi nghề tin học, hết cao đẳng lại tiến lên đại học và tiến tới mức tột cùng là cao cấp lý luận chính trị.
Thời Đại Đường đã dành cho nàng nghệ sĩ Dương Phi xinh đẹp công việc đúng năng lực: múa hát hầu rượu và hầu chăn gối cho vua Đường. Vua còn dùng nàng làm người mẫu, gọi thi hào Lý Bạch đến làm thơ ca tụng sắc đẹp và tài năng nghệ thuật của nàng (ba bài Thanh bình điệu nổi tiếng). Tuy nhiên vua Đường sai lầm ở chỗ đã kéo cả dòng họ Dương vào triều giữ các chức vụ lớn gây bất bình từ chốn triều đình ra đến ngoài dân gian. Nhưng vua xứ Thanh ta thì trình độ tổ chức cán bộ còn kém xa vua Đường, ông ta cao hứng chỉ đạo bổ nhiệm nàng phi vi tính của mình làm “Trưởng phòng Nhà đất” và dự kiến qui hoạch phó giám đốc Sở Xây Nhà- một sở chuyên môn khoa học kỹ thuật rất quan trọng (xây nhà là quan trọng bậc nhất, nhà sụp đổ thì chết người chứ đâu giỡn chơi như múa hát). Vua xứ Thanh lại dùng chiêu rửa tiền bằng cách cung cấp cho nàng nhiều nhà cửa, xe cộ đắt tiền mang tên nàng.
Cả hai triều đại có nét giống nhau: quan chức triều đình biết chuyện Vua sai quấy nhưng đều tự im lặng không dám can ngăn. Thời nhà Đường, các quan chức bất mãn phải ráng chờ khi triều đình mắc cơn đại loạn, họ mới họp nhau biểu tình bắt bí nhà vua phải xử lý Dương phi và dòng họ Dương thì họ mới chịu giúp vua giành lại ngôi báu. Còn ở “triều đình xứ Thanh”, quan chức dưới quyền cứ răm rắp làm theo chỉ thị ngầm, chỉ thị miệng. Duy có một số cán bộ gần gũi vua, biết chuyện bí ẩn thâm cung đã nhờ bàn tay mạng xã hội đưa tin “bồ nhí, con nhí và tài sản khủng” lên mạng (giả sử thời Đường đã có mạng xã hội internet thì Dương phi tránh khỏi cái chết bi thảm đầy uất ức, cùng lắm thì nàng được trả về gia đình).
Xét cho cùng, cả hai mĩ nhân đều rất đáng thương và đáng cảm thông.
Tuy nhiên “hot girl xứ Thanh” cũng có chút lỗi nặng hơn mĩ nhân nhà Đường. “Hot girl” mắc cái tội ngoại tình. Dương phi thời xưa không có quyền tự chủ như mĩ nhân thời nay, nàng bị quyền lực điều khiển toàn bộ thân phận (đầu tiên nàng bị/được tuyển vào cung làm phi cho hoàng tử Lý Mạo. Cậu bé hoàng tử thứ 18 mới hơn 10 tuổi, còn nhỏ xíu chưa biết làm “chuyện ấy”, cậu chỉ khoái ngắm nghía và đùa giỡn nàng thôi. Để chiều lòng vua, thái giám Cao Lực Sĩ bèn lập mưu sâu, đưa nàng đi làm đạo cô tu hành và phục vụ nhang đèn trong ngôi đền thờ Vũ Huệ phi mới qua đời, đổi tên hiệu nàng là Dương Thái Chân, kế tiếp bày cho vua xuống chỉ cho nàng hoàn tục. Có nghĩa, qui trình ngoằn ngoèo này đã xoá dấu vết và danh hiệu “Dương quí phi”, nàng không còn là vợ hờ của hoàng tử bé, cũng không còn là “con dâu” vua Đường Huyền tông nữa, nàng đã là một con người khác). Bấy giờ vua Đường Huyền Tông mới nạp nàng vào cung điện của mình làm phi tần. Từ đó sủng ái hết mực, mải vui thú quên hết cả triều chính. Xem thế đủ thấy thời phong kiến nhà Đường dẫu cũng dâm loạn nhưng còn coi trọng cái chính danh, chứ đâu như “thời đại rực rỡ nhất lịch sử” dân gian gọi “thời kỳ đồ đểu”, “vua xứ” ngang nhiên ngoại tình với “cán bộ dưới quyền”, chả nghĩ cho nàng một danh phận rõ ràng gì hết.
Đáng lẽ cuộc đời của hai mĩ nhân sẽ hưởng hạnh phúc bình thường với tất cả những gì họ sở hữu nếu không bị “ma dẫn lối quỉ đưa đường” gặp gỡ hai chính khách cỡ lớn.
Mai sau, ít hay nhiều năm nữa (tuỳ tốc độ biến chuyển thời cuộc), văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ viết những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn về chủ đề “hot girl và bi kịch quyền lực- tiền tài- tình dục”, hấp dẫn chẳng kém chuyện nhà Đường bên Tàu.
Khi thấy thiên hạ đồn đại có thể lâm vào nguy hiểm, Vua bèn ra lệnh đối phó:
Sai Phó vương ký bản bố cáo thiên hạ phủ nhận tin đồn “bồ nhí”.
Giao Sở Phát Loa công bố bản tin răn đe“chuyển cho Bộ CA điều tra và xử lý kẻ tung tin thất thiệt”.
Nhắc xuống các Sở tổng quản Nội vụ, Văn phòng UB Thảo Dân, nhất là Sở Xây Nhà, cấm tiệt từ lính gác cửa đến cán bộ chuyên viên không giao tiếp và trả lời bọn phóng điều tra. Thấy số điện thoại lạ thì nhấn nút đỏ cúp máy luôn hoặc cùng lắm thì nói bận họp, hoặc chưa được lệnh của lãnh đạo trả lời.
Sau gần nửa năm điều tra kẻ tung tin, bộ CA không công bố được thủ phạm “tung tin thất thiệt” để xử tội khi quân phạm thượng (Ấy thế mà vua xứ Bắc Ninh bị cát tặc đe doạ bằng tin nhắn thì vài ngày sau bị bắt ngay). Vậy là vua xứ Thanh bây giờ khó ăn nói với thiên hạ?
Nhận thấy hệ thống Báo chí lề Đảng lề Dân cả nước đã vào cuộc rộn ràng, Vua giật mình sai Quan Thanh tra giả vờ vào cuộc, và kết luận “bổ nhiệm hot girl là sai sót, nhưng tất cả tập thể đều chịu trách nhiệm”. Giả sử nếu kỷ luật tập thể thì đại loại là “rút kinh nghiệm tập thể”, “khiển trách”, … Yên tâm đi, hồ sơ cá nhân cán bộ sẽ không thể ghi cái “kỷ luật tập thể” vào đó được đâu… Ráng chiụ ấm ức một chút các đồng chí nhé, sau trẫm sẽ bù đắp cho, trẫm còn thì các ngươi còn.
Tuy nhiên dư luận lần này không đơn giản nữa. Báo chí đã phỏng vấn nhiều quan chức cao cấp, toàn là những công thần khai quốc có tên tuổi…Phó UBKT trung ương, trung tướng tư lệnh quân khu, UV trung ương Mặt trận tổ quốc.v.v… Chỉ có điều “tứ trụ trào đình” và các phó tể tướng còn loay hoay chưa dám phát ngôn chỉ đạo.
Bây giờ cái khó xử cấp Xứ lại chạy ngược lên tới tận cung điện văn phòng hoàng đế.
Cố gắng của bá vương xứ Thanh không bịt được miệng thiên hạ, làm phiền lớn đến bệ hạ và các vị “vua tập thể”. Danh dự quốc gia bị bôi nhọ nghiêm trọng. Im lặng cắn răng bấm bụng suốt mấy tuần lễ rồi. Chẳng lẽ có mỗi việc mụ hiệu trưởng điêu ngoa ở kinh thành gây chuyện đã phải sai phó tể tướng rồi thị trưởng kinh đô lên tiếng. Bây giờ chuyện xứ Thanh phức tạp và ghê tởm hơn nhiều mà triều đình chưa có chỉ thị hay khẩu dụ, rồi ra thiên hạ xì xào nghi ngờ. Bao nhiêu công lao của Bộ tuyên truyền dưỡng giáo và các Viện hàn lâm cao cấp đổ sông đổ biển hết cả hay sao ? Chỉ bực một nỗi là vụ này chưa xong lại chồng chất vụ khác, bệnh di căn nhanh quá, chạy theo mệt tắt thở. Đối nội rắc rối toàn do bọn quan lại gây ra, đối ngoại thì thắc thẻo hồi hộp trước mỗi động thái ngoại giao của bọn đại cường quốc… Thôi thì, trước mắt lại phải thí mạng vài con sói con cáo, chọn đứa khác bù vào qui hoạch tạo nguồn kế cận vậy. Sử sách tiền bối từ phong kiến đã dạy như vậy rồi, đành phải theo thôi.
Chỉ cảm thương “hot girl” xứ Thanh tuổi xuân còn phơi phới đã phải tự tìm chốn vắng vẻ tu hành như một đạo cô, có lẽ phải chọn một đạo hiệu nào đó để tránh thị phi thiên hạ.
Kết
E rằng sẽ có bạn đọc chất vấn rằng: Tại sao chúng tôi lại đem so sánh chuyện thời hiện đại với chuyện ngày xửa ngày xưa lạc hậu, vậy, chẳng tránh khỏi so sánh khập khiễng ư ?
Xin thưa bạn đọc quí mến, rằng, sự so sánh không hề khập khiễng, trái lại rất biện chứng. Bởi nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định, “thời đại tực rỡ”ngày nay tuy có khác xưa nhiều về hình thức nhưng bản chất vẫn như cũ, chỉ được tân trang bằng ngôn từ thời đại. Ôn cố tri tân là thế đấy.
[1] . Tên thường gọi Đường Minh Hoàng